Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 26/9 khẳng định, Tokyo sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền đối với chuỗi đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông và lên án các hành động tấn công nhằm vào lợi ích của Nhật ở Trung Quốc.
[links()]Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 26/9 khẳng định, Tokyo sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền đối với chuỗi đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông và lên án các hành động tấn công nhằm vào lợi ích của Nhật ở Trung Quốc.
|
Thủ tướng Nhật Bản Noda tại buổi họp báo ở New York ngày 26/9. Ảnh: AP |
Phát biểu tại một buổi họp báo sau cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ông Noda nói rằng Trung Quốc đã hiểu sai vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của chúng tôi xét trên cả phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế”, ông Noda nói. “Đó là một điều rất rõ ràng và không hề có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào cả. Vì vậy, tôi phải nói rõ rằng không thể có sự nhượng bộ vốn đồng nghĩa với việc gây tổn hại đến lập trường cơ bản này”, ông Noda tuyên bố trước các phóng viên.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 26/9 cảnh báo rằng những xung đột trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc có thể làm chệch hướng sự phát triển kinh tế thế giới. Theo bà Yingluck, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một đầu tàu trong nền kinh tế toàn cầu, do đó, bế tắc giữa Trung Quốc và các nước láng giềng liên quan đến các tranh chấp biển đảo cần phải được giải quyết. “Chúng ta không thể thành công trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và sự thịnh vượng nếu vẫn còn những căng thẳng” – Thủ tướng Thái nói và cho biết Bangkok cũng đang tích cực để xoa dịu tình hình. |
Thủ tướng Noda giải thích rằng việc chính phủ Nhật Bản mua lại một số hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp từ các chủ sở hữu tư nhân người Nhật đã bị “hiểu sai”.
“Một phần quần đảo Senkaku đang do một chủ sở hữu tư nhân nắm giữ đã được chuyển giao cho chính phủ để đảm bảo việc quản lý quần đảo này một cách ổn định” – ông Noda nói. Theo Thủ tướng Nhật, điều này không có nghĩa là Tokyo mới có được quần đảo này.
“Quần đảo này thuộc sở hữu tư nhân của một công dân Nhật và đã được chuyển giao quyền sở hữu theo luật pháp Nhật Bản” – ông trình bày và cho biết thêm rằng Tokyo đã giải thích điều này với Bắc Kinh trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, theo ông Noda, “Trung Quốc dường như vẫn chưa hiểu vấn đề và cũng vì không hiểu vấn đề nên mới để xảy ra các vụ tấn công và các hành động bạo lực và phá hủy nhắm vào các công dân và tài sản Nhật ở Trung Quốc”.
Thủ tướng Nhật yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt mối de dọa từ những người biểu tình Trung Quốc đối với các công dân cũng như doanh nghiệp Nhật đang sinh sống làm ăn ở Trung Quốc. “Chúng tôi đã truyền đạt khá rõ ràng rằng trong bất cứ trường hợp nào thì bạo lực cũng không thể được dung thứ và chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc bảo vệ công dân và tài sản của người Nhật” - ông nói thêm.
Ông Noda từ chối cho biết liệu Nhật có yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại hay không. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế từ những tranh chấp giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng lên từng ngày. Chỉ ít phút trước phát biểu của thủ tướng Noda, hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) tiết lộ rằng 40.000 vé đặt trước trên các chuyến bay chặng Nhật Bản – Trung Quốc đến tháng 11 tới đã bị hủy bỏ.
Hai nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota và Nissan cũng tuyên bố sẽ cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc vì nhu cầu ô tô Nhật Bản đã bị ảnh hưởng mạnh bởi những tranh cãi giữa 2 nước.
Trung Quốc "phản pháo"
Phản ứng trước phát biểu của Thủ tướng Noda, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 27/9 nói rằng Nhật Bản đã “phớt lờ các cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế”.
“Trung Quốc vô cùng thất vọng và cực lực phản đối thái độ ngoan cố của nhà lãnh đạo Nhật Bản khi đề cập đến lập trường sai trái của ông ấy” – ông Tần nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố khác cáo buộc Nhật Bản đang thách thức nghiêm trọng trật tự thế giới thời hậu chiến nhưng lại lấy luật pháp quốc tế ra làm bình phong. “Nhật Bản cần phải đối diện với lịch sử, nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc pháp lý quốc tế và chấm dứt mọi hành động xâm phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước khác” – ông Tần nói thêm.
Trước đó, ngày 26/9, tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp Quốc, thủ tướng Nhật Bản nói rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết bằng một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không phải bằng vũ lực.
Theo phái viên của Nhật Bản, dù khẳng định không tồn tại vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng ông Noda cũng nói rằng Nhật Bản tự tin rằng họ sẽ chiến thắng nếu vấn đề này được đưa ra Tòa án công lý quốc tế.
Phái đoàn Nhật Bản cũng đã cung cấp cho các phóng viên những tài liệu và hồ sơ mà họ cho là chứng cứ chứng tỏ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo. Trong số này có bản sao các bản đồ do chính Trung Quốc ấn bản vốn đánh dấu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ Nhật Bản.
Minh Ngọc (theo AFP, AP)