Cần Thơ: Nông dân kiên quyết phản đối khi được xã vận động làm lúa vụ 3

(PLO) -Trong khi nhiều nhà khoa học khuyến cáo bà con không nên làm lúa vụ 3 thì tại xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, một số nông dân lại được xã vận động nhiệt tình để làm vụ 3. Nhiều hộ nông dân đã phản đối, chính điều này đã gây nên những mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền nơi đây.
Các hộ nông dân có đơn phản ánh nhiều vấn đề với chính quyền xã Thạnh An
Các hộ nông dân có đơn phản ánh nhiều vấn đề với chính quyền xã Thạnh An

“Ép” nông dân xuống giống lúa vụ 3?

Theo đơn trình bày của các hộ dân, trong vụ thu đông năm 2013, ông Nguyễn Văn Mạnh và ông Phạm Đức Thông là cán bộ xã Thạnh An, tổ chức cho ấp Kinh F2 và G2 lên vụ 3. Điều này đã gây khổ sở cho bà con nhân dân ấp Kinh F2.

Cụ thể tổ bơm nước hợp đồng với bà con nông dân là để mực nước dưới 5 tấc cho bà con canh tác thu hoạch vụ 3 nhưng thực tế luôn để mực nước cao hơn khiến cho bà con khó khăn, trở ngại trong sản xuất. 

“Vụ thu đông (vụ 3-PV) năm đó nông dân đã thất thu nghiêm trọng. Qua năm 2014, UBND xã Thạnh An có phát loa kêu gọi bà con Kinh F2 không xuống lúa vụ 3 theo chỉ đạo của huyện. Vậy mà sau đó, trên xã lại có người vận động bà con xuống giống vụ 3. Chúng tôi không hiểu lý do là vì sao”, ông Vũ Văn Thắng, một người dân có đơn phản ánh nói.

Ông Thắng tiếp tục trình bày, đến tháng 6/2015, ông Mạnh và ông Thông có tới nhà buộc ông đóng máng gần 15 ngàn mét vuông đất để bơm nước vào nhưng do không có chủ trương ở trên, ông Thắng không đồng ý. 

Vừa qua, ông Thắng cùng một số bà con nhận được giấy mời của UBND xã Thạnh An đến họp với nội dung “nhận tiền hỗ trợ lúa nước năm 2015 và họp dân làm đê bao bờ bắc tuyến Đòn Giông ấp F2”, do bà Phan Thị Úc, Phó chủ tịch xã Thạnh An ký. 

“Thực tế tại buổi họp dân này xã không chi trả tiền hỗ trợ lúa nước mà bắt chúng tôi phải cấy lúa vụ 3, dù người dân cương quyết không chịu làm. Chúng tôi nghe đài, nghe thông tin các nhà khoa học khuyến cáo không nên làm lúa vụ 3. Chúng tôi nhất quyết không làm”, ông Thắng tiếp tục trình bày.

Tìm hiểu được biết, tháng 7/2016 vừa qua, bà Úc – phó chủ tịch xã ra thông báo Lịch xuống giống vụ thu đông năm 2016 tại ấp F2 với giá công bơm nước là 3,5 triệu đồng một lô ruộng (một lô tương đương với khoảng 25 công). Theo người dân ấp F2, tổng diện tích ruộng tại ấp F2, đoạn giáp với kinh G2 vào khoảng 110 lô (khoảng hơn 2700 công). 

“Họ chỉ muốn thúc ép chúng tôi làm lúa vụ 3 để bơm nước lấy tiền công. Trong khi nhiều bà con trong ấp có máy bơm nước nhưng không được tự bơm nước để phục vụ nông nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Đức, một người dân có đơn phản ánh trình bày. 

Ngoài ra, những hộ dân có đơn khiếu nại cũng cho rằng, hợp đồng về việc sản xuất lúa thu đông 3 năm từ năm 2016 đến 2018 có nhiều điểm chưa hợp lý. “Hợp đồng có bà Úc là phó chủ tịch xã làm đại diện. Bên A là tổ bơm nước, bên B là hộ nông dân. Hợp đồng chỉ có 3 điều nhưng không ghi rõ ai làm trọng tài kinh tế. Không nêu cụ thể là nếu có tranh chấp hay vấn đề gì thì thưa kiện, khiếu nại ở đâu”.

