Nhãn tiền “tín dụng đen”

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc vừa đưa ra xét xử mới đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với hiện tượng lừa đảo khá phổ biến trên lĩnh vực tín dụng phi chính thức. Với số tiền phạm pháp rất lớn, lên đến 145,5 tỷ đồng, hành vi lừa dối chung quy lại cũng mang đầy đủ dáng dấp của hình thức “tín dụng đen”, nghĩa là lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác, đánh trúng vào lòng tham, bất chấp nguy cơ rủi ro của nhiều người để huy động, hùn hạp, vay mượn tiền với lãi suất cao trên danh nghĩa làm ăn buôn bán.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc vừa đưa ra xét xử mới đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với hiện tượng lừa đảo khá phổ biến trên lĩnh vực tín dụng phi chính thức. Với số tiền phạm pháp rất lớn, lên đến 145,5 tỷ đồng, hành vi lừa dối chung quy lại cũng mang đầy đủ dáng dấp của hình thức “tín dụng đen”, nghĩa là lợi dụng sự cả tin, mất cảnh giác, đánh trúng vào lòng tham, bất chấp nguy cơ rủi ro của nhiều người để huy động, hùn hạp, vay mượn tiền với lãi suất cao trên danh nghĩa làm ăn buôn bán.

Đáng tiếc là những kiểu “giao kèo” như vậy thường dựa trên nền tảng thiếu hiểu biết pháp luật một cách đầy đủ, không công khai minh bạch, thậm chí tránh né pháp luật để kinh doanh phi pháp, đã dẫn đến nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng. Trên thực tế, “tín dụng đen” là một dạng tồn tại xã hội, vận hành theo cơ chế tâm lý “lan truyền tự nhiên”, trong đó sự ngộ nhận giữa đúng - sai là một ranh giới hết sức mong manh, chỉ đến khi sự việc đổ bể thì người trong cuộc mới thực sự hồi tỉnh. Chính vì vậy, tính cấp bách của việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật chi tiết, minh bạch, có tính thực thi cao, đi kèm với một hệ thống tín dụng chính thức vừa chuyên nghiệp, thông thoáng vừa hiệu quả sẽ góp phần quyết định nhằm hạn chế những hiệu ứng hết sức tiêu cực do tín dụng đen gây ra.

Đã có rất nhiều thảm cảnh kéo theo từ hậu quả của tín dụng đen như: Tan gia bại sản, phát sinh tình trạng nghèo đói làm nặng nề hơn các tệ nạn xã hội, nạn “đầu gấu đi đòi nợ” xem thường kỷ cương phép nước hoành hoành... Tuy nhiên, hậu quả đáng tiếc nhất chính là sự mất lòng tin của người dân vào năng lực quản lý kinh tế-xã hội của chính quyền sở tại, trong đó vai trò trực tiếp của các cấp chính quyền, đoàn thể vĩ mô (phường, xã) có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chủ động phát hiện, thông tin và ngăn chặn tình hình diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Để hạn chế dần, đi đến loại trừ hiện tượng tín dụng đen trong xã hội, thiết nghĩ cần triển khai một số công việc cấp bách. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến từng cộng đồng xã hội và gia đình về những tác hại không lường hết được của vòng xoáy tín dụng đen. Đề cao tính chấp pháp trong mọi giao dịch kinh doanh, làm ăn buôn bán, tất cả phải được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, thiết lập các tổ trợ giúp pháp lý đến tận cấp phường, xã nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình tự tìm hiểu và chủ động thực thi pháp luật.

Thực hiện công khai minh bạch và tạo mọi điều kiện thuận lợi để những người dân có nhu cầu làm ăn chính đáng, nhất là những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước hoặc các kênh tín dụng chính thức khác. Trong bối cảnh một số ngân hàng đang phải thắt chặt tín dụng như hiện nay, nguy cơ bùng phát tín dụng đen là một thực tế khó tránh khỏi, vì vậy về mặt điều hành vĩ mô cần phải có những quyết sách kịp thời, hợp lý, đúng liều lượng nhằm sớm giải tỏa tình trạng căng thẳng đang phát sinh.

TÂM DÂN

Đọc thêm