Bắc Giang bừng sắc xuân nông thôn mới

(PLVN) - Từ việc triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, trực tiếp do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vun đắp qua nhiều năm, góp phần đưa Bắc Giang trở thành trung tâm kinh tế lớn thứ hai của vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Các con đường của thôn Đông Thượng hôm nay đã được bê tông cứng hóa sạch sẽ, thoáng rộng
Các con đường của thôn Đông Thượng hôm nay đã được bê tông cứng hóa sạch sẽ, thoáng rộng

Lãng Sơn và bước chuyển ngoạn mục

Dọc con đường dẫn vào thôn Đông Thượng (xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) được bê tông cứng hóa thoáng rộng, sạch sẽ với những hàng hoa đua nhau khoe sắc, mỗi bức tường của các hộ gia đình đều có vẽ những bức tranh cổ động nhiều sắc màu tạo nên khung cảnh của làng quê đổi mới, trù phú.

Với hai điểm tựa phát triển kinh tế là lúa và nghề mộc truyền thống, thôn Đông Thượng đang phấn đấu cán đích thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2019.

Lãng Sơn vốn là xã miền núi có địa hình khá phức tạp, ruộng đồng chiêm trũng, 3/4 diện tích đất nông nghiệp thường xuyên phải chịu ảnh hưởng lũ lụt. Ông Nguyễn Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn - cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Yên Dũng là điểm tựa giúp người dân xã Lãng Sơn xây dựng NTM.

Sau việc tốt dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung với các giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng thu nhập cho bà con lên tối đa 150 triệu đồng/ha/năm.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần duy trì nghề mộc truyền thống tạo việc làm ổn định cho cho hàng trăm lao động đưa Lãng Sơn cán đích NTM vào năm 2017 như kỳ vọng mà huyện Yên Dũng đặt ra.

Hiện dư nợ tín dụng chính sách xã hội tại xã Lãng Sơn đạt gần 19 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần, chỉ còn 2,7% vào năm 2019, thấp hơn so với mức bình quân chung của huyện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng mạnh, đạt 45 triệu đồng/người vào năm 2018. 

Trong chuyến làm việc của Đoàn giám sát thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - thành viên Ban Chỉ đạo chương trình làm Trưởng đoàn, ông Dương Quyết Thắng đã đồng ý bố trí thêm nguồn vốn để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn, đồng thời tặng 3 bộ máy vi tính cho xã Lãng Sơn và chiếc ti vi cho thôn Đông Thượng để bà con nhân dân nắm bắt đầy đủ thông tin, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. 

Góp sức bền phát triển kinh tế địa phương

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang. Chỉ tính riêng 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã có 178.200 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 158.450 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Tỉnh Bắc Giang đã dành ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh 119 tỷ đồng để thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Sau 17 năm hoạt động, đến cuối tháng 11/2019, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đạt 4.228 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng (7,57%) so với ngày 31/12/2018, có 113.275 hộ còn dư nợ. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách được phản ánh rõ thêm qua chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ, toàn tỉnh có 127 xã không có nợ quá hạn/230 xã (55,2%).

Theo ước tính của UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018, ước giảm còn 5,05%, vượt kế hoạch 0,24% (kế hoạch giảm bình quân 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55% (kế hoạch giảm bình quân 4%/năm).

Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 255 điểm giao dịch xã/230 xã, trở thành một động lực giúp Bắc Giang ước đạt 25 xã đạt chuẩn NTM năm 2019, lũy kế số xã đạt tiêu chuẩn NTM từ năm 2016 đến năm 2019 ước đạt 114 xã, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 56,2% (vượt kế hoạch 42 xã so với kế hoạch đến năm 2020).

Hiện dư nợ xã về đích NTM là 1.654 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39,3% dư nợ của NHCSXH, đã và đang trở thành nguồn lực để các xã tiến tới mục tiêu cao hơn, hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao.

Ghi nhận những thành quả đã đạt được của tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện các CTMTQG, về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, bố trí nguồn vốn hợp lý cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu con đường xây dựng NTM, trước mắt bố trí ngay 20 tỷ đồng để tỉnh thực hiện cho vay NS&VSMTNT và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Đọc thêm