Nhập viện trong đêm tân hôn vì dị ứng..mỹ phẩm

(PLO) - Trong đêm “động phòng hoa chúc”, cô gái như muốn phát điên khi toàn bộ phần mặt, hai cánh tay và cổ bị “ngứa như móc thịt”, sau đó ít phút các chấm đỏ nhỏ li ti bắt đầu mọc đầy mặt, lan ra cánh tay và khắp vùng ngực.  Không thể chịu nổi, cô đành phải để chồng chở đến bệnh viện khám, bỏ lỡ đêm tân hôn.

Mỹ phẩm giá sinh viên
Mỹ phẩm giá sinh viên
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Trung tâm), Bệnh viện Bạch Mai, số ca tai biến và dị ứng do sử dụng mỹ phẩm tại Hà Nội hiện tăng 3 lần so với 5 năm trước. Trường hợp nhẹ thì bị ngứa, nổi mẩn, nặng thì nổi mụn nước li ti khắp người hoặc loét da, đau toàn thân, thậm chí có người bị suy gan, suy thận…
Mỹ phẩm "xịn" cũng gây họa
Mới đây, một nữ phóng viên đang công tác tại một tạp chí trên địa bàn Thủ đô nhờ tôi đưa đến Trung tâm khám, điều trị để lấy lại được làn da ngà của chị trước đây.
Da chị vốn rất mịn màng nhưng với mong muốn có được làn da vừa mịn vừa sáng trắng, chị đã tìm đến một trung tâm thẩm mỹ lớn của Hà Nội. Vốn cẩn thận và tài chính cũng “rủng rỉnh”, chị đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để vừa tắm trắng, vừa dưỡng da và sử dụng kem làm sáng da bằng một seri kem đa năng của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 tuần sử dụng, da chị không những không được cải thiện mà còn bị nổi mụn, sưng mọng, ngứa ngáy không chịu nổi. Sau một thời gian điều trị ngoại trú tại bệnh viện, các vết dị ứng đã khỏi nhưng da chị trở nên thô ráp trông rất khó coi. Chị nhiều lần tìm đến trung tâm thẩm mỹ nọ để đòi bồi thường, nhưng “gà thả ra rồi biết đâu mà đuổi”...
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn thì lại nhớ mãi câu chuyện “cười ra nước mắt” của đôi uyên ương đã đứng tuổi ở một phường ven đô của Hà Nội. Trong đêm “động phòng hoa chúc”, những tưởng cặp đôi sẽ thật hạnh phúc sau bao tháng ngày chờ đợi, ngờ đâu đúng giờ  phút thiêng liêng nhất, cô gái như muốn phát điên khi toàn bộ phần mặt, hai cánh tay và cổ bị “ngứa như móc thịt”, sau đó ít phút các chấm đỏ nhỏ li ti bắt đầu mọc đầy mặt, lan ra cánh tay và khắp vùng ngực.  Không thể chịu nổi, cô đành phải để chồng chở đến bệnh viện khám, bỏ lỡ đêm tân hôn. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ chẩn đoán cô bị dị ứng với một loại phấn khá thịnh hành.
TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, cả hai trường hợp kể trên bị dị ứng với mỹ phẩm do cơ địa của họ không thích nghi với loại mỹ phẩm đó.
Số ca dị ứng, tai biến tăng 3 lần so với 5 năm trước
Những trường hợp trên thì mỹ phẩm “bị oan”, còn hầu hết các trường hợp đến khám và điều trị tại Trung tâm bị dị ứng và biến chứng do sử dụng các loại  mỹ phẩm “trôi nổi”…
Thực tế, việc mua các mỹ phẩm rẻ tiền quá dễ dàng. Từ chợ Đồng Xuân đến các chợ đêm sinh viên đều bán nhan nhản các loại mỹ phẩm rẻ tiền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng khâu kiểm tra, kiểm soát lại gần như bị thả nổi.
Theo nghiên cứu mới đây của PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn và cộng sự về tình hình sử dụng mỹ phẩm của người dân trên địa bàn Hà Nội, cùng với sự phong phú, đa dạng và ngày càng phát triển của mỹ phẩm (hàng trăm loại mỹ phẩm các loại từ son môi, phấn các loại, thuốc nhuộm tóc, nước hoa, khử mùi….), số ca tai biến và dị ứng do sử dụng mỹ phẩm ngày càng gia tăng (gấp 3 lần so với 5 năm trước đây).
Một bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm
 Một bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm
Trong số đó có hơn 50% ca do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ Trung Quốc. Nhiều ca do dùng các sản phẩm “nhái” thương hiệu Hugo boss, Chanel,  Shiseido… Trường hợp nhẹ thì bị ngứa, nổi mẩn quanh khu vực sử dụng mỹ phẩm. Nặng hơn thì bị nổi mụn nước li ti và lan ra khắp người, thậm chí còn bị loét da, đau đớn toàn thân. Thậm chí có những trường hợp bị suy gan, suy thận trên bệnh nhân có các bệnh nền khác (viêm cầu thận, viêm gan…), tổn thương các cơ quan nội tạng, thậm chí gây ung thư da. Không chỉ phụ nữ, nhiều “mày râu” luống tuổi đã tự mua thuốc nhuộm tóc về sử dụng. Vì thiếu kiến thức và không biết cách sử dụng, mua phải những loại thuốc nhuộm kém chất lượng, hậu quả là không ít người đã thành bệnh nhân.
“Có nhiều loại mỹ phẩm thế giới đã khuyến cáo không sử dụng nhưng Việt Nam vẫn dùng; Có loại đã hết hạn sử dụng, hàng rởm, “xách tay” từ nước ngoài về nhưng nhiều người vẫn nhầm tưởng là hàng xịn, mua với giá cắt cổ. Cuối cùng, tiền mất, tật mang”, TS Đoàn phản ánh.
TS Đoàn cảnh báo, do thời tiết nắng nóng, tỷ lệ phụ nữ sử dụng các loại kem chống nắng, dưỡng da... ngày càng gia tăng, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng các ca dị ứng loại mỹ phẩm này.
Kỹ năng phòng hậu họa
Theo TS Đoàn, bởi mỹ phẩm giả, nhái hiện nay làm không khác hàng thật là mấy nên nếu không tinh mắt, người mua khó lòng phát hiện. Bởi vậy, cách duy nhất hiện nay là không dùng mỹ phẩm “trôi nổi”, không nhãn mác. Bên cạnh đó, nên sử dụng các loại mỹ phẩm phù hợp với làn da của mình, trong thời điểm thích hợp (loại riêng cho mùa hè, mùa đông, lúc lao động nặng nhọc hay nắng nóng quá cũng không nên dùng mỹ phẩm hoặc dùng với liều lượng hạn chế).

