Nhiều mẫu “cháo dinh dưỡng” bị nhiễm vi sinh

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM trên 49 mẫu “cháo dinh dưỡng” được bày bán tại chín quận trong TP có tới 42,9% bị nhiễm vi sinh và đa số không đạt tiêu chuẩn về năng lượng, hàm lượng protid, lipid.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM trên 49 mẫu “cháo dinh dưỡng” được bày bán tại chín quận trong TP có tới 42,9% bị nhiễm vi sinh và đa số không đạt tiêu chuẩn về năng lượng, hàm lượng protid, lipid.

Hàng chục loại “cháo dinh dưỡng” bị nhiễm vi sinh như cháo BB, cháo HM, cháo BTB... được bày bán ở lề đường quanh chợ, gần các trường mầm non hoặc các khu dân cư, thậm chí cả trong bệnh viện.

Nhiễm vi sinh nhưng vẫn đắt hàng

Tại khu vực gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) có hai nơi bán “cháo dinh dưỡng” dạng đóng gói. Trưa 28-6, khi thấy chúng tôi ghé vào tiệm bán “cháo dinh dưỡng” trên đường Vũ Tùng, P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, một người đàn ông chạy ra bảo giờ này chỉ còn hai gói thôi. Vừa nói người bán hàng vừa mở chiếc thùng giữ ấm màu đỏ đưa hai gói cháo BTB gồm cháo thịt và cháo cá lóc để chúng tôi lựa chọn...
Mô tả ảnh.
Một điểm bán cháo dinh dưỡng gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: T.Dương

Chúng tôi chạy xe đến tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Xuân Ôn, P.2, Q.Bình Thạnh gần đó. Tiệm tạp hóa này bán “cháo dinh dưỡng” B. Chủ tiệm bảo mới lấy hàng để bán cho buổi chiều nên còn nhiều loại cháo như cháo cua, cháo tôm, cháo cá lóc, cháo lươn, cháo nghêu, cháo thịt heo... để khách tha hồ lựa chọn. Chị kể mỗi ngày bán được 20-30 gói cháo.

Chỉ một đoạn ngắn trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) đã có đến ba đại lý “cháo dinh dưỡng” nấu sẵn, cháo được hâm nóng trên bếp sẵn để múc vào hộp nhựa bán cho khách hàng.

Tiện lợi nhưng dễ ngộ độc

Sản phẩm “cháo dinh dưỡng” có những ưu điểm như tiện lợi, rẻ tiền, lúc nào mua cũng có nên đang được nhiều gia đình có con nhỏ ưa chuộng. Chị T.T.L.A., 26 tuổi, kể chị bận bịu đi làm suốt, con lại ăn ít nên vợ chồng chị thường mua “cháo dinh dưỡng” dạng gói cho con ăn để đỡ mất thời gian.

Qua quá trình tư vấn cho các bà mẹ đưa con đến khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - trưởng khoa - cho biết nhiều bậc cha mẹ nghe tên “cháo dinh dưỡng” tưởng cháo có đầy đủ chất nên rất thích mua về cho trẻ ăn. Tuy nhiên, không phải cơ sở chế biến “cháo dinh dưỡng” nào cũng đảm bảo chất lượng nên bác sĩ Hoa khuyên các bà mẹ chịu khó nấu cho trẻ ăn là tốt nhất.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vẫn tiếp nhận những cháu dưới 2 tuổi vào viện trong tình trạng ói, tiêu chảy mà theo người nhà kể lại thì trước đó bệnh nhi đã ăn “cháo dinh dưỡng”. Chẩn đoán của các bác sĩ cho những trường hợp này là ngộ độc thức ăn nghi ngờ do “cháo dinh dưỡng”.

Ăn “cháo dinh dưỡng” dễ bị suy dinh dưỡng!

Mới đây, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đã công bố kết quả xét nghiệm trên 49 mẫu “cháo dinh dưỡng” nấu ăn liền (có và không có thương hiệu), dưới dạng có bao gói sẵn và dạng rời cho vào bịch, hộp, được bày bán ở các quận 3, 6, 8, 11, Thủ Đức, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy đa số các mẫu không đạt về tiêu chuẩn năng lượng, hàm lượng protid và lipid.

Cụ thể, có 57,1-75,5% số mẫu có hàm lượng protid, lipid và năng lượng không đạt so với tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, tính cân đối về năng lượng của các mẫu này cũng không đạt. Các mẫu “cháo dinh dưỡng” này chứa nhiều glucid nhưng lại ít lipid hơn mức cần thiết. Theo bác sĩ Huỳnh Văn Tú (Viện Vệ sinh y tế công cộng) - người thực hiện nghiên cứu này, nếu bữa ăn của trẻ 1-3 tuổi chỉ gồm những thành phần trong “cháo dinh dưỡng” mà không được bổ sung các chất dinh dưỡng khác, nhất là protid và lipid, thì bữa ăn sẽ mất tính cân đối, không đủ năng lượng và nếu dùng “cháo dinh dưỡng” lâu ngày, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng.

Kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy có đến 42,9% số mẫu cháo bị nhiễm ít nhất một loại vi sinh. Trong đó, có 42,9% mẫu cháo có Coliforms vượt mức cho phép, 26,5% số mẫu bị nhiễm E.coli (một loại vi khuẩn chỉ điểm vệ sinh cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh của các mẫu “cháo dinh dưỡng” này đã bị ô nhiễm) và 6,1% số mẫu bị nhiễm Staphylococcus aureus. Chưa kể có đến 81,6% số mẫu không đạt tất cả bốn chỉ tiêu lý hóa chủ yếu và tổng cộng 93,9% số mẫu không đạt tất cả chín chỉ tiêu hóa lý, vi sinh chủ yếu.

Theo bác sĩ Tú, nếu thích dùng “cháo dinh dưỡng” cho tiện lợi, người tiêu dùng không nên xem “cháo dinh dưỡng” là thức ăn hoàn chỉnh mà nên bổ sung thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là lipid, protid để hạn chế hậu quả suy dinh dưỡng khi cho trẻ nhỏ sử dụng sản phẩm này trong thời gian dài.
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Tú, vào thời điểm tháng 10-2009, Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chỉ đạo việc lấy mẫu phân tích, kiểm tra hàm lượng chất bảo quản natri benzoat trong các mẫu “cháo dinh dưỡng” trong nước. Kết quả cho thấy có sự hiện diện của natri benzoat, một chất bảo quản có tác dụng diệt vi khuẩn và nấm mốc.
Theo Thùy Dương
Tuổi Trẻ

Đọc thêm