4 điều cần cân nhắc trước khi chuyển ngành nghề

(PLVN) - Thực tế cho thấy, có một tỷ lệ không nhỏ người lao động có quyết định chuyển ngành nghề sau một thời gian cống hiến tại một vị trí không phù hợp. Lựa chọn này quả thật không dễ dàng, bởi nó là một ngã rẽ có ảnh hưởng tới cả sự nghiệp của bạn về sau. Nếu bạn đang phân vân giữa ngã ba đường với câu hỏi “Có nên chuyển ngành nghề?” thì nên cân nhắc 4 điều sau đây trước khi đưa ra quyết định.
4 điều cần cân nhắc trước khi chuyển ngành nghề

Bạn có sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu?

Cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, chuyển ngành nghề là một quyết định rất dũng cảm, nhất là khi bạn đã cống hiến nhiều năm ở công việc cũ và có những thành tựu nhất định. Cảm giác “đi ngược lại” với đám đông và tìm cho mình một con đường khác thật không dễ dàng, bởi lúc này bạn sẽ phải bắt đầu tại từ vạch xuất phát.

Nếu công việc cũ của bạn có thể hỗ trợ tốt cho ngành nghề mới thì rất tuyệt, nhưng nếu không có lợi thế này, bạn hãy nghiêm túc tự vấn bản thân: Bạn có chấp nhận bắt đầu lại từ đầu? Bạn chấp nhận đi sau, đi chậm hơn những người khác? Thậm chí, nếu ngành nghề mới đòi hỏi bạn phải quay lại trường và học những kỹ năng mới, bạn có sẵn sàng?

Hãy nhớ rằng một khi đã chấp nhận chuyển ngành, bạn cần có tâm thế của một người kiến tạo, xây lên một công trình hoàn toàn mới mà không luyến tiếc những gì dở dang của tòa nhà cũ. Chấp nhận thực tế này sẽ giúp bạn vững vàng hơn khi quyết định “bẻ lái”.

 

Quyết định chuyển ngành bắt nguồn từ đâu, đó có phải là từ cảm xúc nhất thời?

Câu hỏi này là vô cùng quan trọng trong việc giúp bạn loại bỏ được cảm xúc khỏi quá trình ra quyết định của mình. Trước khi thực hiện “cú rẽ” hệ trọng mang tên “chuyển ngành”, bạn hãy tự hỏi nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định này là gì?

Đây có phải một dự định nghiêm túc được bạn ấp ủ nhiều năm qua, hay nó đến từ một cảm xúc nhất thời nào đó? Có phải bạn chuyển ngành vì cảm thấy chán công việc, ngành nghề hiện tại? Bạn có đang ảnh hưởng bởi tâm lý “cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh” hay không? Nếu câu trả lời là “Có”, chứng tỏ bạn đang quyết định dựa vào cảm xúc, lời khuyên cho bạn là hãy “thử” trước.

Hãy dành một khoảng thời gian ngắn từ 1 - 3 tháng để tạm dừng công việc hiện tại và tham khảo các trang web tìm việc nhanh ở Đà Nẵng, Hà Nội hay các thành phố lớn khác về các yêu cầu của ngành nghề mới, sau đó đánh giá lại bản thân có phù hợp hay không.

Nếu sau khoảng thử này, bạn vẫn muốn “nghe theo tiếng gọi con tim” thì hãy chuyển ngành nghề bạn nhé, ít nhất bạn cũng đã có một thời gian thử thách cảm nhận của chính mình.

 

Bạn sẽ được gì và mất gì?

Việc chuyển ngành nghề là một quyết định hệ trọng liên quan tới sự nghiệp mỗi người, chúng ta càng nên cân nhắc kỹ càng những điều được - mất. Hãy ngồi xuống và bình tâm suy xét tới tình huống hiện tại của bạn: Bạn sẽ được gì, mất gì khi chuyển ngành?

Có thể thu nhập của bạn sẽ giảm sút, có thể bạn sẽ mất những mối quan hệ, có thể bạn sẽ mất từ 6 tháng tới 1 năm để tìm việc và học hỏi. Ngược lại, bạn sẽ được khám phá, được thử thách bản thân và đón đầu những cơ hội mới. Mỗi quyết định lớn trong đời đều sẽ đem lại những khó khăn, thách thức như một cái giá phải trả cho những thành quả có được trong tương lai.

Bằng việc xác định rõ ràng tất cả những yếu tố này, bạn đã vẽ ra một bức tranh khá thực tế về viễn cảnh khi chuyển ngành nghề, để rồi sau đó quyết định “rẽ” hay đi tiếp vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn.

Kế hoạch của bạn là gì?

Qua 3 câu hỏi phía trên, có lẽ bạn đã phần nào chắc chắn hơn về quyết định của mình. Thế nhưng vẫn còn một bước nữa để bạn hoàn toàn tự tin chinh phục ngành nghề mới, đó chính là “bản kế hoạch”. Kế hoạch này liên quan tới mọi chi tiết trong việc chuyển ngành của bạn.

Thời điểm nào là thuận lợi nhất để chuyển ngành? Bạn sẽ dành bao lâu để đi học, hay đi tìm việc? Bạn có dự phòng tài chính cho khoảng chuyển đổi này không? Có mối quan hệ nào có thể hỗ trợ, hay giới thiệu bạn?

“Đi” hay “ở” đều ẩn chứa vô vàn những biến số khác nhau mà chỉ có thời gian mới có thể trả lời, nhưng với một bản kế hoạch chi tiết, cụ thể trong tay, sự chuẩn bị kĩ càng này sẽ giúp bạn vững vàng hơn rất nhiều trên bước đường mới, đồng thời bạn sẽ có một định hướng tốt cho bản thân.

Tóm lại,dù bạn là một nhân viên mới đi làm hay là người đã có kinh nghiệm, thì việc quyết định chuyển ngành nghề làm việc cũng sẽ là một quyết định khó khăn, nhưng cũng sẽ mở ra cho bạn một“cánh cửa” mới.

Hãy tin rằng, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, khi bạn quyết định đi theo những gì trái tim và lí trí mách bảo. Một thái độ cầu thị, một tinh thần nhiệt huyết giàu năng lượng, kết hợp với kỹ năng và bản lĩnh của bạn sẽ luôn là những chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa thành công ở bất cứ ngành nghề nào./.

Đọc thêm