Giả ốm, “trốn” khỏi địa phương hoặc “bịa” ra một lý do nào đó trì hoãn thi hành án là các “chiêu” mà đương sự thường sử dụng nhằm “qua mặt” chấp hành viên.
Ông Nguyễn Văn M. là người phải thi hành án trong một bản án đã có hiệu lực của TAND TP. Hà Nội. Theo đó ông M phải trả cho bà N.T.T khoản tiền hơn 300 triệu đồng. Sau thời gian để ông M tự nguyện mà ông M vẫn không trả tiền, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trừ lương hàng tháng. Tuy nhiên, quyết định chưa được thực hiện thì ông M. “đột ngột” xuất trình giấy nhập viện với lý do bị bệnh gan. Vì thế ông M. được hoãn THA.
Một thời gian sau, cơ quan THA tiếp tục xác minh để THA với ông M. khi ông đã xuất viện thì thêm một lần nữa, ông M. lại “trình” hồ sơ liên quan đến một loại bệnh khác. Cẩn trọng, cơ quan THA đến tận nơi cấp giấy xác nhận bệnh tình của ông M. tìm hiểu thì được cơ sở y tế này khẳng định: “bệnh” của ông M là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng như ông trình bày, hoàn toàn có thể điều trị nếu thực hiện chế độ ăn kiêng.
Biết không thoát, ông M. “tự nguyện” đến cơ quan THA và đến nay ông đã thực hiện xong ½ nghĩa vụ của mình theo án tuyên.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn H ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đối tượng phạm tội trong vụ án mua bán ma túy. Sau khi chấp hành án xong, H trở về địa phương sinh sống. Tuy nhiên, đúng đến khi cơ quan THA đến nơi cư trú của H để thu tiền phạt thì H. “biến mất”. Chính quyền địa phương khi đó cũng không thể biết H. đi đâu vì anh ta không hề khai báo tạm vắng.
Hai vụ việc nêu trên chỉ là ví dụ trong vô vàn các kiểu hoãn THADS mà đương sự sử dụng nhằm trốn tránh, kéo dài việc THA. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm án tồn đọng.
Ông Phạm Anh Dũng, chấp hành viên Cục THADS Hà Nội cho biết: nhiều vụ, chỉ hôm trước đương sự vẫn bình thường, hôm sau nhận thông báo THA đã “lăn đùng” ra...ốm. “Những trường hợp “ốm” bất thường chúng tôi phải làm rõ xem có đúng ốm không hay chỉ để trì hoãn việc THA”, ông Dũng cho biết và nói thêm “tuy nhiên, việc này cũng rất khó khăn vì không phải lúc nào chấp hành viên cũng “kề” bên họ để xem tình trạng bệnh tật của họ ra sao”.
Ngoài “ốm nặng”, chưa xác định được địa chỉ, theo Luật, nếu có “lý do chính đáng khác” thì cũng được hoãn THA. Tuy nhiên, những lý do đó là gì thì chưa cụ thể. “Đúng đến thời điểm phải THA thì đương sự được cơ quan cử đi nước ngoài học tập dài hạn, như vậy có được coi là lý do chính đáng không?” một chấp hành viên nêu tình huống.
Ngoài ra, việc hoãn THA còn được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Tuy nhiên, Luật quy định yêu cầu phải trước 24h khi cưỡng chế. Còn sau thời điểm này, Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền “quyết” hoãn hay không.
Quy định là vậy song theo một Cục trưởng THADS “thường cứ có quyết định kháng nghị hay yêu cầu hoãn là hoãn, bất kể phạm vi đó trên hay dưới 24h”. Vị lãnh đạo này còn cho biết, nhiều vụ, sát giờ cưỡng chế họ mới nhận được yêu cầu hoãn hoặc văn bản kháng nghị, và đương nhiên trường hợp đó thực tế vẫn phải hoãn và nó làm “mất công, mất của” của nhà nước.
Kiên quyết với đương sự và xác minh chính xác điều kiện THA, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền cơ sở là những biện pháp hữu hiệu để cơ quan THA xác định đúng bản chất của sự việc, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Thanh Nhàn