“Bốt điện thoại của gió” ở Nhật, nơi gửi lời yêu thương với người đã khuất

(PLVN) - Nếu có dịp đặt chân đến thị trấn Otsuchi, quận Kamihei trong tỉnh Iwate (phía Đông Bắc Nhật Bản), hãy hỏi thăm đến khu đồi Kujira nhìn ra biển Thái Bình Dương, bạn sẽ được nhìn thấy một chiếc điện thoại công cộng vô cùng đặc biệt mà người ta thường gọi là “Bốt điện thoại của gió”. 
“Bốt điện thoại của gió” ở Nhật, nơi gửi lời yêu thương với người đã khuất

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chiếc điện thoại này chính là phương tiện liên lạc giữa người sống và người đã mất, là nơi gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ, tâm tư của những người còn sống dành cho những người thân đã khuất của mình...

Nhờ gió gửi nhớ thương

Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ người sống lại có thể chuyện trò với người chết, chẳng lẽ chiếc điện thoại này có một siêu năng lực thần bí kết nối 2 thế giới? Nhưng khi biết được câu chuyện đằng sau, nhiều người sẽ không khỏi rơi nước mắt vì đau xót. 

Theo đó vào năm 2011, trận động đất mạnh 9 độ richer kéo theo sóng thần đã phá hủy gần như toàn bộ vùng Đông Bắc Nhật Bản. Thảm họa đã khiến nước Nhật thiệt hại hơn 300 tỷ USD và đau đớn nhất là hơn 15.000 người dân thiệt mạng, trong đó có hơn 800 cư dân Otsuchi.

Ngoài ra còn hơn 400 người dân khác của thị trấn Otsuchi cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều người vẫn còn niềm tin rằng, những người thân yêu của họ có thể vẫn còn sống và đang ở đâu đó.

Dòng nước dữ tợn đã nhấn chìm nhà cửa, cây cối, làng mạc. Con số đó đồng nghĩa với việc có tới hàng trăm gia đình phải chịu nỗi đau mất người thân. Những ngôi nhà không còn hình thù, làng xóm giống như một đống hỗn độn, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, anh mất em... bầu không khí ảm đạm, tang thương bao trùm khắp nơi.

Những người qua đời đã yên nghỉ, nhưng người ở lại sống trong đau buồn, mất mát và mỗi lần nhớ người thân, họ lại tìm đến “Bốt điện thoại của gió” để phần nào vơi đi nỗi nhớ thương.

Ý tưởng xây dựng nên bốt điện thoại này là của ông Itaru Sasaki, một người dân tại thị trấn Otsuchi cũng rất đau buồn vì cái chết của người em họ thân thiết. Ông quyết định xây dựng bốt điện thoại trên đồi cao và ngắt kết nối để chỉ có thể giao tiếp một chiều. Ông Itaru Sasaki thường đến đây và gọi điện cho người em đã mất và nhờ gió chuyển nhớ thương tới nơi cần tới. 

Theo ông Itaru Sasaki cho biết: “Tai họa ập tới một cách bất ngờ, tất cả những người ra đi có lẽ cũng không kịp nói điều gì với những người ở lại. Và rất có thể như như tôi, các gia đình nạn nhân vẫn còn những lời cuối chưa kịp nói với người thân yêu”, nỗi đau và sự mất mát đối với những người ở lại càng khó để chấp nhận”.

Đó là lý do mà ông Sasaki khuyến khích những người dân trong làng tới để “gọi điện” cho những người thân yêu đã đi qua thế giới bên kia, đến để chia sẻ với người đã ra đi những cảm xúc, những suy nghĩ đang chất chứa trong lòng.

Chiếc bốt điện thoại của gió ở thị trấn Otsuchi.
Chiếc bốt điện thoại của gió ở thị trấn Otsuchi.

Ông Itaru Sasaki chia sẻ: “Tôi biết rằng những lời nói của mình sẽ không thể tới được với em tôi qua một chiếc điện thoại thông thường, đây là cách mà tôi nhờ gió gửi đi những lời nhắn nhủ của mình”.

Chiếc bốt điện thoại màu trắng với những ô kính thường xuyên được lau chùi sạch sẽ. Bên trong có một chiếc điện thoại quay số cổ điển màu đen chẳng kết nối đến đâu cả và một cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ.

Tất cả đều đã nằm ở đó suốt bao năm qua, chứng kiến biết bao cuộc trò chuyện của những người còn sống và người đã khuất. 6 năm kể từ khi xuất hiện, “Bốt điện thoại của gió” trở thành điểm đến của hơn 10.000 người, từ dân địa phương tới khách du lịch.

