|
Hồng môn. Ảnh internet |
Điều đáng nói là, việc nhân giống hồng môn của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng được thực hiện theo phương pháp nuôi cấy mô từ lá. Theo khảo sát của Trung tâm, khu vực Bảo Lộc và Di Linh (cách Đà Lạt trên dưới 100km) là vùng đất có điều kiện khí hậu rất thích hợp cho việc phát triển sản xuất hàng hóa một số loài hoa đặc trưng có giá trị kinh tế cao, trong đó đặc biệt là hoa hồng môn.
Tuy nhiên, trong thực tế, tại hai địa phương này, việc sản xuất cây hồng môn hàng hóa chưa phát triển ngang tầm; bởi nhiều lý do, trong đó có lý do là việc cung ứng số lượng cây giống và chất lượng cây giống chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cũng theo khảo sát của Trung tâm, hiện cây hồng môn ở Bảo Lộc và Di Linh nói riêng và Lâm Đồng nói chung vẫn là loại cây cảnh tương đối hiếm, vì việc nhân giống chủ yếu bằng cách tách chồi từ cây mẹ có hệ số nhân thấp; trong khi đó, cây giống nhập nội có giá thành khá cao nên rất khó sản xuất theo diện rộng.
Để cải thiện tình hình giống hồng môn ở Lâm Đồng, đặc biệt là đối với hai địa phương có điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển sản xuất hồng môn, cùng với Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên sau khi nghiên cứu chọn lọc một số giống hồng môn (Anthurium andreanum) nhập nội, từ 2006 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã tiến hành nghiên cứu nhân giống 2 giống hoa hồng môn mới chọn lọc Tropical và Arizona bằng phương pháp nuôi cấy mô từ lá.
Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết: Phương pháp nghiên cứu nhân giống hồng môn ở Bảo Lộc được thực hiện qua hai giai đoạn – giai đoạn nhân giống trong ống nghiệm và giai đoạn sau ống nghiệm.
Ở giai đoạn nhân giống trong ống nghiệm, các cán bộ của Trung tâm đã thực hiện theo các bước: Tạo mô sẹo từ lá non, nhân mô sẹo và tái sinh chồi, nhân chồi và tái sinh rễ để tạo cây con hoàn chỉnh. Ở giai đoạn sau ống nghiệm là các bước đưa cây cấy mô ra điều kiện tự nhiên (thời kỳ khay ươm) và sau đó là nhân giống trong điều kiện đồng ruộng. Từ kết quả nghiên cứu, cán bộ khoa học của Trung tâm kết luận: Ở giai đoạn nhân giống trong ống nghiệm, từ 1 bình 5 cụm chồi ban đầu, sau 45 – 60 ngày, có thể cấy chuyền nhân ra được 3 bình, đồng thời tách được trung bình 25 chồi cho ra rễ. Nếu mỗi năm cấy chuyền nhân chồi 6 lần (60 ngày 1 lần) thì sẽ nhân được khoảng 26.625 chồi đủ tiêu chuẩn chuyển sang môi trường tạo rễ.
Ở giai đoạn sau ống nghiệm, điều kiện chăm sóc cây con khá nghiêm ngặt: Giúp cây con chống đỡ với những điều kiện bất lợi của môi trường bên ngoài ống nghiệm, đảm bảo độ ẩm và ánh sáng, bổ sung dinh dưỡng để cây con phát triển tốt… rồi sau đó mới đưa cây con ra trồng trong môi trường đồng ruộng. Có thể nói, qua nhiều năm nghiên cứu và thực hiện việc nhân hai loại giống hoa hồng môn Arizona và Tropical ở Bảo Lộc của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, tuy phải trải qua không ít khó khăn nhưng nhờ sự cố gắng cao của đội ngũ cán bộ khoa học của Trung tâm, kết quả mà họ mang lại có một ý nghĩa rất đặc biệt trong bối cảnh giống hồng môn đang vô cùng khan hiếm trên thị trường trong tỉnh, trong nước và cả trên thế giới như hiện nay. Trung tâm cho biết: Từ 2008 đến nay, bằng việc ứng dụng quy trình nhân giống hồng môn bằng phương pháp nuôi cấy mô từ lá này, với 1 box cây đơn, Trung tâm đã tiến hành nhân giống và đưa vào sản xuất được hàng vạn cây con; cụ thể là năm 2008 nhân giống được 25.000 cây giống, 2009: 40.000 cây và năm 2010 vừa qua nhân được 50.000 cây giống hồng môn.
Cho đến lúc này, với sự thành công trong quy trình nhân giống hoa hồng môn bằng phương pháp nuôi cấy mô từ lá trên hai giống Tropical và Arizona của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã cho phép nông dân Lâm Đồng nói riêng và nông dân cả nước nói chung nghĩ đến việc sản xuất đồng loạt loại cây hoa hàng hóa có giá trị kinh tế khá cao này một cách đại trà trên đồng ruộng.
Khắc Dũng