Nhiều bất cập trong thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng

(PLVN) -Bộ Công an đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật.

Đưa vào Trường giáo dưỡng 1621 đối tượng

Kể từ khi Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014 của Chỉnh phủ quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng (TGD) và cơ sở giáo dục bắt buộc (CSGDBB) được ban hành, Bộ Công an đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; tập huấn áp dụng các biện pháp xử lý hành đưa vào TGD, CSGDBB. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (THPL về XLVPHC) trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật XLVPHC và các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có Nghị định số 02/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp phát hành tài liệu tập huấn liên quan đến xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có biện pháp xử lý hành chính đưa vào TGD, CSGDBB.

Tại các địa phương, Công an cấp tỉnh đã phối hợp với các Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn quán triệt nội dung Nghị định tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ,… được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác THPL về XLVPHC. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức về công tác áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB cho các đại biểu là lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; lãnh đạo các phòng thuộc Công an tỉnh, Công an cấp huyện, lãnh đạo các đội nghiệp vụ, cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác lập hồ sơ; Chủ tịch UBND cấp xã; lực lượng Công an xã các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.

8 năm qua, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD là 1621đối tượng, CSGDBB là 3056 đối tượng; Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào TGD là 1474 đối tượng, CSGDBB là 2788 đối tượng (chiếm khoảng 91% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).

So sánh số liệu các năm cho thấy, số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB có xu hướng tăng đều từ năm 2014 cho đến nay. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định số 02/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh, chú trọng việc áp dụng biện pháp này trên thực tế.

Nhìn chung, tình hình áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB trên cả nước đã được thực hiện tương đối tốt, các cơ quan, ban ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định về quy trình, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào TGD, CSGDBB theo đúng Nghị định số 02/2014/NĐ-CP.

Nâng cao năng lực công tác cho cán bộ

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, thực hiện quy định của Nghị định số 02/2014/NĐ-CP còn nhiều khó khăn, như Nghị định không quy định “Nơi cư trú ổn định”, “Không có nơi cư trú ổn định”; Nghị định chưa thống nhất quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành đưa vào TGD, CSGDBB và địa phương cũng chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà bị tạm giữ, tạm giam để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sau đó Tòa án nhân dân tuyên không có tội, khi chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thời hạn tạm giữ, tạm giam đó chưa được hướng dẫn cách tính vào thời gian chấp hành quyết định.

Việc quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ trốn, chết thì chưa có hướng dẫn xử lý, trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan như thế nào không được đề cập và Nghị định số 02/2014/NĐ-CP cũng không quy định cụ thể vấn đề này nên có trường hợp người được tạm đình chỉ chết không được thông báo kịp thời đến các cơ quan có liên quan như Tòa án nhân dân nơi ra quyết định, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc…

Bộ Công an đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những khó khăn bất cập, kịp thời hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo sự thống nhất, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện.

Chính phủ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong việc phối hợp thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần tiếp tục làm tốt công tác tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra và cán bộ trực tiếp lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào TGD, CSGDBB, những người làm công tác quản lý, giáo dục để nâng cao, cải thiện hơn nữa năng lực của các cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức,… trong việc áp dụng biện pháp này. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm thực hiện đúng quy trình công tác theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm