Làm đường bê tông, người dân bị Chủ tịch xã gây khó?

(PLO) - Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hồ hởi đóng góp tiền của, công sức để làm đường nông thôn mới. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Tân Hà Nguyễn Văn Lập lại đưa ra “yêu sách lạ”, thậm chí “hành dân” khiến nhiều người bức xúc.
Người dân thôn Đan Phượng 1 bức xúc trình bày lại sự việc với PV
Người dân thôn Đan Phượng 1 bức xúc trình bày lại sự việc với PV
Theo phản ánh của nhân dân xóm 3, thôn Đan Phượng 1, xã Tân Hà, sau nhiều năm phải đi lại trên con đường liên thôn đất đỏ lởm chởm gập ghềnh sỏi đá, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng bụi bay mịt mù, việc đi lại, vận chuyển cà phê, hoa màu, những thành quả từ sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Biết được chủ trương của Nhà nước về làm đường nông thôn mới, đầu năm 2013 nhân dân thôn Đan Phượng 1 đã xin làm đường bê tông hóa và được Đảng ủy xã Tân Hà nhất trí ra nghị quyết giao cho UBND xã tổ chức thực hiện, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. 
Tuyến đường có chiều dài 1,3km, được làm theo hình thức vốn đối ứng 70-30: Nhà nước hỗ trợ 70% bằng vật tư, vật liệu, 30% còn lại nhân dân tự đóng góp bằng ngày công lao động, máy móc và tự tổ chức thi công... (không bắt buộc đóng góp bằng tiền), nếu không tự làm thì hơn 60 hộ của thôn Đan Phượng 1 phải đóng góp 30% vốn đối ứng  trên bằng tiền với số tiền gần 500 triệu đồng.
Ước mơ đã lâu về con đường không chỉ góp phần làm đẹp xóm làng mà còn giúp việc đi lại, sản xuất của bà con được thuận tiện hơn, tháng 2/2013, người dân thôn Đan Phượng 1 đã cùng nhau đóng góp được 300 triệu đồng đem đến nộp cho ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Tân Hà, phần còn lại nhân dân xin được đóng góp bằng ngày công lao động. Khấp khởi vì sắp có đường mới, nhân dân ai cũng vui mừng, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi Chủ tịch UBND xã Tân Hà “từ chối” việc để người dân thôn Đan Phượng 1 được đóng góp bằng sức lao động và cho biết chỉ khi nào người dân đóng đủ 30% vốn đối ứng bằng tiền mặt gần 500 triệu đồng thì mới cho làm đường.
Trước yêu cầu của Chủ tịch UBND xã Tân Hà, người dân thôn Đan Phượng 1 bức xúc cho rằng yêu cầu trên là không đúng, bởi theo quy định, khi làm đường giao thông nông thôn, nhân dân được Nhà nước hỗ trợ bằng vật tư, vật liệu, người dân tự hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, đồng thời đóng góp bằng ngày công lao động chứ không bắt buộc phải đóng bằng tiền.
“Do không cho nhân dân bỏ sức lao động mà nhất quyết buộc nhân dân  phải đóng góp bằng tiền nên nhiều gia đình đành phải đi vay với lãi suất cao để đóng tiền xây dựng đường giao thông nông thôn mới. Trong khi đó, sức lao động nhàn rỗi trong dân lại không được sử dụng” - ông Nguyễn Văn Hà, một người dân xóm 3 bức xúc nói. 
Còn ông Hoàng Ngọc Trường - đại biểu HĐND xã Tân Hà cho biết: “Chủ tịch  xã bắt người dân phải đóng đủ 30% vốn đối ứng bằng tiền mới cho dân làm đường bê tông, người dân đã cố gắng đóng góp được 300 triệu đồng và đem đến nộp trực tiếp cho ông Lập từ tháng 2/2013 nhưng đến tận tháng 7/2013 ông Lập mới đem nộp vào Kho bạc Nhà nước, ông Lập không cho người dân được đóng góp bằng ngày công lao động là sai với chủ trương, không cho dân làm đường thì trả lại tiền cho dân, không hiểu ông Lập cầm số tiền trên của dân trong 5 tháng  để làm gì?”.
Trao đổi với PLVN về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lập đã phủ nhận toàn bộ việc ép dân nộp tiền và theo ông, tất cả là do “có sự hiểu lầm giữa dân và xã (!?)”.
Không đồng tình trước việc làm của ông Chủ tịch xã, người dân thôn Đan Phượng 1 đã cùng nhau đội đơn khiếu nại lên UBND huyện Lâm Hà. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, tháng 8/2013 đường bê tông ở thôn Đan Phượng 1 cũng đã được khởi công trong niềm vui  khôn xiết của người dân nơi đây. 
“Có đường mới, cuộc sống của bà con sẽ đỡ vất vả hơn, nhân dân ai cũng vui mừng. Vui vì đường mới bao nhiêu, chúng tôi lại buồn về Chủ tịch Lập bấy nhiêu, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Nhà nước nhưng không hiểu tại sao Chủ tịch UBND xã Tân Hà lại gây khó cho dân, đưa ra “yêu sách lạ”, “giam” tiền của dân trong 5 tháng rồi mới đem nộp vào Kho bạc?. Thiết nghĩ, UBND huyện Lâm Hà cần phải làm rõ để những hồ nghi trong dân được giải tỏa”, ông Phan Minh Vinh, thôn Đan Phượng 1 nói khi biết UBND huyện Lâm Hà lập Đoàn thanh tra để kiểm tra một số sai phạm ở xã này sau khi nhận được đơn tố cáo của nhân dân.
Tại Kết luận thanh tra ngày 19/10/2012 của Thanh tra huyện Lâm Hà đã đưa ra nhiều sai phạm của UBND xã Tân Hà trong công tác thu, chi, thanh quyết toán như: Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân viên chức năm 2011 không đúng quy định là hơn 46 triệu đồng; lập chứng từ chi bồi dưỡng cho công tác tuần tra trật tự an toàn giao thông nhưng không có người ký nhận; không phản ánh vào sổ kế toán 40 triệu đồng tiền hỗ trợ xây nhà văn hóa của huyện Thạch Thất (TP.Hà Nôi), 20 triệu đồng tiền điện của nhân dân, 22,4 triệu đồng tiền đóng góp của người dân xây nhà văn hóa; bố trí cán bộ phụ trách kế toán, kiêm thủ quỹ cơ quan không đúng với quy định của pháp luật...

Đọc thêm