Người dân "khát", nhà máy nước Đô Lương, Nghệ An, bỏ hoang

Hơn 7 năm nay hàng trăm hộ dân ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, trong khi nhà máy nước trên địa bàn được đầu tư xây dựng hơn 1 tỷ đồng bị bỏ hoang phế, hư hỏng mà không được đầu tư, sửa chữa....

Hơn 7 năm nay hàng trăm hộ dân ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, trong khi nhà máy nước trên địa bàn được đầu tư xây dựng hơn 1 tỷ đồng bị bỏ hoang phế, hư hỏng mà không được đầu tư, sửa chữa....

Người dân kêu "trời"

Khởi công từ ngày 20/08/2004, sau 4 tháng công trình Nhà máy nước Bài Sơn hoàn thành. Theo thiết kế, công trình sẽ cung cấp nước cho hơn 200 hộ dân hai xóm Hương Sơn và Mỹ Sơn với 80m3 mỗi ngày.

edth

Nhà máy nước bỏ hoang.

Ngoài ra, công trình cung cấp nước cho trạm y tế xã, các hộ dân ở thị tứ Bài Sơn và 3 trường học trên địa bàn là trường mầm non, Tiểu học và THCS Bài Sơn. Để công trình cung cấp nguồn nước được đảm bảo, ban quản lý nhà máy đã giao cho ông Nguyễn Văn Hà (Xóm trưởng xóm Hương Sơn) và ông Nguyễn Viết Xuân (Xóm trưởng xóm Mỹ Sơn) chịu trách nhiệm bảo vệ và điều tiết nguồn nước.

Thế nhưng, nhà máy hoạt động chưa được 3 tháng thì ngừng hẳn. Đến nay bên ngoài nhà máy cỏ mọc um tùm, bể chứa nước bị lá cây, đất đá bồi xuống không khác gì cái vũng bùn, máy móc đã bị hoen gỉ, đường ống dẫn nước bị vỡ và đường dây điện bị cháy, đứt quãng nằm lăn lóc dưới đất.

Được biết, Bài Sơn là xã miền núi cao của huyện Đô Lương, đất đai khô cằn sỏi đá, tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xẩy ra, nhất là vào mùa khô. Hàng trăm hộ dân ở các xóm Hương Sơn và Mỹ Sơn trông chờ vào chương trình nước sạch của Nhà nước, tuy nhiên, dân kêu nhưng trời không thấu.

Ông Nguyễn Văn Hà cho biết: “Từ khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hơn tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, chấm dứt tình trạng không có nước sinh hoạt vào mùa khô hạn bao đời nay, bà con nhân dân ở đây rất phấn khởi. Ai ngờ nhà máy hoạt động mới được mấy tháng, thì thấy nước chảy lênh láng theo hệ thống ống dẫn, trong khi nước về nhà dân thì lại yếu dần rồi tịt hẳn”.

Bà Lê Thị Bính, công dân xóm Hương Sơn bức xúc: "Cứ tưởng nhà máy hoàn thành sẽ có nước sạch ăn, ai ngờ dân thì khát, nhà máy mới sử dụng được thời gian ngắn bị hư hỏng, rồi bị bỏ hoang đến bây giờ. Chúng tôi đã nhiều lần kêu, nhưng không biết ra răng mà không ai động tĩnh chi cả!".

Chính quyền bất lực

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ban lãnh đạo xã Bài Sơn. Theo ông Phạm Xuân Phúc, nguyên Trưởng ban Nông nghiệp xã Bài Sơn thì nguyên nhân dẫn đến việc thất thoát nước rồi nhà máy ngừng hoạt động hẳn là do khi thi công lắp đặt hệ thống ống dẫn  bằng nhựa, thợ đã dùng đinh đóng vào ống và gián không đảm bảo nên nước bị rò rỉ ra ngoài. Phần nữa, nhà máy vận hành chưa được 3 tháng thì bị sét đánh hỏng hệ thống đường dây điện và bộ máy hút nước nên công trình đã phải ngừng hoạt động hẳn.

sgr
Cột điện kéo dây lên nhà máy nước bị đổ gãy

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao hơn 7 năm qua nhà máy không được tu sử lại và liệu đến bao giờ công trình cung cấp nước sạch bị “đắp chiếu” trên mới đi vào hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân?.

Ông Nguyễn Quang Ba, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Bài Sơn thẳng thắn: “Công trình nước sạch xã Bài Sơn là một công trình rất thiết yếu đối với bà con xã chúng tôi. Từ khi công trình gặp phải sự cố rồi ngừng hoạt động hẳn, không những bà con phấn nộ mà chính quyền cũng rất đau đầu.

Chúng tôi đã  gửi tờ trình lên huyện và đề xuất trực tiếp tại các hội nghị nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định. Ngoài ra, do nội bộ ban lãnh đạo xã không đồng nhất quan điểm và thiếu kinh phí nên việc đưa công trình nước sạch trở lại hoạt động là rất khó khăn”.

Đồng quan điểm với ông Ba, ông Phúc nhận định: “Do hệ thống ống dẫn bị hư hỏng nặng, đường dây điện từ sau khi nhà máy ngừng hoạt động đã bị một số đối tượng nghiện ngập trộm cắp, rồi các cỗ máy bị hoen gỉ nặng nên việc tu sửa là rất khó. Vấn đề cốt yếu ở đây là kinh phí xã hạn hẹp, “lực bất tòng tâm” nên chúng tôi chỉ biết trông chờ kinh phí từ các cấp nghành”.

Công trình bị “tê liệt” không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà còn gây lãng phí tài sản. Thiết nghĩ, UBND huyện Đô Lương và các ban ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý tồn tại trên.

Phạm Hoà

Đọc thêm