Các nước trên thế giới đón Vu lan như thế nào?

(PLVN) - Noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, cứ độ ngày Rằm tháng Bảy hằng năm, phật tử trên thế giới đều tổ chức lễ Vu lan để hồi hướng phước đức, nhớ ơn và cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại và trong quá khứ.
Đại lễ báo hiếu, nhớ về cha mẹ
Đại lễ báo hiếu, nhớ về cha mẹ

Đặc biệt tại các quốc gia khác theo truyền thống Phật giáo như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,.. lễ hội Vu Lan dù mang những tên gọi khác nhau, những nét đặc trưng văn hóa riêng, nhưng đều hướng về một quan niệm chung về chữ hiếu của đạo Phật...

Lễ ma quỷ ở Trung Quốc

Cũng giống như ở Việt Nam, người Hoa coi ngày 15/7 âm lịch là ngày mở cửa của quỷ môn, âm khí rất nặng, do đó buổi tối nên tránh đi ra ngoài để tránh gặp quỷ; không nên đứng gần ao hồ hay ven biển… để tránh ngã xuống lại thành vật thế thân cho ma nước; cũng không nên nói những câu nói không có lợi hay đắc tội với linh giới để tránh gây nên âm linh.

Người dân không thích làm những việc trọng đại vào tháng này, đặc biệt là việc cưới xin. Thay vào đó, đến mùa Vu lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Họ cũng cúng thực phẩm và giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất.

Họ cũng tin rằng khi đốt những đồ hàng mã thì linh hồn người mất sẽ nhận được, nhờ vậy mà các vong linh ấy đỡ khổ, đỡ vất vả, đồng thời không quấy rầy công việc làm ăn, sinh sống của người trên trần thế, ngược lại còn phù hộ cho người sống được ăn nên làm ra. 

Lễ Vu lan ở Trung Quốc
Lễ Vu lan ở Trung Quốc

Thường thường, phật tử ở Trung Hoa tổ chức lễ Vu lan từ ngày 15 tháng 7 cho đến ngày 30 tháng 7 Âm lịch. Trong ngày lễ Vu lan, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong mùa Vu lan để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát dày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành. 

Dù người dân của từng vùng có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau để thể hiện tấm lòng hiếu thuận của mình với tổ tiên, có nơi thì đốt tiền giấy, có nơi thả đèn hoa đăng… nhưng nhìn chung những ý nghĩa cơ bản của ngày lễ ma quỷ vẫn luôn được gìn giữ trong đời sống tâm linh của người Trung Hoa.

Lễ linh hồn của người Nhật

Lễ Vu Lan (Ullambana) theo tiếng Nhật gọi là Bon-Odori, gọi ngắn gọn là Obon, đã được tổ chức tại quốc gia này hơn năm trăm năm nay. Các tỉnh ở phía Đông thì tổ chức vào tháng Bảy trong khi các tỉnh ở phía Tây thì lại tổ chức vào tháng Tám dương lịch hàng năm.

Điểm tương đồng với Việt Nam có tục cúng lễ lớn, đồ cúng thờ của Nhật là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng… thường có hình hoa sen (Hasu Okashi) cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana (hoặc Tama-dana).

Lễ Obon được người Phật giáo Nhật Bản tổ chức trong bốn ngày. Ngày đầu tiên được gọi là ngày Khai đàn và ngày cuối cùng kết thúc bằng lễ phóng đăng. Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày: ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn); ngày 14 là Ohagi (Một loại bánh bột gạo); ngày 15 là Soumen (Bún làm bằng bột mì) để đón tiếp các linh hồn đến thăm nhà và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).

Đặc trưng của lễ Obon chỉ riêng người Nhật có đó là vũ điệu Bon-Odori. Tương truyền vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện của Phật tử Mokuren. Vì thương mẹ phải chịu khổ dưới địa ngục, ông đến bên Phật Tổ cầu xin. Phật đã hướng dẫn ông dâng cúng lễ vật lên chư tăng, những vị tăng nhân vừa hoàn tất ba tháng an cư kiếp hạ giới vào ngày 15 tháng 7.

Lễ hội Obon mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong người dân Nhật Bản
Lễ hội Obon mang ý nghĩa tinh thần rất lớn trong người dân Nhật Bản

Sau khi mẹ ông được giải thoát, ông đã nhảy múa một cách vui mừng, và từ đó điệu múa Bon-Odori ra đời. Những điệu nhảy vui nhộn là điều không thể thiếu trong lễ Obon, làm vơi bớt đi cảm xúc tang thương đối với những chuyến ra đi.

