Xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ NN&PTNT kiến nghị Ngân hàng nhà nước có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay...
Bộ NN&PTNT đề nghị thiết lập “luồng xanh” cho vận tải đường thủy để lưu thông nông sản.
Bộ NN&PTNT đề nghị thiết lập “luồng xanh” cho vận tải đường thủy để lưu thông nông sản.

Phấn đấu 12 tỷ USD trong 4 tháng cuối năm

Thông tin từ Bộ NN&PTNT tại Hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19, tổ chức mới đây, lũy kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1%; xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam - nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ XK nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh. Tháng 8, kim ngạch XK ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021.

8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch XK 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành; đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của DN, các hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, EU) do tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Tuy nhiên, mục tiêu XK nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với mục tiêu này, trong 4 tháng còn lại của năm, kim ngạch XK phải đạt được là gần 12 tỷ USD.

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ứng đọng nông sản

Một loạt khó khăn cho sản xuất và XK nông sản được ngành Nông nghiệp phản ánh. Đó là vốn, lưu thông, DN thực hiện “3 tại chỗ”, nhân lực, cho phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu và vật tư đầu vào tăng cao, vấn đề tiêm vắc- xin cho người lao động, HTX nông nghiệp giảm doanh thu…

Liên quan đến nguồn vốn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, phần lớn người sản xuất, DN chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng;

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các DN gỗ tăng khoảng 20-30%), nhiều DN khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, DN phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn...

Trong đề xuất, Bộ NN&PTNT kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch COVID-19. Có chính sách tín dụng hỗ trợ cho người sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh xem xét các đơn xin vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay.

Về lưu thông khó khăn nhất hiện nay là vận chuyển hàng hóa, vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất tại các huyện, xã, thôn bản; việc hướng dẫn di chuyển, đi lại cho người lao động tại một số địa phương còn chưa sát thực tế. Một số chốt kiểm tra ở một vài thời điểm vẫn bị ùn tắc giao thông dẫn đến vận chuyển hàng tươi sống không được thuận lợi.

Một số địa phương còn quy định không cho xe ngoài tỉnh vào và hàng hóa phải sang xe rất khó khăn cho việc bốc vác, tăng nhiều chi phí (trọng tải 10-20 tấn đặc biệt là động vật sống). Có địa phương bắt buộc lái xe và người ngồi trên xe phải đã tiêm phòng và phải có kết quả xét nghiệm PCR, không chấp nhận test nhanh.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo hệ thống giao thông vận tải xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng và ứ đọng nông sản; thiết lập mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, nhất là tại khu vực các cảng.

Đồng thời kiểm soát thực hiện chính sách về giá đối với vận chuyển hàng hóa. Chỉ đạo, tư vấn địa phương ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp thực tế với tình hình của các doanh nghiệp. Xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì sản xuất, xuất khẩu trong thời điểm hiện nay.

Thiếu vốn, hàng tồn không bán được

“Nhiều DN chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được. Do lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng. Nhiều DN khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, DN phải dừng sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng cũng gặp nhiều khó khăn”,

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm