Bồi hồi nơi con sông Đà chảy vào đất Việt

(PLVN) - Sông Đà chọn cho mình một con đường khó khăn giữa vực sâu, núi cao để chảy vào lòng đất Việt (Ka Long, Mường Tè, Lai Châu). Nơi đây, giữa bốn bề rừng thẳm đang có những con người chịu đựng mọi gian khó bảo vệ giữ gìn biên giới Tổ quốc.
Bồi hồi nơi con sông Đà chảy vào đất Việt

Đường tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ thực sự là một chuyến du ngoạn mạo hiểm và kỳ thú, từ thành phố Lai Châu muốn vào Ka Lăng mất ít nhất 7 tiếng đồng hồ ngồi xe. Hành trình thực sự mệt mỏi nhưng bù lại, người đi được chứng kiến cảnh núi rừng hết sức hùng vĩ.

Từ Ka Lăng, để đặt chân được ở nơi sông Đà chảy vào đất Việt, phải thêm 2 giờ di chuyển xuyên qua những tán rừng già luôn tỏa sương lạnh buốt, trên con đường gập ghềnh một bên là vực sâu hút, một bên là những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ.

Sông Đà còn được gọi là sông Bờ hay Đà Giang, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Bảo thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Đà với lãnh thổ Việt Nam ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Ngã ba huyền thoại Mường Lay là nơi dòng Đà Giang gặp dòng Nậm Na, nơi nổi tiếng với những di tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long nay chỉ còn rêu phong nền móng. Đây vốn là thị xã bình yên “cuối trời Tây Bắc”, là tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ trước khi chia tách với Điện Biên thành hai tỉnh.

Do con sông Đà “hung dữ nhất Đông Dương” này chảy trên lưu vực có độ dốc cao, xiết, quá nhiều ghềnh thác, người đi bè xuôi thác ngày xưa đặt những cái tên “khủng” cho từng con thác để miêu tả sự hung hiểm của nó: Kẻng Cớn nghĩa là đá lăn, Kẻng Mỏ là bè lật dựng đứng lên, cái chảo nấu ăn (là vật rất quý của người đi bè để nấu ăn) đã buộc vào bè rồi mà còn rơi mất…

Giữa dòng, những bãi đá trên sông bị sóng bào mòn tạo hình thù kỳ dị và có những tảng đá lớn bị dòng nước cuốn trôi, mắc lại bên bờ lạ như tự hỏi đây là đâu? Cùng với đá, những thân gỗ lớn bị nước cuốn cũng nằm lại bên những khúc quanh của dòng sông. Có cây lớn người ôm không hết, vắt ngang một lạch nhỏ tạo một đường tuần tra tạm thời của lính biên phòng.

Trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc đồn Ka Lăng nằm nép vách núi, cách cột mốc số 18 vài trăm mét. Đối diện mốc 18 cũng có 2 cột mốc, một do đồn Mù Cả quản lý và một cột thuộc phía Trung Quốc. Ba cột mốc thành hình tam giác, ghi dấu nơi suối Nậm Na (Trung Quốc gọi là Tiểu Hắc Giang) đổ vào sông Đà và giữa sông, chính là biên giới, là nơi sông Đà hoàn toàn chảy vào đất Việt. Xuôi dòng độ trăm mét, một cầu treo bắc ngang dòng nước xiết, nối 2 xã Mù Cả, Ka Lăng và đây là cây cầu đầu tiên trên dòng sông Đà.

Trạm Kẻng Mỏ cũng được cấp dấu để đóng vào sổ thông hành cho người dân hai nước có nhu cầu qua lại. Tuy nhiên, từ lúc thành lập trạm đến nay, trải hàng chục năm nhưng con dấu ấy chưa một lần được “khai trương” bởi trạm cách nhà dân gần nhất tới 22km, đường vào rất xấu và bên kia biên giới cũng hoang vắng không kém.

Giờ đây, do phía bên kia Trung Quốc cũng có thủy điện tích nước, nên nước chỗ đầu nguồn đoạn tiếp giáp biên giới nước khá cạn. Khi thủy điện bên đó chưa xả nước, ô tô tải có thể đi qua lòng sông để chở vật liệu xây mốc. Lòng sông Đà chỗ ngã ba sông biên giới này rất hẹp, chỉ khoảng chừng hơn 100m, nước rất xiết và lạnh, lòng sông cũng như bờ sông toàn đá cuội, có nhiều viên hình thù kỳ dị đủ màu sắc rất đẹp.

Đặt chân được tới đây, một trong những điểm mốc cuối cùng của miền Tây Bắc tổ quốc, có lẽ mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau, nhưng niềm xúc động bồi hồi vì đã tới tận nơi ngọn nguồn của một con sông kỳ quan, dữ dội nhất nước sẽ còn đọng lại là mãi mãi.

Đọc thêm