Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững

(PLVN) - Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình ngày càng “thay da đổi thịt” và có nhiều bước tiến đột phá đầy ấn tượng, không những thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn thúc đẩy du lịch mạnh mẽ.
Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững

“Nơi mơ đến, chốn mong về”

Du lịch tỉnh Ninh Bình trong năm vừa qua đã đón 7,65 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2014, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, tăng gần gấp bốn lần so với năm 2014, hoạt động du lịch đã giải quyết việc làm cho trên 21.500 lao động  của tỉnh, trong đó lao động trực tiếp là 5.600, lao động gián tiếp là 15.900; 70% số lượng lao động nằm trong các khu, điểm du lịch và các cơ sở dịch vụ du lịch thuộc khu Di sản.

Quần thể danh thắng Tràng An từ trên cao
Quần thể danh thắng Tràng An từ trên cao 

Để đạt được những con số ấn tượng như vậy, phần lớn là nhờ sự khác biệt với sự nhộn nhịp của chốn thị thành hay sự đông vui nơi miền biển của quần thể danh thắng Tràng An. Nơi đây dường như nép mình lại trong vẻ đẹp nhẹ nhàng cùng núi non xanh biếc. Vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc cùng thời gian đã khiến nhiều người đến Tràng An, một lần đến sẽ muốn đến thêm một lần.

Diện mạo du lịch Ninh Bình ngày càng khởi sắc
 Diện mạo du lịch Ninh Bình ngày càng khởi sắc

Chị Phạm Thị Hà (42 tuổi), người con gái xứ Huế theo chồng về Ninh Bình sinh sống, cho biết: Ở quê làm ăn khó khăn, gần 10 năm nay, chị đã cùng chồng con về Tràng An “lập nghiệp” bằng nghề chèo đò. Tràng An không chỉ giúp gia đình chị có thêm thu nhập mà chính mỗi lần chèo đò đưa khách thăm quan là mỗi lần chị Hà được mở rộng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh vật nơi đây.

Hơn thập kỷ gắn kết người con gái xứ Huế mộng mơ ấy với Tràng An, mỗi ngày chị lại thêm kinh nghiệm, trau dồi kiến thức về lịch sử và cảnh vật Tràng An. Chị Hà xem Ninh Bình là "quê hương" thứ hai của mình. Bởi vậy, du khách khi đi đò của chị Hà không những cảm nhận được sự đôn hậu, tận tình, chu đáo từ người chèo đò mà còn được chị giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ về những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp có ở Tràng An. 

Nét đẹp say đắm lòng người.
Nét đẹp say đắm lòng người.

Toàn cảnh khu sinh thái Tràng An là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí đẹp đến lạ thường. Bất cứ ai đến thăm khu du lịch sinh thái Tràng An đều trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý cùng bầu không khí thanh như lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi, dáng sông ở buổi đầu sơ khai của quá trình dựng nước của ba triều đại: Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành và Vua Lý Thái Tổ.

Một trong những điểm hút khách du lịch của Ninh Bình nằm ở giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An, được công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đó là Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.

Tràng An trong một sáng tinh mơ.
Tràng An trong một sáng tinh mơ.

Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy du lịch, đưa hình ảnh quần thể danh thắng Tràng An đến với bạn bè quốc tế. 

Gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản cũng phải được chú trọng, đẩy mạnh. Bên cạnh việc phát triển, thúc đẩy các hoạt động du lịch, việc quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cũng là chủ trương của ngành du lịch, chính quyền các cấp và mỗi người dân Ninh Bình. 

Những người thợ lái đò đưa khách thập phương chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây.
Những người thợ lái đò đưa khách thập phương chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây. 

Trong thời gian qua, Sở Du lịch Ninh Bình đã thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An tăng cường công tác tuần tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, kinh doanh dịch vụ lưu trú và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong phạm vi Di sản. Đến nay, các vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai nhìn chung đã được kiểm soát, phần lớn người dân địa phương chấp hành tốt các quy định về quản lý, bảo vệ di sản, tham gia tích cực vào quá trình giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử trong khu di sản.

Có thể nói, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một hoạt động có tính đa ngành và liên ngành, liên quan đến các vấn đề về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, với diện tích 12.252 ha, trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 05 huyện, thành phố cùng với hơn 40.000 cư dân sinh sống và hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, Di sản Tràng An hiện nay đang chịu sức ép rất lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư sinh sống trong khu Di sản. 

Ông Bùi Văn Mạnh - Phó giám đốc sở Du lịch Ninh Bình.
 Ông Bùi Văn Mạnh - Phó giám đốc sở Du lịch Ninh Bình.

Trao đổi về vị trí quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết: Ninh Bình là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ, nên thơ của núi non, sông nước và hệ thống các hang động xuyên thủy độc đáo, kỳ ảo. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Nhận thức sâu sắc những giá trị di sản vô giá, tiềm năng du lịch to lớn đó, tỉnh Ninh Bình luôn xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 03 năm 2001, Nghị quyết số 15/NQ-TU năm 2009 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Ninh Bình đặt kế hoạch trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ, của cả nước cùng định hướng phát triển du lịch bền vững, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa.

Tràng An một ngày vào hạ.
Tràng An một ngày vào hạ.

Trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản,thời gian tới, Sở Du lịch Ninh Bình, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng tiếp tục, thường xuyên đổi mới phương thức quản lý, khắc phục những hạn chế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu Di sản Tràng An với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ngày hội Tràng An.
Ngày hội Tràng An. 

Hơn nữa, quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được tỉnh Ninh Bình xác định là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn thể nhân dân trong tỉnh (Nghị Quyết 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình). Trên cơ sở đó, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cam kết mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản, bảo đảm tính toàn vẹn, các giá trị nổi bật toàn cầu để trao truyền cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần của Công ước Di sản Thế giới.

Đọc thêm