Từ 20.5, không "nương nhẹ" với các lỗi vi phạm giao thông!

Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam  trao đổi với Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật, điều tra xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ, đường sắt - C26 (Bộ Công an) xung quanh những vấn đề đang gây băn khoăn cho cả lực lượng CSGT lẫn người dân khi thực hiện xử phạt theo NĐ 34 ( bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 20.5).

Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã trao đổi với Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật, điều tra xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ, đường sắt - C26 (Bộ Công an) xung quanh những vấn đề đang gây băn khoăn cho cả lực lượng CSGT lẫn người dân khi thực hiện xử phạt theo NĐ 34 ( bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 20.5).  Thượng tá Trần Sơn cho biết:

 - Hiện C26 đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng để sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 34, trong đó chú ý tới các nội dung về tạm giữ phương tiện; những hành vi bị tạm giữ phương tiện; điều khiển phương tiện mô tô, xe máy không mang theo giấy phép lái xe (GPLX); xe lắp bánh lốp không đúng kích cỡ, thay đổi thành hoặc thùng xe,…

Thưa ông, việc tăng mức xử phạt và quy định 7 hành vi vi phạm tại khu vực nội thành ở Hà Nội và TPHCM sẽ bị phạt cao hơn 40- 200% có giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông không?

- Trong tình hình hiện nay, việc tăng mức xử phạt như trong NĐ 34 cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và khiến người dân phải có ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Lực lượng CSGT sẽ được tăng cường nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại để tăng cường xử lý các vi phạm. Hà Nội và TPHCM đã quy định về khu vực nội thành và hai địa phương này sẽ phải cắm biển, tổ chức tuyên truyền tới người dân về những quy định cụ thể trong NĐ 34.

Trước ngày 20-5, lực lượng chức năng các địa phương đã có chiến dịch tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các nội dung xử phạt trong NĐ 34 nên từ ngày mai, sẽ không có chuyện CSGT “nương nhẹ” trong xử phạt các lỗi vi phạm.

NĐ 34 quy định xử phạt 100- 200 nghìn đồng đối với trường hợp chở người trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng quy cách. Thưa ông, làm sao CSGT có thể phát hiện trường hợp dưới hay trên 6 tuổi để xử phạt?

- Vì sự an toàn của chính con em mình, các bậc cha mẹ hãy đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi ngồi trên xe gắn máy, thay vì lấy quy định trên ra lách luật. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng CSGT sẽ dùng nghiệp vụ của mình, bằng mắt thường dựa vào chiều cao, thể trạng và có thể hỏi trực tiếp các cháu để biết độ tuổi của trẻ.

Trường hợp vẫn chưa xác định được, CSGT có thể lập biên bản, tạm giữ giấy phép lái xe và viết giấy hẹn người vi phạm mang giấy khai sinh hoặc giấy tờ tương đương để chứng minh độ tuổi của trẻ em. Trường hợp, trẻ em dưới 6 tuổi, đúng như khai báo trước đó sẽ không bị xử phạt.

Chúng ta đều thấy rằng, muốn hưởng ưu đãi cho trẻ em khi mua vé hàng không, đường sắt vào dịp lễ tết, các bậc phụ huynh đều phải chứng minh độ tuổi của trẻ em. Việc chứng minh độ tuổi khi hai bên (CSGT và người dân) không thống nhất được độ tuổi của trẻ là cần thiết.

Dư luận cho rằng rất khó xử phạt người đi bộ sai luật?

- Người đi bộ đi không đúng làn đường, trèo qua dải phân cách, không chấp hành đèn tín hiệu… phải bị xử lý nghiêm. Hiện nay các đô thị lớn đã và sẽ được trang bị camera giám sát, ghi lại hình ảnh người vi phạm, để có bằng chứng thuyết phục khi xử phạt.

Theo quy định, lực lượng công an xã và lực lượng cảnh sát khác sẽ được phép tuần tra và xử lý khi được cấp có thẩm quyền cho phép. Nhưng làm thế nào để người dân biết được các lực lượng trên đang tuần tra theo kế hoạch đã được phê duyệt?

- Theo số liệu thống kê, hệ thống đường liên xã, liên thôn có tới 176.000 km, chiếm trên 79% tổng chiều dài hệ thống giao thông đường cả nước và gắn chặt với đời sống dân sinh, hoạt động kinh tế của hơn 80% người dân VN.

Chỉ tính riêng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, lực lượng CSGT chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuần tra, kiểm soát. Hệ thống đường liên xã, liên thôn, thị trấn…chưa được giám sát, bị bỏ ngỏ dẫn tới tình trạng TNGT diễn ra còn rất phức tạp.

Trước tình trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép lực lượng công an xã và các lực lượng khác tham gia tuần tra, kiểm soát, đảm bảo giao thông. Việc huy động chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết sau: khi diễn ra các ngày lễ kỷ niệm lớn, các đợt cao điểm xử lý TNGT theo các cấp, khi tình hình vi phạm TNGT diễn biến phức tạp, khi trật tự an toàn giao thông có diễn biến xấu ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Người có thẩm quyền huy động (gồm Bộ trưởng Bộ công an, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc công an cấp tỉnh, Trưởng Công an quận, huyện) phải thực hiện bằng quyết định, quy định số lượng cần huy động, trách nhiệm và thời hạn cụ thể.

Khi hết thời gian quy định, lực lượng công an xã sẽ kết thúc nhiệm vụ cho đến khi có kế hoạch huy động, quy định mới. Trường hợp nghi ngờ lực lượng trên thực hiện không đúng chức năng, thẩm quyền, người dân có thể gọi điện thông báo tới cơ quan chức năng liên quan hoặc các Phòng CSGT để phản ánh.

Việt Hưng (thực hiện)

Đọc thêm