Cần Giuộc chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế

(PLVN) - Huyện Cần Giuộc được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Long An, theo định hướng quy hoạch Cần Giuộc là đô thị vệ tinh của TP HCM. 
Một góc Thị trấn Cần Giuộc
Một góc Thị trấn Cần Giuộc

Năm 2019, huyện nhà phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN, các Sở, ngành của tỉnh Long An, sự nỗ lực của hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân, nhất là sự đóng góp của các doanh nhân - doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện. 

Những thành tựu nổi bật

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng mạnh, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, huy động nguồn lực, xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng được doanh nghiệp và nhân dân đồng thuận, hưởng ứng cao. Sản xuất nông nghiệp được quy hoạch định hình, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hoàn thành đạt và vuợt 19/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội. 

Thu ngân sách đạt 530 tỷ đồng (không tính thu chuyển giao giữa các cấp ngân sách và thu kết dư năm trước), vượt 26% dự toán tỉnh giao; diện tích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 300ha, đến nay toàn huyện có khoảng 960 ha rau; 242,67 ha các mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, môi trường ổn định, tôm thương phẩm đạt cỡ lớn, giúp người dân tiết kiệm chi phí, giảm công lao động từ đó mang lại hiệu quả kinh tế khá trong điều kiện giá tôm thương phẩm không ổn định hoặc thấp hơn giá thành.

Triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả (9/16 đạt chuẩn văn hóa, NTM), số tiêu chí đạt trung bình/xã hiện tại được 16,73 và phấn đấu đến cuối năm xã Phước Hậu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và số tiêu chí trung bình/xã đạt 17,5. 

Công tác cải cách hành chính đặc biệt là ứng dụng tin học và quản lý có nhiều tiến bộ vì mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân; chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh với các huyện giáp ranh của TP HCM phát huy hiệu quả nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; công tác kiến thiết, chỉnh trang đô thị được quan tâm đầu tư tạo nên diện mạo mới cho huyện từ thị trấn đến nông thôn. 

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Trong năm thực hiện cấp 767 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các ngành nghề thương mại dịch vụ với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 115,5 tỷ đồng; tiếp nhận 23 dự án với diện tích 800,4 hecta, đến nay toàn huyện có 91 dự án khu, cụm công nghiệp, đô thị, dân cư, tái định cư, dân cư-tái định cư-thương mại và dịch vụ, nghĩa trang… với tổng diện tích khoảng 3.781,44 ha; có 06 KCN đã đi vào hoạt động, đã thu hút được trên 350 nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 208 doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 95%, Nhà máy Xi măng Fu-I, Xưởng Giày Fuluh (46 ha), Nhà máy Xi măng Phúc Sơn (34 ha) đi vào hoạt động, Xưởng Giày Sheen Bridge (17 ha) đang được hoàn thiện chuẩn bị đưa vào hoạt động; 02 cụm công nghiệp (Hải Sơn diện tích 60,5ha, Phát Hải diện tích 24ha) đã cơ bản xong giải phóng mặt bằng, đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đã tiếp nhận 06 nhà đầu tư thứ cấp.

Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An - Cầu Cảng số 1, tiếp nhận tàu lớn nhất thế giới với chiều dài 176,7m, trọng tải 13.462 DWT; đã khởi công cầu Cảng số 2, chiều dài 210m, dự kiến đầu năm 2020 có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 50.000 DWT, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng chiều dài cầu cảng số 1 và số 2 là 420m.

Qua đó tiếp nhận, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động địa phương và khu vực lân cận, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân; giảm hộ nghèo từ 7,59% (năm 2010) xuống còn 2,15% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người từ 30 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 50 triệu đồng/năm (năm 2018).

Định hướng năm 2020

Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc cho biết: Bước sang năm mới 2020, mục tiêu chung là tập trung toàn lực để thực hiện hoàn thành 02 chương trình đột phá, 02 công trình trọng điểm theo kế hoạch đề ra, nhất là chương trình giải phóng mặt bằng, tái định cư và ổn định cuộc sống người dân vùng thu hồi đất.

Khai thác hết tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo hướng sâu sát cơ sở, năng động, thể hiện tính quyết kiệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Kiểm soát đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách theo đúng quy định của pháp luật.

Tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát huy khoa học công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Lập lại trật tự pháp luật trong quản lý đất đai, đô thị, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục cải cách hành chính, củng cố, tổ chức bộ máy hoạt động ổn định, hiệu quả gắn với cải cách công vụ, công chức, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 gắn với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020); tập trung chỉ đạo điều hành, quyết liệt để hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, để xứng tầm là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đọc thêm