Biến lễ cúng lễ hành thiện

(PLVN) - Bên cạnh một số biến tướng mê tín dị đoan của lễ cúng cô hồn, dịp tháng 7 - Vu Lan cũng là dịp để nhiều gia chủ hành thiện, phước đức, làm những điều tốt đẹp, bố thí cho cả người sống lẫn người thác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Trúc Linh, ngụ chung cư Riverside, quận 4 có một thói quen vẫn thường làm trong tháng 7, đó là gửi tiền mua áo quan cho những người vô gia cư, thất cơ lỡ vận, khi mất không ai chôn cất. Không rầm rộ, không ồn ào, chỉ đơn giản là dành một phần tiền thu nhập trong tháng, đem đến chùa bà Thiên Hậu - tức Hội quán người Hoa ở quận 5 để góp tiền mua áo quan. Thi thoảng, chị viết vài dòng ngắn ngủi lên trang cá nhân và bạn bè, người thân cũng góp tiền ủng hộ theo.

Các Hội quán người Hoa ở khu vực quận 5 vẫn có hoạt động tương trợ áo quan cho những người qua đời tứ cố vô thân. Hàng ngày, hàng tháng vẫn có không ít Mạnh thường quân góp tiền, giúp sức. Nhưng, quyên góp đông nhất vẫn là rằm tháng 7, lễ cô hồn. Bởi với nhiều người, hành động ấy cũng nhằm “bố thí” cho người chết, ý nghĩa không kém những mâm cúng cao đầy.

Dịp cúng cô hồn tháng 7, cúng rầm rộ nhất phải kể đến khu người Hoa ở các quận 5, quận 6. Các gia đình buôn bán mặt phố mà tổ chức cúng, thì mâm bàn cực kì hoành tráng, với tam sên (heo, gà, cua), trái cây nhập khẩu, tiền cúng đầy ắp, và vàng mã thì đủ loại từ biệt thự đến xe hơi, máy bay. Với nhiều người Hoa Chợ Lớn, lễ thí thực tháng 7 cũng thường đi kèm “hội phát chẩn”.

Nhiều gia đình kinh thương khu vực này ngoài sắm sanh lễ vật cúng, còn mua thêm gạo, dầu, muối, các phần quà để phát chẩn cho người nghèo. Gia chủ nổi tiếng với những lễ cúng thí thực hoành tráng ở khu vực Chợ Lớn phải kể đến bà Tạ Hương kinh doanh trên mặt tiền đường Phùng Hưng, quận 5. Ngoài mâm cúng lớn, đắt tiền, bà Tạ Hương còn chuẩn bị rất nhiều tiền lẻ. Số tiền lẻ này được gấp thành hình tam giác, sau khi cúng xong sẽ được rải từ trên cao xuống để cho người dân bên dưới nhặt. Có người mang cả xô nhựa, vợt ra để vợt tiền. Cạnh đó, vài trăm phần quà như gạo, mì, dầu ăn… được người nhà bà Hương đem ra phát cho người nghèo.

Ông Trần Văn Tấn, đạp xích lô ở quận 5 cho biết: “Tháng 7, xóm lao động nghèo chúng tôi cũng rộn ràng hơn nhờ chờ mong những lễ cúng, phát gạo như vậy. Vợ chồng tôi tháng 7 này được nhận 20 kí gạo, 2 triệu đồng từ các Mạnh thường quân tổ chức phát chẩn. Một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, nơi tôi đậu đón khách còn cho tôi nguyên con heo quay cúng xong, vợ chồng con cái được bữa ăn ngon”.

Có người chọn cách thí thực rầm rộ, hoành tráng, đuổi xui xẻo, cầu may mắn. Có người chọn cách âm thầm lặng lẽ làm việc thiện nhằm mong phước đức đến cho mình, cho gia đình. Có người âm thầm về báo hiếu mẹ cha… Dù là cách gì đi nữa, thì mỗi một việc thiện đã làm đều là những bông hoa thơm đẹp đẽ dâng đời. Một năm, cần có tháng 7 Vu Lan, tháng 7 cô hồn, bởi là như thế.

Đọc thêm