Chữa lành vết thương người còn sống

Chiếc bốt điện thoại của ông Sasaki từ đó đã trở thành một trạm điện thoại công cộng của cả nước Nhật. Nơi rất nhiều người đã vượt cả quãng đường xa xôi tới đây, để được một lần gọi điện cho người thân đã mất, dù chỉ là bằng cách nhẩm số điện thoại của người ấy, quay số và bắt đầu trò chuyện. Dù chỉ có thể giao tiếp một chiều, họ vẫn trò chuyện vui vẻ và thổ lộ những điều họ muốn nói từ lâu với người đã khuất. 

Nhiều người đến đây để tìm kiếm câu trả lời, hy vọng người thân của họ có thể nghe thấy nỗi lòng của mình. Số khác đến đây bày tỏ mong muốn của bản thân, số khác nữa đến để thông báo rằng những người còn sống đang sống rất tốt và mong họ yên nghỉ. Cuộc nói chuyện khiến họ cảm thấy thoải mái hơn, thanh thản và tin rằng người thân bên kia thế giới có thể nghe thấy.

“Xin hãy về đi!”; “Tại sao lại là bố, tại sao lại là con?”; “Xin hãy gọi bố một lần được không, dù chỉ một lần, bố rất nhớ giọng nói của các con”... Đây là những câu nói của những người còn sống muốn nói với người đã khuất, rằng sự ra đi của họ đã để lại nỗi nhớ lớn như thế nào. Chỉ là những cuộc hội thoại ngắn ngủi ấy rồi cúp máy, nhưng nó đã giúp biết bao người Nhật gỡ được một phần những nút thắt trong trái tim.

Thảm họa kép đã phá hủy tất cả.
Thảm họa kép đã phá hủy tất cả.

Một cụ bà dắt theo hai cháu nhỏ đến bốt điện thoại để gọi cho ông nội đã mất để thông báo rằng: “Ông nội ơi, ông có thể tin được không con đã học xong tiểu học rồi đấy. Năm nay em con cũng học lớp hai rồi và mọi người đều rất ổn ông ạ”.

Hay một người phụ nữ ở thị trấn Otsuchi thường xuyên tới “Bốt điện thoại của gió” để gọi cho đứa con trai chết vì hỏa hoạn của mình. Bà nói rằng: “Mặc dù tôi không thể nghe thấy giọng của nó và chỉ có mình tôi nói chuyện, nhưng tôi sẽ tiếp tục gọi cho nó cho đến khi nhắm mắt lìa đời, bởi tôi tin rằng nó luôn ở cạnh và có thể nghe thấy những lời tôi nói. Đây cũng chính là động lực để tôi tiếp tục sống”. 

Đối với người Nhật, việc bày tỏ cảm xúc và bộc lộ những đau khổ của mình không phải là việc dễ dàng, đặc biệt họ chỉ có thể làm việc đó ở những nơi kín đáo và cho họ có cảm giác an toàn. Không gian nhỏ hẹp nhưng riêng tư của chiếc hộp điện thoại này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tâm lý ấy.

Trong chiếc hộp kính, bên chiếc điện thoại nối vào hư vô, người Nhật mới cho phép mình trút đi sự mạnh mẽ bề ngoài, để đối diện với những giông bão của lòng mình. Cuối cùng là để những dòng nước mắt được thực sự rơi, mang theo những khổ đau, yếu đuối ra khỏi mỗi người.

Hiểu một cách đơn giản, để có thể chữa lành vết thương thì bản thân phải trút bỏ được hết những vướng bận, những đau khổ trong lòng. Những người mất người thân cũng vậy, theo thời gian, sau mỗi lần gác máy, khuôn mặt của những người bước ra từ “Bốt điện thoại của gió” cũng chấp nhận những mất mát, nhẹ nhàng và thanh thản hơn. 

“Với những ai từng mất đi người thân, bốt điện thoại của gió trở thành niềm an ủi lớn lao. Dù khó khăn, nhưng hy vọng khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn”, ông Sasaki chia sẻ.

Sau thảm họa 2011, bốt điện thoại của gió đã đón 10.000 người tới để thực hiện những cuộc trò chuyện một chiều, và hơn thế nữa, có những người đã trở thành người sử dụng thân quen của bốt điện thoại kết nối hai thế giới.

Ông Sasaki, còn đặt bên cạnh chiếc điện thoại một cuốn sổ, để những người tới đây có thể viết những điều gửi tới người thân đã qua đời của họ. Thông qua những dòng tâm sự này, ông Sasaki nhận ra rằng thời gian đang dần chữa lành những vết thương.

Đọc thêm