Chuyện buồn ghi ở khu cách ly và sự hy sinh của lực lượng phòng chống đại dịch Covid- 19

(PLVN) - Trong suốt hơn 2 tháng qua, để có thể kiểm soát tốt nhất và bảo vệ tính mạng của người dân trước đại dịch Covid – 19, các đơn vị chức năng từ y tế, hải quan, quân đội… đã phải làm việc hơn 100% sức lực. 
Cảnh chen nhau tiếp tế tại khu cách ly ở KTX Đại học Quốc Gia TP HCM. Ảnh: TTXVN
Cảnh chen nhau tiếp tế tại khu cách ly ở KTX Đại học Quốc Gia TP HCM. Ảnh: TTXVN

Rất nhiều lời cảm ơn, khen ngợi đã được gửi tới họ, tuy nhiên, ở đâu đó vẫn tồn tại những câu chuyện về sự ích kỷ, vô ơn của chính người bị cách ly và gia đình họ khiến dư luận phẫn nộ.

“Chúng tôi đã làm gì sai?”

Đó chính là chia sẻ đầy chua xót của bác sĩ B.T tại Bệnh viện Đa khoa Quốc Oai (TP Hà Nội), khi chứng kiến cảnh bó hoa chúc mừng người F1 có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 bị vứt vào sọt rác một cách không thương tiếc. 

Toàn văn lời chia sẻ của bác sĩ B.T trên trang cá nhân như sau: “Cộng đồng mạng nghĩ sao? Chúng tôi thấy vui mừng khi người F1 (người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm virus corona – pv) đưa đến cách ly tại bệnh viện có kết quả xét nghiệm Covid – 19 âm tính, an toàn nhận Quyết định về với gia đình.

Lãnh đạo bệnh viện tặng hoa chúc mừng. Sau chưa đầy 1 phút chúng tôi đau lòng nhìn bó hoa lãnh đạo bệnh viện trao tặng nằm trọn trong thùng rác. Xin hỏi người cách ly an toàn sau 14 ngày này: Chúng tôi đã làm gì sai?".

Được biết, người cách ly có tên là V.Q.C, 27 tuổi, địa chỉ ở Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Sau 14 ngày cách ly thì anh này được ra viện. Các bác sĩ đã tặng anh một bó hoa để chúc mừng. Nhưng ngay sau khi thực hiện các thủ tục xong xuôi, anh này đã vứt bó hoa vào sọt rác. 

Chia sẻ với báo Thanh Niên, bác sĩ B.T cho biết, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một phần bệnh viện đã được trưng dụng làm khu vực cách ly theo dõi các trường hợp F1, đáp ứng cho khoảng 20 người.

Theo quy trình, trước khi vào cách ly, mọi người phải mang theo đầy đủ tư trang, đồ dùng cá nhân, nhưng nhiều người khi đến không có những thứ này. “Chúng tôi đã mua đầy đủ hết để cung cấp cho các bạn ấy. Từ khăn mặt, bàn chải đánh răng... cho đến xà phòng”, BS T. nói và cho biết mỗi khi người cách ly có kết quả âm tính với Covid-19, phía BV sẽ tặng hoa để chúc mừng và tiễn mọi người về nhà.

Hình ảnh bó hoa tươi gây bức xúc dư luận.
Hình ảnh bó hoa tươi gây bức xúc dư luận.

Tuy nhiên, sáng 22/3, sau khi đơn vị tặng hoa chúc mừng, tiễn 2 trường hợp về nhà vì hết thời hạn cách ly, thì một người đã vứt ngay bó hoa vừa nhận vào thùng rác trước khi ra về, khiến bản thân bác sĩ B.T và nhiều y, bác sĩ tại đây thấy rất buồn.

“Khi vừa nhận hoa chia tay, nam thanh niên đã vứt hoa vào thùng rác, trong khi các lãnh đạo chỉ đi trước bạn ấy vài bước chân. Có thể bạn ấy ngại ôm hoa hay vì lo lắng gì đó, nhưng hành động này rất phản cảm, khiến tôi rất buồn!

Tôi tự hỏi không biết tôi đã làm gì sai, đơn vị có lỗi gì với bạn ấy? Tôi có chia sẻ thông tin này lên mạng xã hội, chỉ mong bạn ấy có ý thức hơn, chỉ muốn mọi người cư xử với nhau tốt hơn, chứ không muốn câu like, bôi xấu bạn ấy”, BS T. chia sẻ.

