Chu Văn An - từ “vạn thế sư biểu” đến Thành hoàng làng “của con trẻ”

(PLVN) - Ở các làng xã nông thôn Việt Nam, Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành hoàng cũng giống như thờ cúng tổ tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.
Bức tranh vẽ danh sư Chu Văn An được thờ ở chùa Đức Viên.
Bức tranh vẽ danh sư Chu Văn An được thờ ở chùa Đức Viên.

Một số làng thờ những nhân vật lịch sử làm Thành hoàng làng mình là những vị anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc, như các vị: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật... Một số làng thờ vị có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng là Hứa Vĩnh Kiều, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái là Nguyễn Công Truyền, ở Quảng Bố là Nguyễn Công Nghệ…

Nói chung, hầu hết các làng đều thờ hai loại Thành hoàng, trong đó một vị là biểu tượng của sức mạnh tự nhiên, một vị là nhân vật lịch sử hoặc người có công với làng. Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ Thành hoàng của các làng Việt cổ là ở chỗ, dù thời cuộc có biến đổi như thế nào, dù làng có chuyển nơi cư trú bao nhiêu lần, dù chính sách tôn giáo của Nhà nước có chặt chẽ hay cởi mở, dù dân làng giàu sang hay nghèo túng... thì nhân vật được dân làng thờ làm Thành hoàng vẫn không thay đổi, mà tồn tại mãi mãi, suốt từ đời này đến đời khác.

Không nhiều người biết, ở Hà Nội có một nơi duy nhất trong nội thành thờ nhà giáo Chu Văn An như Thành hoàng làng. 

Niềm tự hào của truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của dân tộc Việt 

Danh sư Chu Văn An (1292 – 1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh, thụy Khang Tiết. Ông quê làng Quang Liệt sau đổi là Thanh Liệt huyện Long Đàm, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan của lớp lớp thế hế người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp tri thức. Trong dòng chảy văn hóa dân tộc tấm gương danh nhân Chu Văn An trở thành niềm tự hào cho truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Từ khi còn nhỏ Chu Văn An là người thông minh, hiếu học, học vấn tinh túy và uyên thâm. Ông là người không cầu danh lợi, bình dị thanh liêm, tiết tháo cương trực. Ông học giỏi, đỗ cao nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học, ông dựng nhà học lớn giữa đầm để dạy học trò, xa gần nghe tiếng đến học rất đông.

Trong số đó có nhiều người đỗ đạt cao giữ những chức trọng yếu trong triều như Lê Quát và Phạm Sư Mạnh làm đến chức Nhập nội hành khiển. Học trò của thầy Chu Văn An rất tin yêu và kính trọng, khi đến thăm thầy đều muốn được gặp thầy nghe lời dặn dò, khuyên nhủ, nếu học trò nào kiêu ngạo, sách nhiễu dân lành, hà hiếp dân chúng thì ông đuổi ra khỏi nhà không công nhận là học trò nữa.

Vì tài năng và đạo đức vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời Chu Văn An ra kinh thành Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám giúp vua rèn luyện nhân tài, dạy dỗ Hoàng thái tử Trần Vượng (sau này là vua Trần Hiến Tông).

Đến thời vua Trần Dụ Tông (1358 -1369), vua ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép, đất nước rơi vào cảnh rối ren, loạn lạc, bị gian thần lộng hành. Trước cảnh đất nước lâm nguy, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” khuyên vua chém bảy tên gian thần lộng hành. Vua không đủ can đảm nghe theo, Chu Văn An từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) không ra làm quan nữa.

Trong các sách chính sử viết về danh nhân Chu Văn An, mặc dù chưa nhiều nhưng đã toát lên, nhân cách, tài năng và khí phách của một con người quyền uy và danh vọng không hề khuất phục. Trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép vào năm Kỷ Dậu (1369) “Chu An đi rồi, không còn ai bảo vua lẽ phải nữa.

Đó thực là không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người vậy. Đến năm Canh Tuất (1370) Quốc Tử Giám Tư Nghiệp Chu An mất, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu… Văn Trinh không gặp vua (anh minh) nên chính học của ông, đời sau mới thấy được… Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.

Chùa Đức Viên trên đất làng cổ Phương Viên xưa.
 Chùa Đức Viên trên đất làng cổ Phương Viên xưa.

Cả cuộc đời của mình Chu Văn An cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Tại quê nhà ông mở trường Huỳnh Cung, ra kinh đô ông giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám trong gần 30 năm, về Chí Linh ông cũng gắn với việc dạy người, cứu người.

Lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên đã khẳng định Chu Văn An là “Vạn thế sư biểu - Người thầy tiêu biểu của muôn đời” của dân tộc Việt Nam. Nhân cách và tài năng của ông không chỉ là điển hình của thế hệ mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đối cộng đồng ở đương thời và hậu thế.

Trên đất nước Việt Nam có rất nhiều di tích thờ danh nhân Chu Văn An, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội vì ở đây có làng Thanh Đàm xưa được coi là quê ngoại, có kinh đô Thăng Long gắn liền với cuộc đời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám của ông. Năm 1370, sau khi Chu Văn An qua đời, ông được nhà Trần đưa vào tòng tự ở Văn Miếu. Trải qua hơn mấy trăm năm, biết bao biến động của lịch sử và thời cuộc ông vẫn là danh nhân được thờ trong Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. 

Tại huyện Thanh Trì, Hà Nội danh nhân Chu Văn An được thờ chủ yếu ở xã Thanh Liệt và xã Tam Hiệp. Xã Thanh Liệt có 2 di tích thờ Chu Văn An đền Chu Văn An và miếu Thổ Kỳ  thờ Chu Văn An và thân mẫu.

