Cách mạng Tháng Mười Nga - “Trường học” của cách mạng Việt Nam

(PLO) - Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại - thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới. 
Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca tháng Mười” được tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng 10 Nga.
Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca tháng Mười” được tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng 10 Nga.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười (CMTM) Nga đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến phong trào cách mạng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản

Ngày 7/11/1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như mặt trời chói lọi, CMTM chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Khi nhân dân Nga làm cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm trong đêm dài nô lệ. Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của CMTM. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại.

Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; từng bước giải quyết một cách hợp lý giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xô-viết và các nhà nước khác, có những sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh và giành thắng lợi hoàn toàn.

Những bài học vô giá 

Thắng lợi vĩ đại của CMTM đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người. Thực tế đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin; những bài học kinh nghiệm của CMTM vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn.

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là “Cần có sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. 

Bài học thứ hai là “Thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cáh mạng dân tộc, dân chủ tiến lên CNXH”. Bài học thứ ba là “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền”. Bài học thứ tư là, “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản”. Vì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng, triệt để xóa bỏ chế độ người bóc lột người”. 

Bài học thứ năm là “Tinh thần cách mạng triệt để”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cần “luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc vì CNXH”. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, anh dũng, đem hết quyết tâm, công sức và cả tính mạng để giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. 

Có thể nói, thành công của CMTM có ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến việc ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ; đến sự nghiệp giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Cùng với những bài học và kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam, CMTM đã đem đến người bạn chí tình sát cánh cùng Việt Nam, chính là Liên bang Xô-viết, trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng, phát triển đi lên CNXH sau này. 

Đọc thêm