Bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư: Phải có công bố quốc tế

(PLO) - Đây là một tiêu chuẩn mới được bổ sung đáng chú ý trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). 

Trước đó, tháng 9/2015, Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) công bố tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu. Trường Đại học Tôn Đức Thắng lý giải quyết định này đã được tham khảo kinh nghiệm từ các nước tiên tiến. Sau quyết định được coi là “vượt rào” khá táo bạo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh GS nhà nước cùng các cơ quan liên quan đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận chức danh GS, PGS phù hợp với tình hình mới.

Có thể nói, Dự thảo Quyết định lần này thể hiện rõ quan điểm chức danh GS, PGS là chức danh nhà giáo, là chức danh giảng viên, gắn với vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục đại học  và chỉ áp dụng dành cho giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng. Theo Dự thảo, tiêu chuẩn chung của chức danh GS, PGS yêu cầu ứng viên phải có đủ thời gian làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

Với chức danh GS là đã có thời gian được bổ nhiệm chức danh PGS từ đủ 3 năm trở lên, với chức danh PGS là có bằng/quyết định cấp bằng tiến sĩ đủ 3 năm trở lên và có ít nhất 6 năm, trong đó có 3 năm cuối liên tục tham gia đào tạo từ trình độ đại học trở lên. Ứng viên cũng phải thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy, đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy, trong đó có ít nhất 1/2 thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp.

Đáng chú ý là sự thay đổi về yêu cầu sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong công tác chuyên môn. Dự thảo Quyết định cũng quy định ứng viên phải có công bố quốc tế; theo đó, đến năm 2019, ứng viên chức danh GS thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 2 bài báo khoa học; hoặc ít nhất 1 bài báo và 1 quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất 1 bài báo và 1 bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo. Từ năm 2020, ứng viên tùy theo nhóm ngành phải có thêm ít nhất 1-2 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn trên.

Đối với chức danh PGS, đến năm 2019, ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên là tác giả chính và đã công bố được ít  nhất 1 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI, Scopus. Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế.

Ứng viên thuộc nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn là tác giả chính và đã công bố được ít nhất 1 bài báo khoa học hoặc 1 quyển hoặc 1 chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới. Từ năm 2020, ứng viên phải có thêm ít nhất 1 bài báo khoa học theo tiêu chuẩn này.

Những điểm mới trên của Dự thảo được đánh giá là nâng tiêu chuẩn GS, PGS cao hơn hẳn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, những đổi mới đưa vào Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mong đợi cho tiến trình hội nhập quốc tế... 

Đọc thêm