Lý giải về việc tặng hoa và giải đáp dư luận liệu có lãng phí khi tặng hoa, BS T. cho biết, chỉ vì lực lượng chức năng vui mừng, hân hoan khi những người mình tận tình chăm sóc có kết quả âm tính sau thời hạn cách ly, được về với xã hội nên tự bỏ tiền của bệnh viện ra mua hoa để chúc mừng.

“Các bạn khác rất vui mừng, cảm ơn và chụp ảnh lưu niệm cùng đội ngũ y, bác sĩ rồi ôm hoa cùng người thân trở về nhà. Nhưng bạn nam kể trên lại có hành động ngược lại, khiến nhiều người rất buồn”, bác sĩ B.T nói.

Khi hình ảnh của bó hoa bị vứt bỏ tại bệnh viện Đa khoa Quốc Oai được chia sẻ, dư luận đã tỏ ra hết sức bất bình. Hầu hết mọi ý kiến đều lên án và chỉ trích hành động thể hiện sự vô tâm và vô ơn của người cách ly V.Q.C. 

Đã có những ý kiến cho rằng, đối với những bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân từng khai báo gian dối, thiếu trung thực khiến người khác bị lây bệnh cũng như chính quyền phải huy động một lực lượng lớn để xác minh, tìm kiếm người tiếp xúc gây tốn kém thì không được tặng hoa.

Thậm chí, hình ảnh những người đó nhận hoa sẽ gây phản cảm. Song cũng có người cho rằng, cần phải ghi nhận nỗ lực của chính người bệnh đã vượt qua được bệnh tật, cùng bác sĩ, điều dưỡng chiến thắng COVID-19.

Nhiều người còn cho rằng, những bó hoa mang ý nghĩa chúc mừng và cảm hơn đó phải được dành cho đội ngũ y tế tại các bệnh viện. Bởi rõ ràng, công lao và những nỗ lực đáng phải ghi nhận, biểu dương chính là các bác sĩ. Đó mới là những người hùng thực sự. Những lời cảm ơn chân thành của bệnh nhân và người thân của họ cũng chính là một liều thuốc động viên để các y bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Nhìn hình ảnh các nhân viên y tế, bác sỹ và quân nhân đắp trên người manh chiếu, tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm quá 100% sức lực, hay cảnh những quân nhân ăn vội ở góc đường thì đến gỗ đá chắc cũng phải động lòng.

Và không chỉ có họ, mà cả hệ thống cùng vào cuộc cũng chỉ mong muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho những bệnh nhân mắc Covid-19, những người về cách ly.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, đất nước không bỏ rơi một ai trong cuộc chiến chống dịch. Thủ tướng còn nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn dịch Covid-19.

“Quá tải” vì tiếp tế cho người thân trong khu cách ly

Những ngày qua khi số lượng đồng bào cư trú, học tập, làm việc từ nước ngoài trở về nước để tránh đại dịch Covid – 19 đã thực sự khiến lực lượng chống dịch tại Việt Nam quá tải. Nhiều khách sạn, ký túc xá sinh viên, trường quân đội… cũng được huy động để phục vụ người về cách ly ngày một đông. Tuy nhiên, công tác phòng dịch tại một số khu vực gặp phải khó khăn, khi có hàng trăm người hàng ngày mang đồ đến tiếp tế cho người thân đang được cách ly. 

Trong đó, điển hình tại khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Nơi đây được trưng dụng làm nơi cách ly cho người dân từ nước ngoài về. Từ sáng 22/3, hàng trăm người dân ở TP Hồ Chí Minh đã tập trung về khu cách này với lỉnh kỉnh đồ đạc như quạt điện, chậu rửa nhựa, mì tôm, thực phẩm, nước uống… để tiếp tế cho con em mình đang thực hiện cách ly tại đây.

Bữa cơm vội của các tình nguyện viên.
 Bữa cơm vội của các tình nguyện viên.

