3.000 sinh viên tham dự “Phong cách dạo phố an toàn”

(PLO) - Cuộc thi thiết kế thời trang “Phong cách dạo phố an toàn” do Quỹ AIP phối hợp cùng Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM.
3.000 sinh viên tham dự “Phong cách dạo phố an toàn”

Đây là một hoạt động nằm trong “Dự án Hành trang an toàn” và được xem là một phương pháp tiếp cận mới mẻ tới các đối tượng chính là sinh viên đại học và thanh thiếu niên trong khu vực nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề an toàn giao thông. 

Sự kiện thu hút hơn 3.000 người đến tham dự, bao gồm sinh viên đến từ 06 trường đại học thuộc dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng trong khu vực và các Đại sứ thiện chí an toàn giao thông của dự án “Hành trang an toàn”. “Tôi cho rằng việc tổ chức cuộc thi thiết kế thời trang về chủ đề an toàn giao thông là một cách sáng tạo để “Dự án Hành trang an toàn” có thể tiếp cận đến đối tượng thanh thiếu niên và định hướng họ ý thức tốt hơn về an toàn giao thông. Quỹ UPS chúng tôi rất vinh dự khi được tài trợ cho dự án này”, Ông Jerald Barnes, Giám Đốc Ngoại Giao thuộc Quỹ UPS chia sẻ.

Dự án “Hành trang an toàn đã trang bị những kiến thức và kỹ năng điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy rất cần thiết và hữu ích cho đối tượng sinh viên của các trường đại học tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hình thành ý thức văn hóa giao thông cho người trẻ. Thông qua dự án, chúng tôi tin tưởng sự trẻ trung, sáng tạo, năng động của các bạn sinh viên hiện nay sẽ góp phần đổi mới hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông, những quy định khô khan của pháp luật sẽ được truyền tải một cách gần gũi, hiệu quả và có sức lan tỏa lớn hơn đối với cộng đồng xã hội đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên”, Ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn Phòng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM nhấn mạnh: “Kết quả thống kê số liệu về tình hình tai nạn giao thông hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối tượng tuổi từ 16- 24 so với các nhóm tuổi khác (năm 2016 là 23,7%, năm 2017 là 22,4%). Các nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra tai nạn giao thông ở học sinh, sinh viên là đi sai phần đường, vi phạm tốc độ, thiếu quan sát,... Trong đó, cùng với phát triển nhanh chóng của các thiết bị điện tử như điện thoại đi động, máy nghe nhạc thì qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy hành vi sử dụng phố biến các thiết bị này khi tham gia giao thông đang dần trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trong đối tượng học sinh, sinh viên.”

Báo cáo khảo sát thông qua 927 sinh viên đến từ 7 trường đại học trong dự án ở Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy có đến 82% sinh viên di chuyển đến trường bằng xe máy. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là những người mới lái xe, còn thiếu những kiến thức cần thiết về luật giao thông cũng như chưa nhận thức được hậu quả của những hành vi lái xe không an toàn như gọi điện, nhắn tin hay lướt internet khi đang điều khiển phương tiện trên đường. Việc thiếu kiến thức này dẫn đến những tình huống nguy hiểm khi tham gia giao thông và bằng chứng cho thấy 68% các vụ va chạm giao thông ở Việt Nam đến từ xe mô-tô, xe gắn máy. Đứng trước những thực trạng trên, sự tiếp cận của Dự án Hành trang an toàn, hay cụ thể hơn là cuộc thi thời trang “Phong cách dạo phố an toàn” đến đối tượng sinh viên đại học là vô cùng thiết thực và đúng thời điểm.

“Thông qua những dự án được triển khai trên địa bàn các nước mà Quỹ AIP hoạt động, chúng tôi đã tiếp cận được hàng triệu người và đem đến những thay đổi hết sức tích cực” Bà Mirjam Sidik, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ AIP cho biết, ngoài ra, bà nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi tin rằng sự can thiệp này sẽ mang lại những tác động hiệu quả đến tình trạng sao nhãng, mất tập trung khi lái xe, góp phần bảo vệ an toàn cho thanh thiếu niên khi lưu thông trên đường”.

Đọc thêm