Nhìn lại vụ việc được trao danh hiệu “Vụ việc của năm” 2010: Đòi Vedan bồi thường thiệt hại, vụ việc tạo nên tiền lệ

Luật sư sát cánh cùng với những người nông dân TP HCM đã đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng mà Cty Vedan Việt Nam đã xâm phạm khi xả thải trái pháp luật và bức tử sông Thị Vải, nguồn sống của hàng nghìn hộ gia đình ở lưu vực con sông này.

Luật sư sát cánh cùng với những người nông dân TP HCM đã đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng mà Cty Vedan Việt Nam đã xâm phạm khi xả thải trái pháp luật và bức tử sông Thị Vải, nguồn sống của hàng nghìn hộ gia đình ở lưu vực con sông này.

 

Năm 2008, dư luận chấn động khi sự kiện Cty Vedan Việt Nam có nhà máy tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị phát hiện đã xả chất thải độc hại chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. Việc vi phạm pháp luật về môi trường của Cty Vedan Việt Nam kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái khu vực hạ lưu con sông này.

Sông Thị Vải là nguồn sống của hàng nghìn hộ dân nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp các địa phương Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Việc phát hiện hành vi xả chất thải trái pháp luật đã lý giải phần nào nguyên nhân mất mùa và thất thu trong sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân sống nhờ dòng Thị Vải. Mối quan hệ nhân quả giữa việc xả thải trái pháp luật với những thiệt hại trong sản xuất của nông dân nơi đây từng bước được làm rõ.

Cuối năm 2009, với những kết luận khoa học của các cơ quan chức năng, nông dân bị thiệt hại đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý với Cty Vedan Việt Nam để đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường mà Cty này gây ra.

Đối với nông dân TP HCM, thông qua Hội Nông dân TP, họ đã chuẩn bị hồ sơ vụ kiện để đòi Cty Vedan Việt Nam bồi thường hàng chục tỷ đồng. Người đứng ra tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh là Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Việc đòi Cty Vedan Việt Nam bồi thường cho nông dân không phải là dễ bởi trước đó chưa có vụ việc nào là “tiền lệ”. Vì thế, việc khởi kiện và chứng minh thiệt hại cũng như nghĩa vụ bồi thường của Cty Vedan Việt Nam vô cùng khó khăn. Theo yêu cầu của Ban Thường vụ Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã tư vấn pháp luật miễn phí cho Hội nông dân có thành viên bị thiệt hại để yêu cầu Cty Vedan Việt Nam bồi thường cho khoảng 4000 hộ nông dân của các địa phương này. Năm 2009, Cty Vedan đã đồng ý bồi thường 25 tỷ đồng, số tiền khá khiêm tốn so với thiệt hại thực tế của nông dân.

Trong năm 2009, với việc Cty Vedan Việt Nam đồng ý bồi thường thiệt hại cho nông dân bị thiệt hại là một thành công lớn đối với những người chủ trương đòi bồi thường thiệt hại. Đối với luật sư, việc vận dụng các quy định của pháp luật để xác định hướng đi đúng và xây dựng hồ sơ khởi kiện cho những người nông dân trong bối cảnh yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do ô nhiễm môi trường chưa có tiền lệ cũng là một quyết định dũng cảm. Cuối cùng, trong năm 2010, Cty Vedan Việt Nam và đại diện của những hộ nông dân bị thiệt hại cũng đã đạt được thỏa thuận về bồi thường với con số 220 tỷ đồng.

Vụ việc yêu cầu Cty Vedan Việt Nam bồi thường thiệt hại đã được Ban Tổ chức bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư của năm bình chọn là “Vụ việc của năm” và trao tặng danh hiệu cho Luật sư Nguyễn Văn Hậu. V việc này vượt qua hàng trăm vụ việc khác để được công nhận là “Vụ việc của năm” vì các lý do mà Ban Tổ chức đã đánh là:

Thứ nhất, đây là vụ việc điển hình trong lĩnh vực đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, một trong những vụ việc mà các luật sư phải thường xuyên tư vấn và hỗ trợ cho khách hàng trong việc bảo vệ quyền lợi do những hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Vụ việc cũng điển hình cho tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp, gây thiệt hại cho người dân. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhưng coi thường pháp luật, coi thường lợi ích của cộng đồng đã tạo nên sự phát triển không bền vững của xã hội thì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Thứ hai, đây là vụ việc phức tạp do việc chứng minh hành vi vi phạm có quan hệ nhân quả với hậu quả mà người nông dân phải gánh chịu và chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường là rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực và sự dũng cảm dấn thân của những người theo đuổi vụ kiện. Vụ việc này đặc biệt lớn không chỉ bởi thiệt hại mà nó gây ra mà còn có thể trở thành vụ kiện hy hữu ở Việt Nam khi số lượng nguyên đơn lên đến hàng nghìn người và quá trình tố tụng có thể kéo dài nhiều năm.

Thứ ba, vụ việc đã gây chấn động dư luận trong nước và có sức lan tỏa rộng rãi trong dư luận quốc tế. Qua vụ việc này đã đã giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của doanh nghiệp và cá nhân. Vụ việc đã đặt tiền lệ cho việc buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại do việc làm trái pháp luật của họ gây ra.

Việc bình chọn danh hiệu “Vụ việc tiêu biểu” trong năm 2012 cũng dựa trên những tiêu chí cơ bản của lần bình chọn trước. Ban Tổ chức hy vọng qua những vụ việc cụ thể sẽ có những đánh giá xứng đáng đối với công sức của các luật sư vì vinh danh vụ việc chính là vinh danh luật sư.

Chứng minh doanh thu và số lượng vụ việc đã thực hiện bằng gì?

Tiêu chí quan trọng nhất để được công nhận là Hãng luật tiêu biểu chính là doanh thu và số lượng vụ việc của hãng luật đã thực hiện. Đây là nhóm tiêu chí có tính định lượng bằng con số. Vì vậy, để chứng minh kết quả công việc bằng doanh th và số lượng việc đã thực hiện với Ban Tổ chức, các tổ chức hành nghề luật sư có thể cung cấp các tài liệu sau đây: Báo cáo tài chính có kiểm toán; Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của Quý/Năm; Tên việc đã thực hiện, số hiệu hợp đồng dịch vụ hoặc tên khách hàng (liệt kê).

Tất cả các thông tin do tổ chức hành nghề luật sư cung cấp đều được bảo mật theo Quy chế bình chọn.

Bình Minh

Đọc thêm