Việt Nam là thành viên thứ 84 của CISG
Công ước của LHQ về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), còn gọi là Công ước Viên năm 1980, do Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế soạn thảo và được thông qua ngày 11/4/1980 tại Viên. Đây là công ước quốc tế quan trọng điều chỉnh khoảng 3/4 giao dịch thương mại quốc tế.
Công ước gồm 4 phần, 101 Điều. CISG có hiệu lực từ ngày 01/01/1988. Điều 1 Quyết định ghi rõ: “Gia nhập Công ước của LHQ về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã được thông qua vào ngày 11/4/1980 tại Viên, Áo và bảo lưu quy định về hình thức hợp đồng nêu tại Điều 11, Điều 29 và phần II của Công ước, phù hợp với quy định tại Điều 12 và Điều 96 của Công ước”.
Ngày 24/11/2015, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước này. Như vậy Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 84 của CISG. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về CISG là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp là một trong các bên của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
CISG xây dựng trên nguyên tắc hài hòa hóa các quy phạm xung đột
CISG đưa ra các quy phạm thực chất thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế. Bằng việc hài hòa hóa các quy phạm xung đột của 2 hệ thống pháp luật Common Law (Thông luật) và Civil Law (Dân luật), CISG đã đưa ra các quy phạm thực chất thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế.Ví dụ: Trong quá trình soạn thảo CISG, các nước theo hệ thống Civil Law như Pháp, Đức… cho rằng giá cả cần phải xác định trước hoặc có thể xác định trước.
Trong khi đó các nước theo hệ thống Common Law như Anh, Hoa Kỳ… lại cho rằng nếu bên chào hàng chưa đưa giá trong hợp đồng thì điều này cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của chào hàng; giá hợp đồng sẽ được xác định theo giá hợp lý của thị trường vào thời điểm giao hàng. Như vậy, quan điểm về giá giữa 2 hệ thống pháp luật là không giống nhau.
Để hài hòa hóa các nội dung trên, CISG đã có quy định về giá phải “rõ ràng” (Điều 14 CISG), đồng thời cũng có thêm quy định tại Điều 55 CISG: “Nếu hợp đồng có hiệu lực nhưng không ấn định giá hoặc có các điều khoản nhằm xác định giá hàng hóa một cách rõ ràng hoặc ngầm định thì các bên, trừ trường hợp hoàn cảnh chỉ ra điều ngược lại được xem là đã ngầm thỏa thuận xác định giá hàng hóa theo giá thông thường của loại hàng hóa đó trong hoàn cảnh tương tự vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
Hài hòa hóa các quy phạm xung đột của 2 hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law trong CISG là cần thiết vì các thành viên của CISG có nước theo hệ thống pháp luật Common Law, có nước theo hệ thống Civil Law. Hoặc có thể hợp đồng thương mại được giao kết giữa một bên là thương nhân có địa điểm kinh doanh tại quốc gia theo hệ thống Common Law, còn một bên là thương nhân có địa điểm kinh doanh tại quốc gia theo hệ thống Civil Law. Vì vậy, để có được sự “đồng thuận”, tránh sự xung đột, tranh chấp giữa các bên thì kỹ thuật lập pháp của CISG đã thể hiện sự hài hòa hóa các quy phạm xung đột của 2 hệ thống pháp luật trên thế giới.
Điều khoản tùy nghi phù hợp thực tiễn của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Một số điều khoản của CISG là điều khoản tùy nghi, điều này phù hợp với thực tiễn phong phú của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Ví dụ: khoản 2 Điều 18 CISG có quy định “…nếu họ không đưa ra thời hạn thì trong thời hạn hợp lý”.
Điều này là hoàn toàn hợp lý vì các mặt hàng của thương mại nhiều, khác nhau, như máy móc thiết bị, rau quả…Nếu áp dụng một thời hạn chung cho máy móc thiết bị cũng như hoa quả là không phù hợp vì hoa quả là mặt hàng nhanh hỏng, điều kiện bảo quản khác với mặt hàng khác…
Hơn nữa khoảng cách địa lý giữa bên mua và bên bán ở các hợp đồng thương mại cũng không giống nhau, ví dụ: khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ bên bán là thương nhân Việt Nam ký hợp đồng thương mại với bên mua là thương nhân Trung Quốc khác với khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Hoa Kỳ…
CISG quy định chi tiết như về bảo quản hàng hóa, chuyển rủi ro…Ví dụ: Mục VI gồm các điều từ Điều 85 đến Điều 88 của Công ước có quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo quản hàng hóa của các bên trong trường hợp có tranh chấp. Mặc dù, Luật Thương mại có quy định về bảo quản như bảo quản hàng hóa trưng bày (Điều 128), Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới (Điều 151)…nhưng không có quy định về bảo quản hàng hóa của các bên trong trường hợp có tranh chấp.
Ngoài ra, CISG có quy định cụ thể về vấn đề chuyển rủi ro gồm 5 điều từ Điều 66 đến Điều 70 tại 1 chương đó là Chương IV của Phần III (Mua bán hàng hóa). Nhìn chung, Luật Thương mại 2005 của Việt Nam cũng đã có quy định về chuyển rủi ro nhưng so với CISG thì CISG quy định cụ thể hơn.
CISG đưa ra những quy định hợp lý như về thời hạn khiếu nại, các trường hợp miễn trách. Về thời hạn khiếu nại, Điều 318 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam quy định: “Trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau: 1. Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá; 2. Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành; 3. Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.” Như vậy, thời hạn này tương đối ngắn, đặc biệt là đối với hợp đồng thương mại quốc tế.
Về thời hạn khiếu nại, so với quy định của Luật Thương mại 2005, CISG đã đưa ra thời hạn hợp lý tối đa là 2 năm kể từ ngày hàng hóa đã thực sự được giao cho bên mua (Điều 39). Về các trường hợp miễn trách: khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam đã quy định 4 trường hợp miễn trách nhiệm: “1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.”Như vậy, Luật Thương mại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề miễn trách do lỗi của bên thứ ba. Tuy nhiên, CISG quy định cụ thể việc miễn trách trong trường hợp do lỗi của bên thứ ba (Điều 79).
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