Cà Mau khẩn cấp tăng cường công tác ứng phó với thiên tai

(PLVN) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục công tác ứng phó trước diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, hạn hán gây ra...

Sáng 13/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân ký ban hành công văn hỏa tốc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời và sạt lở một số đoạn đê biển Tây và trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đề nghị thủ trưởng Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiệt hại do thiên tai gây ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hộ dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, thông báo kịp thời đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, để phổ biến rộng rãi đến nhân dân và chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung, triển khai kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai sát với tình hình thực tế.

Cà Mau tăng cường khẩn cấp công tác ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm.
Cà Mau tăng cường khẩn cấp công tác ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đồng thời yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau) phối hợp với UBND huyện, thành phố Cà Mau rà soát, cập nhật và triển khai kế hoạch hoặc phương án phòng, chống thiệt hại do thiên tai, phù hợp với từng vùng, tiểu vùng cụ thể trong điều kiện chịu tác động của hiện tượng La Nina;

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, gia cố các vị trí xung yếu trên đê biển, đê sông và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị hộ đê, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở đất, tuyệt đối không để vỡ đê. Vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, trạm bơm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa, nhất là trong và sau mưa lớn, bão. 

Riêng khu vực rừng U Minh Hạ, phải có giải pháp điều tiết nước thích hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tránh ngập úng, gây thiệt hại đối với sản xuất ngư - nông nghiệp kết hợp trên lâm phần; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển rà soát nắm chặt số liệu tàu thuyền, đảm bảo liên lạc thông suốt; củng cố đội tàu cứu hộ, cứu nạn tỉnh.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giao thông đường thủy, nhất là phương tiện vận chuyển hành khách và các bến khách, không để phương tiện, bến khách không bảo đảm điều kiện, trang thiết bị an toàn hoạt động…

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch hoặc phương án bố trí lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự khi xảy ra thiên tai và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện ven biển quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, kiên quyết không để phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc ra khơi; tăng cường, hiệp đồng với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư và các tổ chức tìm kiếm cứu nạn kịp thời triển khai cứu nạn trên biển.

Công an tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch hoặc phương án, bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến đường nội ô thành phố thường xuyên bị ngập sâu khi xảy ra mưa lớn đảm bảo an toàn lưu thông và đi lại thông suốt cho người dân.

Đặc biệt, UBND huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng kịp thời khắc phục nhanh tình trạng ngập úng vùng ngọt hoá khi xảy ra thiên tai. UBND thành phố Cà Mau chỉ đạo kiểm tra, khai thông cống, mương thoát nước nhằm chống ngập tại các khu dân cư tập trung và lộ giao thông trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chỉ đạo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trong tháng 10/2020; hoàn thiện Phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện trước ngày 20/10/2020.

Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2020, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3 - 4 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam, kết hợp với gió mạnh, sóng cao trên biển sẽ làm cho tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, hạn hán,... sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đọc thêm