Bất chấp dịch Covid-19, Bắc Ninh vẫn hút dòng vốn ngoại

(PLVN) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án đều bị ảnh hưởng, nhưng với môi trường đầu tư hấp dẫn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các khu công nghiệp Bắc Ninh vẫn giữ được vị thế hút dòng vốn ngoại.
KCN Yên Phong là dự án đã thu hút được dòng vốn FDI lớn của tỉnh Bắc Ninh.
KCN Yên Phong là dự án đã thu hút được dòng vốn FDI lớn của tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI có vốn đầu tư lớn, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là tiền đề quan trọng giúp giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, các KCN tại Bắc Ninh vẫn thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong tháng 7, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN Bắc Ninh đã tăng mạnh so với tháng trước, với tổng vốn đầu tư đạt 265,73 triệu USD (tháng 6 chỉ đạt 66,65 triệu USD). Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 17,589 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê, sau 22 năm thành lập, đến nay các KCN Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.599 dự án (1074 dự án FDI và 485 dự án trong nước), tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 20,08 tỷ USD.

Nhằm tăng đường đón làn sóng đầu tư quốc tế vào các KCN, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các ngành chức năng hoàn thành Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2035, triển khai hoàn thiện quy hoạch các KCN phù hợp với Đồ án quy hoạch vùng tỉnh và Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN theo Quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường được duyệt, kết nối doanh nghiệp với một số đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, logistic, quản lý chất lượng, cung ứng lao động, phần mềm ứng dụng trong quản lý, thiết bị công nghiệp... và tư vấn về các thủ tục đầu tư mới, mở rộng đầu tư, dịch vụ khác tới các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh chú trọng việc giới thiệu địa điểm đầu tư và thủ tục đầu tư vào các KCN Quế Võ III, Quế Võ II, Quế Võ I, Yên Phong (mở rộng), Thuận Thành II... cho các doanh nghiệp khi đến với Bắc Ninh. Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, qua đó củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chuẩn bị tốt các điều kiện về thể chế, chính sách, pháp luật, đất đai, nhân lực, năng lượng... sẵn sàng đón nhận các dự án lớn, các dự án phù hợp định hướng phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Với việc thiết lập mô hình KCN, các khu đô thị mới gắn với phát triển cụm công nghiệp, làng nghề, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN với hạ tầng xã hội là cơ sở để Bắc Ninh chủ động hội nhập, phát triển bền vững.

Bên cạnh những yếu tố tự nhiên thuận lợi, để thu hút đầu tư, Bắc Ninh đã tập trung tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Áp dụng và triển khai rộng rãi mô hình trung tâm hành chính công ở tỉnh và các huyện. Bên cạnh việc coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá tích cực của cộng đồng DN trên địa bàn qua việc thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc khi có phản ánh. Nhờ đó, Bắc Ninh được coi là "thỏi nam châm" thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài.

Đọc thêm