Ngoài ra, còn có nghi thức dâng lửa để soi đường cho linh hồn. Lễ hội kết thúc với nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.

Lễ Obon là một trong năm ngày lễ quốc gia lớn nhất của Nhật Bản, không chỉ có ý nghĩa tinh thần đối với người Nhật mà còn thu hút du khách trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp gia đình đoàn tụ, về quê thăm họ hàng, viếng mộ tổ tiên, tổ chức tiệc mừng tuổi cho cha mẹ để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục.

Ngày lễ Tổ tiên tại Malaysia

Ngày lễ Vu lan còn gọi là ngày Tổ tiên, ngày báo hiếu, ngày tưởng nhớ hay là Lễ hội tháng Bảy tại Malaysia. Bên cạnh những việc làm thể hiện tinh thần hiếu đạo của người Á châu như: thăm viếng lăng mộ, tảo mộ, dâng cúng phẩm vật cho người thân đã quá cố, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, người Malaysia còn tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang những sắc thái riêng của quốc gia này.

Theo phong tục, vào ngày lễ Vu lan, người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. 

Lễ báo hiếu là một trong những nét đẹp truyền thống của người Malaysia.
Lễ báo hiếu là một trong những nét đẹp truyền thống của người Malaysia.

Trước đây, mỗi khi Vu lan đến, người dân đốt rất nhiều giấy tiền, vàng mã, hình nhân và các vật dụng bằng giấy. Theo người Malaysia hiện đại, việc đốt vàng mã này xuất phát từ văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Trung Hoa, không liên quan đến giáo lý đạo Phật nên ngày nay việc đốt vàng mã ở đất nước đã bớt đi nhiều.

Thay vào đó, ngày lễ Vu lan, hàng trăm và đôi khi hàng nghìn người, tập trung đến các chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho người quá cố và cúng dường lên đức Phật. Ngoài ra, người Phật tử Malaysia còn tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư, có sự tham gia nhiệt tình của các ca sĩ, vũ công, người diễn kịch,... Tất cả mọi chi phí cho việc tổ chức văn nghệ và các hoạt động của lễ hội trong ngày Vu lan đều do quần chúng Phật tử tự nguyện đóng góp.

Lễ Vu lan của người Việt trên thế giới

Lễ Vu Lan ở Việt Nam ngày càng được tổ chức quy mô và trọng thể hơn.  Nhiều nơi còn tổ chức đại lễ trai đàn chẩn tế để cúng đường, bố thí và cầu nguyện cho chư vị âm linh, vong linh cô hồn. Cũng trong ý nghĩa báo hiếu công ơn công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cứu giúp cho các vong linh, phật tử ở nước ta thường đến chùa tụng kinh, cầu nguyện, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ và cho pháp giới chúng sanh.

Trong đó, nghi thức cài hoa hồng trắng lên ngực áo là một nghi thức rất đặc biệt, chỉ riêng người Việt mới có. Thông qua lễ cài hoa hồng, không ít người đã hồi tâm tỉnh giác, trở nên hiếu thảo với cha mẹ hơn, sống tốt hơn.

Lễ Vu Lan của cộng đồng người Việt ở New Delhi, Ấn Độ
Lễ Vu Lan của cộng đồng người Việt ở New Delhi, Ấn Độ

Dù người Việt sống ở đâu trên thế giới, cộng đồng Việt Nam ở Lào, Campuchia, Ấn Độ, Hàn Quốc, hay ở châu Âu, Mỹ vẫn còn gìn giữ được phong tục, tín ngưỡng ý nghĩa này ở nơi mà họ đang sống. Đại lễ Vu Lan báo hiếu là hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm ý nghĩa nhân văn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã ăn sâu vào tiềm thức, lối sống của người con Việt Nam dù đi bất cứ đâu.

Lời kết

Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để người con Phật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân báo ân đối với đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà, trải rộng lòng thương đến cả những vong linh cô hồn và cả những mảnh đời bất hạnh hiện đang còn sống. 

Đây cũng là dịp để các tăng ni, Phật tử nhắc nhở nhau hai chữ “Tri ân”, đề cao tinh thần hiếu đạo, tìm về nguồn cội tâm linh và duy trì hơi ấm tình người trong kiếp sống nhân sinh, răn dạy mỗi con người sống phải có hiếu nghĩa, biết đoàn kết, hòa thuận, đùm bọc và thương yêu nhau. Có thể thấy, ở một số nước như Nhật Bản, Việt Nam… đây đã trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho con người trở nên thuần từ và trung hiếu hơn.

Đọc thêm