Bẫy kinh doanh đa cấp hướng đến sinh viên: Tinh vi và nguy hiểm

(PLVN) - Bẵng đi một thời gian lui vào hoạt động âm thầm, các “bẫy” kinh doanh đa cấp bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại, hướng đến các em sinh viên  với hàng loạt vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

Mất tích vì đi theo… nhóm đa cấp

Thời gian gần đây, rộ lên thông tin về hàng loạt em học sinh bỏ học, mất liên lạc với gia đình, sau đó người nhà khám phá ra là đi theo những tổ chức đa cấp có dấu hiệu lừa đảo. Vụ việc đình đám là sự việc em Tr. T. L., sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, rời kí túc xá từ giữa tháng 5/2020 và không ai liên lạc được, khiến cha và cậu phải từ Quảng Nam lặn lội vào TP.HCM tìm kiếm.

Trước đó, em L. có liên hệ gia đình, báo là được học bổng và xin cha mẹ lo thêm cho 200 triệu để đi du học. Tin lời con, gia đình đã gom góp chuyển cho L. 200 triệu, ngay sau đó số tiền đã được rút ra và L. biến mất.

Gia đình L. vào Sài Gòn tìm hiểu khắp nơi thì được biết, sinh viên này một thời gian thường liên hệ, tham gia vào một đường dây đa cấp. Tuy nhiên, khi gia đình L. tìm đến trụ sở thì công ty đa cấp nói trên đã dọn đi.

Mới đây, một em sinh viên đại học Mở TP.HCM tên Tr. Ng. K. Tr. cũng mất tích hơn 10 ngày trời, khiến gia đình em phải tìm kiếm khắp nơi. Sau khi phát hiện con tham gia đường dây đa cấp, gia đình có nhờ một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội phát đi thông tin tìm kiếm Tr.

Sau khi thông tin được lan rộng, Tr. đột ngột trở về, không những không hối lỗi vì làm cho gia đình lo lắng mà còn lên tiếng trách móc gia đình và Facebooker kia đã “cản trở giấc mơ tương lai” của em. Trước đó, được biết Tr. cũng xin gia đình học bổng du học 500 triệu rồi “lặn mất tăm”.

Các trường hợp mất tích gần đây đa phần bị “tố” liên quan đến đường dây đa cấp mang tên “Team khởi nghiệp 360”. Nhóm đa cấp này có văn phòng tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu và có một số cơ sở chân rết tại các quận trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Team khởi nghiệp 360 hướng đến đối tượng là người lao động nghèo và nhất là sinh viên mang giấc mơ khởi nghiệp, làm giàu. 

Bẫy đa cấp lắt léo, tẩy não!

Hiện, có không ít công ty đa cấp khác lăm le lừa đảo nhắm vào đối tượng sinh viên. Em Nguyễn Minh T., một sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật chia sẻ, em được bạn bè mời đi tham dự chương trình “con đường hạnh phúc” của công ty U-ST và được hứa hẹn sẽ được học nhiều điều hay ho để “sống hạnh phúc hơn”.

Thấy mình cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong cuộc sống, nghĩ sẽ được gặp các diễn giả, chuyên gia tâm lý, T. đăng kí tham gia. Đến nơi, T. được yêu cầu tắt toàn bộ các thiết bị ghi âm, ghi hình vì đây là buổi “độc quyền”. Trong chương trình, hàng loạt thanh niên trẻ lên khoe về sự giàu có, thành đạt sau khi bỏ công việc cũ và tham gia vào công ty này.

T. cũng được thuyết phục tham gia khởi nghiệp bằng cách bỏ 12 triệu đồng mua các sản phẩm thải độc gan của công ty, đồng thời càng giới thiệu nhiều bạn bè tham gia thì càng được giảm giá sản phẩm, bán ra với lợi nhuận cao. T. đã rủ nhiều bạn tham gia, sau đó, cả nhóm mất hơn 50 triệu đồng và ôm một loạt sản phẩm vô tác dụng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Tương tự, sinh viên Ng. H. N., sinh viên của Trường Đại học Kinh tế cũng mắc bẫy đa cấp. Đang đi làm thêm cho một quán cafe, N. được bạn đồng nghiệp thuyết phục đi làm thêm ở một nơi “nhiều tương lai” hơn. Sau khi mang CMND đi phỏng vấn ở một công ty có trụ sở tại tòa nhà của một siêu thị điện máy tại đường CMT8, quận 10, TP.HCM, N. được thanh niên tên T. nhận vào làm ngay với số tiền đóng vào ban đầu là 450 nghìn đồng cho bộ hồ sơ tiếp nhận công việc.