Do lượng người đến quá đông, cơ quan chức năng phải quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8h tới 10h sáng và 14h đến 16h mỗi ngày. Trả lời báo Tuổi Trẻ, Chị Nguyễn Ngọc Thúy Vân (38 tuổi) cho biết có người nhà từ Úc về và được đưa đi cách ly ngay, nên không mang theo đồ đạc nhiều. Lo người thân thiếu đồ dùng nên chị chạy từ tỉnh Bình Dương qua để gửi đồ vào. Hàng hóa chủ yếu là trái cây và đồ ăn vặt với ít quần áo. Trong khoảng 30 phút, có khoảng 5 đợt xe ra vào liên tục, nhưng lượng hàng vẫn còn khá nhiều.

Do lượng hàng hóa gửi vào quá lớn, cơ quan chức năng phải dùng các xe chuyên dụng để chở vào từng toà. Tình hình phát sinh này đã khiến một số dịch vụ ăn theo như bán nước uống, đóng gói hàng cho gọn ghẽ... cũng xuất hiện tại khu vực này. 

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tại TP HCM, tính đến 8h ngày 23/3, số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố là 7.267 người. Riêng khu cách ly tập trung của thành phố tại KTX ĐHQG TP HCM là 5.036 trường hợp.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Bá Bính, Trưởng bộ phận Văn hoá thông tin hỗ trợ sinh viên thuộc Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết từ ngày 20/3, khi có thông báo nhận đồ tiếp tế từ người thân cho người cách ly tại KTX, đã có khá đông người dân đổ về đây tiếp tế cho người thân của họ.

“Các điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất trong khu cách ly khá đầy đủ, không thiếu thốn nên người dân hãy yên tâm và khi tiếp tế, hạn chế tiếp tế đồ đạc cồng kềnh để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ.... Việc người dân lo lắng nên mang đồ đạc cá nhân đến tiếp tế cho người thân không bị hạn chế và lực lượng ở đây sẽ hỗ trợ bà con chuyển đồ vào cho người thân”, ông Bính cho biết. 

Việc mang thức ăn vào khu cách ly phải rất hạn chế, thức ăn khi được gửi đến khu vực cách ly phải được nhân viên y tế kiểm tra kỹ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng khu cách ly có giờ giấc và quy định cụ thể.

Lực lượng phục vụ tại sân bay Nội Bài ngả lưng nghỉ vội. (Ảnh: VTV)
Lực lượng phục vụ tại sân bay Nội Bài ngả lưng nghỉ vội. (Ảnh: VTV) 

Tuy nhiên, trước thực trạng này, đa số ý kiến đều cho rằng, việc nhiều người tụ tập tiếp tế đang làm khó khăn cho công tác quản lý, hỗ trợ người về cách ly tập trung; đồng thời là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, phải khẳng định lại lần nữa, con cái, người thân của họ luôn được phục vụ, chăm sóc chu đáo và không hề thiếu thứ gì trong các khu cách ly. 

Trước đó, dư luận cũng xôn xao vụ người cách ly Covid-19 yêu cầu được ăn hoa quả ngoại như nho Mỹ, táo New Zealand,. Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Thảo - Chủ tịch UBND quận 8, TP. HCM cho biết, đối với những trường hợp này, sau khi được giải thích, những hộ dân yêu cầu được ăn hoa quả ngoại đã hiểu và không còn yêu cầu như thế nữa.

“Quận chỉ cung cấp được nhu yếu phẩm, tối đa là 50.000 đồng/người/ngày, còn những ai yêu cầu ăn hoa quả ngoại thì họ phải đưa tiền nhờ mình mua hộ thì mới có. Còn ngân sách không chi ngoài số tiền đã quy định. Việc một số hộ yêu cầu được ăn hoa quả ngoại nằm ngoài khả năng của địa phương", ông Thảo nói.

Trước đó, ông Thảo cho biết, 140 hộ đang thực hiện cách ly dịch bệnh trên địa bàn đa phần đều hợp tác với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong số này có 4 hộ yêu cầu quận phải cung cấp táo New Zealand và nho Mỹ nhưng quận chỉ cung cấp được nhu yếu phẩm, tối đa là 50.000 đồng. Một số người nằm trong diện cách ly ở quận 8 là người Chăm nên cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc cung cấp suất ăn bởi họ có chế độ ăn và phong tục tập quán riêng.

Không chỉ trường hợp người cách ly Covid-19 yêu cầu được ăn hoa quả ngoại đang khiến dư luận chú ý mà mới đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện có 5 người thân của bệnh nhân thứ 35 mắc Covid-19 trốn khỏi cơ sở y tế.