TS Đoàn tư vấn, nên biết một số kỹ năng cơ bản để phòng dị ứng mỹ phẩm. Ví dụ: Xoa mỹ phẩm 20-48 phút trên khoảng 1cm vùng da nhạy cảm như mặt trong da đùi; trong cẳng tay và lưng, nếu không thấy dị ứng mới dùng. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da, tóc, móng…: ngứa, nổi ban đỏ, mụn nước, loét da…, phải ngừng ngay sử dụng mỹ phẩm và đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Những người có cơ địa dị ứng (dễ xuất hiện một hay nhiều dị ứng như nổi mề đay, chàm, viêm da cơ địa…) càng phải lưu ý và thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm.
Theo ông Lê Việt Phương, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản Theo Hồng Tràlý thị trường Hà Nội: Năm 2013 và đầu năm 2014, Đội đã kiểm tra và bắt giữ không ít vụ mỹ phẩm “trôi nổi” trên địa bàn, nhất là khu vực chợ Đồng Xuân. Lớn nhất phải kể đến vụ Nguyễn Duy Luận (xóm 7 Tế Xuyên, Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội). Theo đó, ngày 25/1/2014, Đội Quản lý thị trường số 14 đã bắt quả tang kho hàng và cũng là cửa hàng của Luận chứa tới hơn 3 tấn mỹ phẩm các loại (son, phấn, kem tẩy trang, dưỡng da…) không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Ngày 28/5, Đội Quản lý thị trường số 14 (Hà Nội) phát hiện kho hàng của Công ty TNHH LK (41B Lý Thái Tổ) có rất nhiều sản phẩm của hãng Kanebo, Nhật Bản (phấn nền, phấn phủ, kem dưỡng da body, kem dưỡng da mặt...) không có nhãn mác. Một số dòng sản phẩm cũng của hãng này đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được Công ty xếp vào kệ “khuyến mại” và các kệ đang kinh doanh của kho hàng.

Đọc thêm