“Chúng tôi lấy kinh nghiệm từ vụ thu đông năm 2013. Mới đầu họ cũng hợp đồng với dân rút mực nước thấp hơn ruộng là 30 đến 40 cm. Nhưng  thực tế lại để nước cao hơn mặt ruộng đến 50 cm gây khó khăn cho bà con lúc canh tác, thu hoạch lúa vụ 3. Nếu năm 2016 cũng mắc sai lầm thì ai phải chịu trách nhiệm, ai bồi thường cho nông dân chúng tôi”, đơn các hộ dân ghi rõ.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều hộ dân ấp F2, tiền lúa nước nhà nước hỗ trợ cho nông dân nhiều năm qua họ không nhận được đầy đủ. Số tiền này, nông dân được chính quyền xã trả lời rằng, trừ một phần để làm tuyến đê bao Đòn Giông, bao quanh địa phận ấp F2. 

Chưa dừng lại, một số hộ nông dân ấp Kinh F2 còn cho biết, vụ lúa thu đông năm 2013, nhà nước có chủ trương mua lại đường dây điện của người dân. Đây là đường dây điện hạ thế mà hơn chục năm trước, người dân đã tự đóng góp để dẫn điện sử dụng.

Sau khi có chủ trương của nhà nước mua lại đường dây này, các ông Nguyễn Văn Mạnh và Phạm Đức Thông là cán bộ của xã và trưởng ấp đã không báo cáo lại với dân số tiền bán đường dây điện trên.

Tuyến đê bao kinh Đòn Giông vừa mới hoàn thành
Tuyến đê bao kinh Đòn Giông vừa mới hoàn thành

Chính quyền xã nói gì?

Sau khi đơn phản ánh của các hộ dân ông Vũ Văn Thắng, Nguyễn Hữu Đức, Hoàng Văn Phượng cùng ngụ ấp F2 được gửi đến các cấp chính quyền, đầu tháng 9 vừa qua, UBND xã đã tổ chức buổi làm việc với các hộ dân này để giải quyết các vấn đề trên. Ông Lê Văn Sĩ – Chủ tịch xã Thạnh An chủ trì buổi làm việc.

Trước những lời chất vấn của các hộ dân về số tiền bán lưới điện hiện nay ở đâu. Ông Phạm Đức Thông, trưởng ấp F2 cho rằng, cuối năm 2012, có thông báo nhận tiền điện đã mời ban ngành tổ tự quản ấp đến nhân số tiền là 227 triệu đồng.

Số tiền này sau được dùng để làm cổng rào ở ấp và các chi phí hết 12 triệu đồng. Số còn lại được dùng làm đê bao kinh F2 và G2 (đoạn tiếp giáp với thị trấn Núi Sập, An Giang).

Trả lời khiếu nại của dân vì sao lại buộc dân làm lúa vụ 3, ông Mạnh cho rằng đây là chủ trương của trên. Bà Úc phát biểu rằng ngày 18/11/2015 có tổ chức họp dân lấy ý kiến làm đê bao nhưng hộ các ông Thắng, Đức, Phượng không có mặt. Theo thông báo có ghi trên giấy mời nếu hộ dân nào vắng mặt thì coi như là đồng ý, thống nhất giờ bơm nước để làm lúa vụ 3. 

Phát biểu của bà Úc khiến 3 hộ dân này phản ứng và buộc phải đính chính lại cuối biên bản làm việc. “Buổi họp hôm đó, chúng tôi 3 hộ đều có mặt đầy đủ. Chúng tôi có người còn phát biểu trong buổi họp này. Chỉ là chúng tôi không đồng ý nên không ký vào biên bản. Làm sao bà phó chủ tịch coi như chúng tôi không có mặt được”, ông Thắng bức xúc nói.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Sĩ – Chủ tịch xã Thạnh An cho biết: Bản thân ông chỉ mới về nhận chức vài tháng nay nên chưa nắm hết công việc ở xã. Khi nhận được đơn phản ánh, khiếu nại của bà con ông Sĩ đã mời họp để có hướng giải quyết. 

“Số tiền bà con đóng góp để làm lưới điện nhiều năm trước vào khoảng 600 triệu. Nhưng khi bán lại đường dây  này chỉ được 227 triệu đồng. Tôi đã có chỉ đạo đề nghị trưởng ấp F2 là ông Thông cung cấp các hóa đơn chứng từ số tiền này để có trả lời với dân”, ông Sĩ nói.

Về vấn đề vận động người dân làm vụ 3, ông Sĩ cho rằng xã Thạnh An người dân còn khó khăn nên phải làm thêm vụ để cải thiện kinh tế. Về số tiền nhà nước hỗ trợ cho nông dân trồng lúa nước trong 3 năm bị trừ vào tiền đóng góp để làm tuyến đê bao Đòn Giông, ông Sĩ cho rằng, nhà nước có chủ trương hỗ trợ 60% còn lại 40% là do nhân dân đóng góp. 

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khẩn trương rà soát lại để có trả lời hợp lý với bà con”, ông Sĩ nói.

Đọc thêm