Kế đó, những ngày sau N. lên công ty và được đưa đi gặp nhiều người “thành công”, được thuyết phục mua sản phẩm với giá 12 triệu đồng. Khi N. nói không có tiền, những người trong công ty xúi giục N. gọi điện về báo cha mẹ xin tiền học Anh văn(!).

N. mụ mị đồng ý, sau khi lấy 12 triệu của gia đình đổ vào sản phẩm, N. tiếp tục được công ty này xúi giục “nâng hạng” bằng cách bỏ 2 mức tiền: 30 và 84 triệu đồng và lại hướng dẫn N. cách vẽ ra những khóa học ảo để lừa gia đình lấy tiền, rất may là em N. đã thú nhận với gia đình và dừng lại kịp thời.

Có thể thấy, chiêu bài của các công ty đa cấp hướng đến các em sinh viên rất lắt léo, đa dạng. Ban đầu, để dụ dỗ các em, các công ty này thường thông qua những “bên thứ 3”, người quen biết hoặc “con mồi cũ”. Nhiều công ty còn công khai đăng những mẩu quảng cáo đầy hấp dẫn như “cần sinh viên làm thêm, lương cao, ưu đãi tốt, có khả năng thăng tiến” đánh vào tâm lý mong mỏi có việc làm thêm của các em. 

Để rồi khi đã bắt đầu tiếp cận được sinh viên, đa cấp lừa đảo sẽ nghĩ ra đủ chiêu trò dụ dỗ, như kích hoạt mong muốn làm giàu, ước mơ khởi nghiệp của sinh viên, đưa ra những “tấm gương người thật việc thật”, vẽ ra trước mắt các em một tương lai tươi sáng. Sau đó, hướng dẫn các em những cách lừa dối gia đình. Em nào gia cảnh không khá giả thì lừa tiền học thêm, học nâng cao, hoặc cầm laptop, bán xe máy…

Em nào gia đình khá giả thì các chiêu lừa cao cấp hơn như đi du học, thậm chí tổ chức đa cấp còn giúp sinh viên… làm giả giấy tờ chứng nhận học bổng của trường đang học hoặc các học bổng của tổ chức quốc tế để tăng độ tin cậy, “móc túi” gia đình các em.

Không ít em sinh viên dính bẫy đa cấp từ vài chục đến vài trăm triệu, và cũng nhiều trường hợp các em mụ mị tinh thần, cắt đứt với gia đình, bỏ học lao vào vòng xoáy đa cấp, tiếp tục đi lừa những con mồi khác để kiếm tiền bất chính…

Đây là những hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, cần có sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM: “Hiện nay mạng lưới đa cấp đã len lỏi vào nhiều trường học, dụ dỗ các em sinh viên. Năm ngoái, tại trường SPKT cũng đã xảy ra một vài trường hợp sinh viên báo với gia đình đi du học, sau đó là giả cả giấy tờ Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế nhà trường thông báo đóng tiền các chương trình du học - liên kết với một ĐH ở Anh với địa chỉ liên hệ, tên người quản lý chương trình và số điện thoại giả mạo.

Phụ huynh sinh viên đã gọi điện thoại kiểm tra và được báo là sinh viên được nhận học bổng chỉ phải đóng học phí 50%. Chúng tôi đã ra thông cáo báo chí là không có chương trình liên kết như vậy.

Qua các sự việc trên, có thể thấy việc lừa gia đình đóng tiền du học đã xảy ra thường xuyên. Có thể có nhóm người lừa sinh viên vào đường dây bán hàng đa cấp và chuẩn bị kịch bản giống nhau như vậy.

Nhà trường cũng đã làm một số biện pháp, nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để được việc này. Chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền đến các em sinh viên và phụ huynh cảnh giác với các bẫy đa cấp như trên”.

Đọc thêm