Can Lộc - Tự hào một vùng đất

(PLVN) - Nằm trên con đường thiên lý Bắc Nam, trung độ của cả nước và giữa lòng Hà Tĩnh là huyện Can Lộc. Từ Hà Hoàng đến Thiên Lộc là cả một dòng chảy lịch sử và văn hóa. Đến thời vua Lê Thánh Tông, năm 1469 địa danh Thiên Lộc chính thức được đổi thành Can Lộc như bây giờ. Đó là vùng đất hào hùng và đổi mới.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng cán bộ và nhân dân huyện Can Lộc về thành tích xây dựng Nông thôn mới
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng cán bộ và nhân dân huyện Can Lộc về thành tích xây dựng Nông thôn mới

Can Lộc vùng lịch sử và văn hóa hào hùng

Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử, Can Lộc bao giờ cũng là vùng “địa linh, nhân kiệt”. Bao thế hệ đã dệt thêu nên vùng đất bi hùng. 

Năm 1930 – 1931, Can Lộc chính là nơi duy nhất của Hà Tĩnh nông dân nổi dậy cướp chính quyền trong những ngày bão táp cách mạng trong phong trào Xô- viết Nghệ Tĩnh. Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, Can Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 16/8/1945. Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vào ngày 18/8/1945.

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Can Lộc vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến với nhiều tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975, như Làng K 130 (Tiến Lộc) là một thí dụ. "Xe chưa qua, nhà không tiếc" chỉ trong một đêm, nhân dân đã tự nguyện dỡ 130 ngôi nhà để lót đường cho xe ra trận. 

Ðặc biệt, tại ngã ba Ðồng Lộc Anh hùng không lúc nào ngớt tiếng gầm rú của máy bay và tiếng bom nổ, nơi đây đã sáng ngời những tấm gương chiến đấu anh dũng hy sinh để bám cầu, bám đường của nhiều cán bộ, chiến sĩ, TNXP và nhân dân, trong đó có tập thể mười cô gái TNXP.

Trong hai cuộc kháng chiến đã có hàng vạn người con ưu tú của Can Lộc đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Ðã có 2.171 người con Can Lộc anh dũng hy sinh là minh chứng hùng hồn cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân Can Lộc...

Bà Nguyễn Thị Thu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên đại biểu Quốc hội nhớ lại và tự hào: “Không có huyện nào trong cả nước có đến 17 di tích lịch sử văn hóa quốc gia như Can Lộc. Đây cũng là huyện 32 xã đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Trong thời kỳ đổi mới, hai xã Quang Lộc và Thiên Lộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ðảng bộ và nhân dân Can Lộc luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, giành được nhiều kết quả to lớn. Liên tục trong nhiều năm liền Ðảng bộ huyện được tặng danh hiệu "Ðảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu" cùng nhiều cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Từ năm 2001 đến nay, Can Lộc đã bứt phá trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... 

“Chỉ còn hai tháng nữa mới hết năm nhưng năm 2019, Can Lộc đã thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 235 tỷ đồng; nhiều chỉ tiêu về KTXH đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, các nhiệm vụ trọng tâm lớn của huyện trong năm đã hoàn thành, tạo đà thuận lợi cho triển khai nhiệm vụ của năm 2020 và tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025”, Bí thư Huyện ủy Can Lộc, Nguyễn Như Dũng cho biết. Đây là kết quả của quá trình quyết liệt chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhiều cách làm sáng tạo.

Đi đầu phong trào xây dựng Nông thôn mới

Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) diễn ra tại Nam Định ngày 18/10 vừa qua, Bí thư Huyện ủy huyện Can Lộc Nguyễn Như Dũng vinh dự thay mặt Huyện ủy, UBND huyện nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019 (Quyết định số 1405/QĐ-TTg, ngày 17/10/2019) về đích NTN từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao và Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”. 

Như vậy, Can Lộc hoàn thành chương trình NTM trước gần 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và kế hoạch đề ra chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao.  và cùng với Nghi Xuân, Can Lộc là huyện thứ 2 của Hà Tĩnh được công nhận huyện đạt chuẩn hoàn thành các tiêu chí NTM. Đây là cả một quá trình vượt lên chính mình, quyết liệt từ chỉ đạo và được sự chung sức, chung lòng của toàn dân trong huyện.

Giới thiệu cam, bưởi – sản phẩm có giá trị cao của Can Lộc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng NTM tại Nam Định
Giới thiệu cam, bưởi – sản phẩm có giá trị cao của Can Lộc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng NTM tại Nam Định 

Với tinh thần Xô-viết, nhân dân Can Lộc đã đồng lòng hy sinh quyền lợi cá nhân, xóa bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền, đổi thửa lần thứ hai thành công, từ 320 nghìn thửa xuống còn 62 nghìn thửa (bình quân 2,2 thửa/hộ, 25% số hộ sản xuất chỉ có một thửa ruộng), tạo tiền đề cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. 

Nhờ có chuyển đổi ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng mà nhân dân Can Lộc có điều kiện xây dựng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như ở Thiên Lộc, Khánh Lộc, Thượng Lộc...; đồng thời, đưa gần 700 gia trại, nông trại ra đồng kết hợp chăn nuôi với trồng lúa, màu cho thu nhập cao. 

Ðến nay, có nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Qua chuyển đổi và tích tụ ruộng đất mà người dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, đưa sản lượng lương thực từ 6,2 vạn tấn lên 8 – 10 vạn tấn/năm và nâng giá trị thu nhập từ 35 lên 100 triệu đồng/ha.

Cũng nhờ quy hoạch lại đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng và các chính sách hỗ trợ khác mà người dân Can Lộc đã đầu tư hàng nghìn máy nông nghiệp, xe vận tải, máy bơm... đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong những năm qua, Can Lộc đã huy động được hàng ngàn tỷ đồng để chỉnh trang bộ mặt nông thôn và đầu tư hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, như làm hàng trăm km đường nhựa, bê-tông, kênh mương cứng; xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hàng chục nghìn công trình vệ sinh môi trường, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa... góp phần làm thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Lễ khánh thành Nhà máy xử lý chất thải
Lễ khánh thành Nhà máy xử lý chất thải 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, Can Lộc tiếp tục quan tâm phát huy truyền thống huyện học, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, nét đẹp con người Can Lộc và giữ vững an ninh nông thôn.

Bộ mặt các vùng nông thôn Can Lộc có nhiều khởi sắc. Kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tốt, đời sống nông dân ấm no, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh, số hộ làm ăn khá giả tăng lên rõ rệt. Hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp hoàn thành trước thời gian đã phần nào nói lên tinh thần Xô-viết trên mặt trận mới của người dân Can Lộc.  

Can Lộc đang hướng tới kỷ niệm 550 năm địa danh Thiên Lộc - Can Lộc với niềm tự hào về truyền thống quê hương Xô- viết và niềm tin về cuộc sống mới văn hóa, con người sống nghĩa tình, nhân văn của một vùng đất văn hóa.

Đọc thêm