Ông Đặng Văn Khánh, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu, Đà Nẵng), cho biết cơ quan chức năng đã đưa 5 người thân của chị N.T.T.N. (29 tuổi, nhân viên Điện máy Xanh ở Đà Nẵng) - bệnh nhân thứ 35 mắc Covid-19 vào lại Trung tâm y tế quận Hải Châu. Theo ông Khánh, cả 5 người này tiếp xúc gần với bệnh nhân N. nên thuộc diện phải cách ly tập trung theo quy định phòng dịch nhóm A của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, họ lấy lý do nhớ nhà nên 5 người này bỏ về. “Những người này bỏ trốn khỏi khu cách ly trưa 19/3. Nhận được thông tin, chúng tôi lập tức có mặt, cùng các đơn vị liên quan vận động đưa họ về lại khu cách ly vào chiều cùng ngày”, ông Khánh thông tin.

Rơi nước mắt chứng kiến những giấc ngủ nhanh, bữa cơm… vội!

Nhiều ngày qua, khi cả nước phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, hình ảnh các lực lượng chức nặng gồng mình chống “giặc” virus SARS-CoV-2 khiến người dân Việt Nam vừa cảm kích vừa xúc động. Gần đây, những hình ảnh được phóng viên của VTV ghi lại tại Cảng hàng không Nội Bài, nơi tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp với các hành khách từ quốc tế về Việt Nam, cho thấy những người trong bộ đồ bảo hộ chống dịch bệnh đang tranh thủ chút thời gian quý giá để chợp mắt, nghỉ ngơi.

Các nhân viên và những người thực hiện nhiệm vụ tại Cảng hàng không Nội Bài tranh thủ chút thời gian quý giá để ngả lưng nghỉ ngơi. Họ nằm nghỉ ngay dưới sàn nhà, trên chiếc ghế chờ, trên bờ hồ… 

Nhiều người cũng đã không cầm được nước mắt khi hình ảnh một nam tài xế mặc nguyên đồ bảo hộ, ngồi khép nép trong góc của hầm để xe ăn vội suất cơm hộp trước khi tiếp tục làm nhiệm vụ. Kèm theo bức ảnh là dòng trạng thái của người viết với nội dung: "Bữa cơm vội...N gay lúc này, ở nơi đây... Anh ấy là người điều chuyển xe chở người đi cách ly Covid-19 từ sân bay về các địa phương. Đôi khi, những người anh hùng chỉ là người thầm lặng mà cống hiến”.

Đó cũng là hình ảnh các nhân viên, đội tình nguyện dùng bữa trên hành lang, nằm ngủ ở sân sau KTX Đại học Quốc gia TP.HCM trong khoảng 10h tối ngày 19/3. Trước đó, từ chiều 19/3, Ban quản lý ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp các lực lượng tổ chức dọn dẹp để chuyển đổi các tòa nhà khu A mở rộng thành khu cách ly phòng dịch Covid-19 cho người dân về từ vùng dịch.

Trong 2 ngày 19 và 20, hàng trăm nhân viên ký túc xá, cán bộ giáo viên, sinh viên tại các trường đại học thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã tình nguyện tham gia dọn dẹp, thu xếp đồ đạc cho các sinh viên còn đang ở quê. Nhiều người bày tỏ sự trân trọng và cảm phục với tinh thần trách nhiệm, phục vụ hết mình của đội ngũ nhân viên y tế, dân quân, nhân viên tình nguyện tại đây.

Đó là những khó khăn, thiệt thòi, sự nỗ lực của những cán bộ của Cảng hàng không, Bộ tư lệnh quân khu Thủ đô, Công an cửa khẩu, Kiểm dịch y tế quốc tế, An ninh hàng không, là cán bộ, công nhân viên của các hãng hàng không và cả những nhân viên vệ sinh… đang trải qua. 

Họ tranh thủ ngả lưng, tranh thủ ngủ bởi những lực lượng này đã làm việc xuyên suốt tại đây thời gian qua. Có những người đã không trở về nhà gần 1 tháng nay để ở lại chống dịch, giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính tới sáng 24/3, Việt Nam hiện ghi nhận 123 ca nhiễm COVID-19. Hiện tại, Chính phủ, các cơ quan chức năng và người dân Việt Nam đều đang nỗ lực hết mình, cùng chung tay để phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng trước sự lây lan của dịch bệnh.

Đọc thêm