Xã Tam Hiệp cũng có 2 di tích thờ Chu Văn An là chùa Huỳnh Cung và đình Huỳnh Cung xây trên nền ngôi trường xưa kia mà thầy mở ra để dạy dỗ học trò. Bên cạnh huyện Thanh Trì ở Hà Nội còn có chùa Hương Viên nằm góc ngã tư giao nhau giữa phố Lò Đúc và phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng thờ Chu Văn An như vị Thành hoàng làng...

Vị Thành hoàng làng – nơi gửi gắm ước mơ học hành của bao đứa trẻ học trò

Lâu nay, nói đến phố Lò Đúc, là nhiều người nghĩ đến con phố nhỏ êm đềm có những hàng cây sao cao vút, tán lá giao nhau, là nơi trú ngụ lý tưởng của những đàn cò. Ở phố Lò Đúc còn có một di tích gắn liền với lịch sử phát triển của phố là chùa Tổ Ong (tên chữ là Linh Ứng Tự) thờ Nguyễn Minh Không, ông tổ nghề đúc đồng.

Cũng tại chùa Tổ Ong còn có tấm bia thời Tự Đức (1857) cỡ 1x1,7m, diềm bia trang trí hoa cúc, dây leo. Bia có tên “Ký sám hối gia tiên bi ký” (bia ghi việc gửi giỗ cho gia tiên) có 1.300 chữ Hán, khắc theo thể chữ chân, sắc nét và còn nguyên vẹn.

Tại sao đang nói về Chu Văn An lại nói về chùa Tổ Ong và tấm bia “Ký sám hối gia tiên bi ký” ở đây, bởi tấm bia đã cung cấp một số địa danh như phố Tràng An, phố Phương Viên (gọi theo tên làng cổ Phương Viên) mà nay khi làng trở thành phố đã không còn.

Làng cổ Phương Viên không còn, nhưng chùa Đức Viên (tên chữ là Hồng Đức Tự) vốn là một ngôi chùa của thôn Hương Viên (sau đổi thành Phương Viên rồi Đức Viên) thì vẫn còn. Thôn này vốn thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội; được thành lập từ đầu thế kỷ 19 dưới triều vua Minh Mệnh.

Chùa nằm trải rộng ở diện tích góc ngã tư giao nhau giữa phố Lò Đúc và phố Trần Xuân Soạn, nhưng cổng chùa hiện nay mở ra phía đầu phố Trần Xuân Soạn, gần ngay phố Lò Đúc. Các cụ già ở đây kể lại, xưa kia đối diện cổng chùa (tức đầu ngã ba phố Lê Ngọc Hân — Trần Xuân Soạn) xưa kia có ngôi đình làng Phương Viên, bên trong thờ Chu Văn An.

Đình này bị dỡ bỏ vào thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc, bài vị cùng nhiều đồ tế khí được nhân dân đưa sang chùa để tiếp tục thờ. Hiện nay, hệ thống tượng tròn trong chùa Đức Viên gồm trên 50 pho. Đáng chú ý là các bộ tượng Tam Thế Phật, A Di Đà Tam tôn, Tứ Thiên vương…. Tại tiền đường còn có một ban thờ danh thần Chu Văn An như Thành hoàng làng Phương Viên và nhà chùa còn lưu giữ được một bản thần phả sao chép sự tích về ngài. 

Người viết bài này là cư dân của khu phố Lò Đúc – Trần Xuân Soạn – Lê Ngọc Hân đã lâu và từ nhỏ đã quen nghe tiếng chuông chùa Đức Viên ngân nga, đã quen vào các ngày sóc, vọng hoặc trước kỳ thi được người lớn dẫn đến chùa thắp hương trên bàn thờ “Đức Thánh Chu” theo cách gọi của người dân trong phố, để xin thầy giáo Chu Văn An phù hộ cho sở học thông suốt, sáng láng.

Lớn lên chút nữa, có ý thức tìm tòi, đi hỏi người già rồi cả sư cụ trụ trì rằng vì sao danh sư Chu Văn An lại trở thành Thành hoàng làng của làng Phương Viên xưa, mỗi người lý giải một kiểu nhưng đều chung một ý rằng nơi đây là trang ấp mà ông được nhà vua ban cho làm nơi ở trong thời gian ông ra kinh đô giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám trong gần 30 năm. Tiếc rằng, bản thần phả sao chép sự tích mà chùa còn lưu giữ cũng không nói gì đến lý do vì sao ông được dân thờ như Thành hoàng làng…

Lịch sử vốn vậy, luôn chứa trong mình những bí mật, để ngàn đời sau hậu thế vẫn mãi đi tìm và ngưỡng vọng. Chỉ biết rằng người viết bài này cũng như rất nhiều lớp lớp trẻ con đã sinh ra và lớn lên trong đất làng Phương Viên xưa đều có chung một niềm tự hào rằng Thành hoàng làng mình là danh sư Chu Văn An, là “Vạn thế sư biểu – Người thầy tiêu biểu của muôn đời” của dân tộc Việt Nam.

Để mỗi khi đến chùa thắp hương lạy Phật, cúi đầu trước bàn thờ danh sư, ra về lại được cụ trù trì tặng cho cây bút “lộc của thầy giáo”. Có lẽ rằng đây cũng là một trong số ít ngôi chùa, nếu không nói là độc nhất ở nội thành Hà Nội chia lộc bằng bút thay cho cỗ oản đỏ. Để rồi cây bút đó đã theo bao đứa trẻ viết nên ước mơ học hành, đỗ đạt ở đời… 

Đọc thêm