Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3): Nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2009, ước tính Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có tỷ lệ người nhiễm bệnh lao cao trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2009, ước tính Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 nước có tỷ lệ người nhiễm bệnh lao cao trên toàn cầu.

 

Tại Hải Phòng, nguy cơ đồng nhiễm lao/HIV, lao kháng thuốc và kháng đa thuốc tăng nhanh. Nguy cơ nhiễm bệnh lao của người dân vẫn ở mức cao, hơn 1,31%. Bình quân mỗi năm, ước tính Hải Phòng có khoảng 2.200 người nhiễm lao các thể, trong đó khoảng 1.100-1.200 người bệnh lao phổi mới; 220 người (khoảng 10%) nhiễm lao/HIV.

 

Đọc phim chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng

Ảnh: Đỗ Hiền

Từ năm 1997, Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới nhận định đạt  mục tiêu  phát hiện hơn 70% số người bệnh lao hiện có trong cộng đồng và điều trị khỏi  hơn 85% số người bệnh được phát hiện bằng biện pháp hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát (chiến lược DOTS). Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh lao ở nước ta vẫn ở mức cao và số người ở lứa tuổi 15 - 24  có nguy cơ nhiễm lao tăng. Tình hình đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chương trình phòng, chống lao quốc gia là giảm một nửa số người bệnh lao vào năm 2015. Nguyên nhân của tình trạng này là tỷ lệ người đồng nhiễm lao/HIV, số người bệnh lao kháng thuốc tăng nhanh; công tác quản lý người bệnh lao ở các cơ sở y tế tư nhân còn yếu; một bộ phận người dân nghèo chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin và dịch vụ của chương trình quốc gia. Nhưng quan trọng nhất là thiếu nhân lực và kinh phí cho chương trình phòng, chống lao, công tác quản lý người bệnh kháng đa thuốc phức tạp…

 

Năm 2010, với chủ đề “Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn”, chương trình quốc gia phòng, chống lao xây dựng ý tưởng xã hội hóa các hoạt động này. Qua đó huy động mỗi cá nhân nêu cao tinh thần và trách nhiệm, cùng tuyên truyền, có hành động thiết thực để phòng, chống bệnh lao. Để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh lao, góp phần xoá đói, giảm nghèo và tăng trưởng bền vững, cần làm tốt một số nhiệm vụ sau: Trước hết, tiếp tục kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức các tuyến trong công tác chống  bệnh lao từ tuyến tỉnh, thành phố đến xã, phường; triển khai chiến lược DOTS mở rộng, bảo đảm cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao cho các tuyến của hệ thống y tế;  tăng cường tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế nhóm người nghèo có nguy cơ cao, xây dựng chiến lược phối hợp y tế Công - tư  hoạt động có chất lượng, triển khai khung hành động phối hợp lao/HIV, xây dựng và cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị cho người bệnh lao kháng đa thuốc và tăng cường sự tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho các đối tượng trong các trại giam, và trại giáo dưỡng.

 

Ngoài Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng, người nghi nhiễm lao có thể khám tại phòng khám số 33 phố  Lê Đại Hành hoặc tại các bệnh viện đa khoa quận, huyện.

Trong trường hợp người bệnh được phát hiện nhiễm lao sẽ thực hiện phác đồ điều trị tấn công 2 tháng đầu và 6 tháng điều trị duy trì, được phát thuốc miễn phí.

Mọi người dân cần thông tin về bệnh lao có thể liên hệ với các trạm y tế xã, phường để được các thành viên tổ chống lao tư vấn đầy đủ.

 

Công tác phòng, chống bệnh lao đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở. Trước hết, cần quan tâm xây dựng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ này. Hiện đội ngũ cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi được thành phố hỗ trợ 50 nghìn đồng/ tháng/người  từ năm 1997. Hơn 10 năm, thời giá thay đổi, nhưng mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, thu hút người tài về công tác trong ngành phòng, chống lao.

 

Bác sĩ Nguyễn Quốc Công

(Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi)

Đọc thêm