Bình Định: Vì đâu Xí nghiệp tư doanh Nam Bình đứng bên bờ vực phá sản?

(PLVN) - Một doanh nghiệp tư nhân từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chế biến nông, lâm sản xuất khẩu của Bình Định nhiều năm trước, nay đang đứng bên bờ vực phá sản chỉ sau một quyết định thu hồi đất. Nhiều năm trôi qua, UBND tỉnh Bình Định và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung vì những khúc mắc không được tháo gỡ. 
Trụ sở Xí nghiệp tư doanh Nam Bình.
Trụ sở Xí nghiệp tư doanh Nam Bình.

Xí nghiệp tư doanh Nam Bình được UBND tỉnh Bình Định cho phép thành lập và đi vào sản xuất từ năm 1995. Đến năm 1998, Xí nghiệp lập dự án trình UBND tỉnh và các ngành chức năng cho phép xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản xuất khẩu tại khu vực 7 (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Ngày 16/7/1998, Xí nghiệp được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án đầu tư theo quyết định số 2260/QĐ-UB. Ngày 7/9/1998, Xí nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt cho thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến hàng nông, lâm sản xuất khẩu tại tỉnh Bình Định theo quyết định số 811/QĐ-TTg. Hợp đồng thuê đất số 96-98/HĐ-UB ký ngày 31/12/1998.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định ký quyết định cho thuê đất với diện tích 20.000m2, thời hạn thuê đất là 50 năm, Xí nghiệp tư doanh Nam Bình đã hoàn tất các thủ tục, tiến hành thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua máy móc thiết bị và đi vào hoạt động.

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm xác định mốc giới khu đất cụ thể trên bản đồ và trên thực địa, đăng ký vào sổ địa chính Nhà nước, ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Xí nghiệp tư doanh Nam Bình”.

Thời gian sau đó, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đều đã được thực hiện, tuy chỉ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho xí nghiệp là UBND tỉnh Bình Định không làm.

Xí nghiệp tư doanh Nam Bình đang đứng bên bờ vực phá sản chỉ sau một quyết định thu hồi đất.
 Xí nghiệp tư doanh Nam Bình đang đứng bên bờ vực phá sản chỉ sau một quyết định thu hồi đất. 

Doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong khi chờ đợi chính quyền giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngày 28/10/2005, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định số 3372/QĐ-CTUBND về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài mở rộng về phía Nam tại phường Bùi Thị Xuân. Xí nghiệp tư doanh Nam Bình cũng nằm trong diện tích quy hoạch này.

Như vậy, chỉ với quyết định số 3372 này, UBND tỉnh Bình Định đã có thể hủy bỏ quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như UBND tỉnh này trước đó, mà không cần thu hồi và thanh lý hợp đồng đã ký.

Chưa hết, từ khi KCN Phú Tài mở rộng về phía Nam, Công ty Phát triển hạ tầng các KCN và Ban Quản lý KCN tỉnh Bình Định đã gửi các thông báo, văn bản yêu cầu Xí nghiệp tư doanh Nam Bình ký hợp đồng thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng KCN Phú Tài, với mức giá cao hơn mức giá đã ký trong hợp đồng số 96-98. Trong khi đó, khu đất này vốn được Xí nghiệp tự đầu tư hạ tầng, tự giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Xí nghiệp tư doanh Nam Bình được hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ưu đãi miễn tiền thuê đất từ năm 1999 - 2004. Tuy nhiên, Công ty Phát triển hạ tầng các KCN lại ra văn bản truy thu từ năm 2002.

Sau nhiều lần xí nghiệp viết đơn trình UBND tỉnh Bình Định và các cấp ngành chức năng, ngày 1/9/2008, UBND tỉnh này có văn bản số 2885/UBND-NĐ về việc giải quyết việc thuê đất của Xí nghiệp tư doanh Nam Bình. Theo đó, văn bản yêu cầu Xí nghiệp kê khai toàn bộ chi phí đã tự bỏ ra để giải phóng và san lấp mặt bằng rồi nộp văn bản cho Sở Xây dựng. Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để Công ty Phát triển hạ tầng các KCN thanh toán lại cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Bảy gửi đơn cầu cứu tới Báo Pháp luật Việt Nam.
 Ông Phạm Văn Bảy gửi đơn cầu cứu tới Báo Pháp luật Việt Nam.

Sau nhiều năm, mới đây, ngày 13/1, UBND tỉnh Bình Định ra văn bản số 244/UBND-TĐ  trả lời nội dung đơn thư của ông Phạm Văn Bảy - Giám đốc Xí nghiệp tư doanh Nam Bình. Theo đó, UBND tỉnh cho biết, không có cơ sở xem xét, giải quyết yêu cầu của xí nghiệp đề nghị UBND tỉnh cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như doanh nghiệp thuê đất ngoài KCN. 

Lý do là Xí nghiệp tư doanh Nam Bình bị thu hồi diện tích 32.408,78m2 đất nằm trong diện tích 1.253.077m2 đã được UBND tỉnh có quyết định thu hồi để mở rộng KCN Phú Tài về phía Nam. UBND tỉnh không có điều chỉnh quy hoạch đưa diện tích đất xí nghiệp đang sử dụng ra ngoài KCN, do đó ông Bảy đề nghị được thuê đất như các doanh nghiệp nằm ngoài KCN Phú Tài là không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Hiện nay, Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định đang xử lý tài sản thế chấp của Xí nghiệp tư doanh Nam Bình theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (thuộc Đoàn Luật Sư TP Hà Nội), thời điểm đó, không có quy định nào về việc hủy bỏ quyết định hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mặt khác, theo quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003, UBND chịu trách nhiệm chấp hành hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp, nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn.

Về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, theo Điều 19 Nghị định 181/2004 về thi hành Luật Đất đai, việc xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp tỉnh trình bộ hồ sơ tới Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi thẩm định tiếp tục trình Chính phủ xét duyệt. Như vậy, chỉ khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất dùng để làm KCN, khu chế xuất, khu kinh tế thì UBND cấp tỉnh mới có thể dùng làm căn cứ để thu hồi đất đã cho thuê.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 50, 51 Luật Đất đai năm 2003, khi hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có giấy tờ về việc Nhà nước quyết định cho thuê đất, đã ký hợp đồng thuê đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan Nhà nước thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Nếu như Xí nghiệp tư doanh Nam Bình đã có đầy đủ các giấy tờ nêu trên, đã nộp đủ tiền thuê đất theo hợp đồng thuê đất và không vi phạm các quy định về đất đai khác thì doanh nghiệp có quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Việc các cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đó trì hoãn, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp là không phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Tuấn cho biết.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm