Chuyện cầu may trước khi thi của các sĩ tử xưa

(PLVN) - Hàng năm, để mong thi cử đỗ đạt, các sĩ tử và gia đình cùng nhau tìm đến những nơi thờ phụng Thánh Nho dâng hương, thành tâm vái lạy. 
Các sĩ tử xưa đi thi cầu may tại Văn Miếu
Các sĩ tử xưa đi thi cầu may tại Văn Miếu

Dù là xưa hay nay thì câu chuyện tâm linh, cầu may của các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng vẫn luôn tồn tại. Đó là một nét tín ngưỡng, văn hóa của nước ta, đã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, phong tục cầu may của các sĩ tử thời xưa trước các kỳ thi lớn đã có nhiều thay đổi so với thời nay.

Từ lòng tôn thờ các bậc Thánh Nho…

Từ xa xưa, những đền, miếu thờ phụng các bậc Thánh Nho như Khổng Tử, Chu Văn An, cùng các bậc tiền hiền Nho khác ở nước ta luôn là địa chỉ để các sĩ tử tìm đến thắp hương, dâng lễ bày tỏ lòng ngưỡng mộ. 

Ngay từ thời nhà Lý, Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, nơi mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại rằng: “Mùa thu tháng 8, dựng Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đây học”. Bởi sự linh thiêng, trang trọng mang tầm vóc quốc gia mà nhiều sĩ tử tìm đến đây để cầu xin vận may. 

Giống như ngày nay, trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử và phụ huynh xưa đều tìm đến đứng chật kín trước ban thờ đức Khổng Tử, Chu Văn An... để làm lễ, khấn vái, tỏ lòng thành kính, gửi gắm ước nguyện đăng khoa. Không chỉ đón lượng lớn phụ huynh và thí sinh nơi Kinh kỳ mà có cả những sĩ tử từ khắp các quận, huyện, xã lân cận vượt cả trăm cây số về đây cầu may. 

Sau khi làm lễ tại ban thờ của Khổng Tử cùng các vị Thánh hiền, sĩ tử sẽ ra chiêm bái hàng bia Tiến sĩ nơi Văn Miếu. Không giống như ngày nay, các sĩ tử xưa không có các hành động như sờ đầu rùa, mình hạc, sờ bia Tiến sĩ để cầu mong công thành danh toại. 

Các bia tiến sĩ có ghi đầy đủ thông tin về khoa thi, triều vua và triết lý về nền giáo dục đào tạo. Theo tài liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị và nét độc đáo của 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới có rất nhiều nước dựng bia, nhưng duy nhất bia Tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.

Điển hình như Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung thảo bài văn cho các bia đầu tiên, trong bài ký viết trên bia tiến sĩ đầu tiên, nói về khoa thi năm 1442 có đoạn viết: “…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.

Các sĩ tử xưa tìm tới hàng bia Tiến sĩ, đọc kỹ những dòng chữ trong nội dung văn bia với các lời nhắc nhở, khuyến khích, động viên. Họ chỉ đọc các tấm bia để cảm nhận, suy ngẫm ý nghĩa, thông điệp tinh thần mà người xưa gửi gắm, lấy đó làm động lực vươn lên noi theo gương các bậc tiền bối.

“Bia đá nguy nga, trường Giám sừng sững bảng đề, chính để nêu gương cho sĩ tử, làm trụ đá vững chắc cho nền danh giáo”, đoạn viết từ tấm bia Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1604) đã nêu bật được ý nghĩa lớn lao đó.  

… Đến tín ngưỡng cầu mộng

Ở kinh thành Thăng Long, ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn cũng là một điểm đến được nhiều sĩ tử xưa tới chiêm bái. Đền Ngọc Sơn là nơi thờ phụng thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử.

Từ thời xa xưa, người Trung Quốc cho rằng đây là vì sao tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân. Do đó, người ta tin rằng, sĩ tử có sao Văn Xương chiếu mệnh sẽ trở nên thông minh, hoạt bát, có học thức và có năng khiếu sắc bén về vấn đề văn chương mỹ thuật, âm nhạc cũng như các lĩnh vực khác. 

Dân gian Việt Nam thì tin rằng nếu ai được ông cầm bút chấm tên thì học hành sẽ công thành danh toại, đỗ đại cao. Chính bởi quan niệm này mà sau đến đời nhà Nguyễn, đại quan và cũng là nhà tri thức nức tiếng đất Thăng Long, Nguyễn Văn Siêu đã cho dựng “đài nghiên, tháp bút” trước cổng đền Ngọc Sơn làm phong phú hơn quan niệm dân gian nhuốm màu huyền bí này. 

Quang cảnh Trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh
 Quang cảnh Trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh

Bên cạnh đó, ngay trước cổng vào đền Ngọc Sơn, có hai bức tường một bên là bảng Long (rồng), một bên là bảng Hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành. Hai bên có hai câu đối: “Bát đảo, mặc ngân hồ thủy mãn/ Kình thiên, bút thế thạch phong cao”. Nghĩa là: “Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ/ Chạm bầu trời, thế bút ngất núi”. 

Không chỉ tới đền, miếu để gửi gắm ước vọng đỗ đạt, các sĩ tử thời xưa trước khi thi thường đến những nơi kể trên để cầu mộng. Cầu mộng được hiểu là việc một người trước khi ngủ muốn mơ thấy một giấc mơ để biết trước về điều gì đó mà họ đang dự định thực hiện. Việc cầu mộng được chia làm hai trường hợp, một là sĩ tử muốn gặp được giấc mộng lành gọi là “kỳ” (Kỳ mộng), còn không muốn thấy điềm ác, điềm gở thì gọi là “nhượng” (Nhượng mộng).

Các sĩ tử xưa cầu mộng bằng cách tới đền, miếu được cho là linh thiêng trong vùng lễ bái trước khi đi ngủ và luôn suy nghĩ, liên tưởng, chú tâm cầu khấn thần thánh báo cho mình gặp được mộng lành, tránh gặp mộng dữ. 

Việc cầu mộng không chỉ là một tín ngưỡng dân gian đơn thuần mà chúng đã xuất hiện trong các giai thoại về những vị Tiến sĩ Nho học đất Việt khi xưa. Điển hình như việc Nguyễn Khắc Tuy (đỗ Tiến sĩ khoa Qúy Mùi - 1553) cầu mộng ở chùa Yên Tử (nay thuộc Quảng Ninh); Nguyễn Minh Triết (đỗ Thám hoa khoa Tân Mùi - 1631) cầu mộng ở chùa Hương Hải (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương); Nguyễn Duy Thì (đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất - 1598) cầu mộng ở am Xuân Lôi (nay thuộc Yên Phong, Vĩnh Phúc)... Tại thành Thăng Long, nhiều sĩ tử cùng nhau tới đền Trấn Vũ để ngủ, mong gặp mộng lành. 

… Và thực đơn dưỡng thể của các sĩ tử 

Để các sĩ tử đạt được kết quả cao nhất trong các kỳ thi, người xưa không chỉ quan tâm, ngồi chờ các bậc thánh thần soi xét mà ngay bản thân họ đã có ý thức về việc trau dồi kiến thức, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt.

Theo quan niệm dân gian, một số đồ ăn bổ dưỡng, giữ được thể trạng, tinh thần tốt và mang nhiều yếu tố tâm linh cầu may sẽ là thức ăn làm từ đỗ, đậu, ngô, hạt sen. Các loại hoa quả như táo, quýt… tốt cho thể trạng cũng được ưu tiên lựa chọn.

Văn Miếu là nơi sĩ tử xưa tìm tới để cầu may trước các cuộc thi quan trọng
 Văn Miếu là nơi sĩ tử xưa tìm tới để cầu may trước các cuộc thi quan trọng

Đặc biệt, món cá chép thường được nhiều gia đình sĩ tử có điều kiện lựa chọn bởi họ tin tưởng rằng cá chép sẽ có thể vượt vũ môn hóa rồng, biểu tượng cho sự thành đạt. Đồng thời, các sĩ tử xưa cũng được cho ăn những món vận dụng theo thuyết âm dương ngũ hành, theo mệnh của từng người mà sẽ được ăn các món phù hợp để thông minh, sáng suốt như đậu phụ, đầu cá, cháo tim gan lợn, thịt chó, rong biển, uống nước đậu, mật ong…

Theo mô hình học tập và thi cử của phương Bắc khi xưa thì việc các sĩ tử được cho ăn các món ăn cầu kỳ, riêng biệt để đạt được kết quả cao trong kỳ thi không phải là điều hiếm gặp. Một trong những món ăn nổi tiếng vào đời Đường (618 – 907), Trung Quốc thường được các sĩ tử sử dụng là “viên xương bổ ích trí”.

Món ăn này gồm các vị: xương bồ, viễn chí, ngưu tất, cát cánh, nhân sâm, bách phục linh, chế phụ tử, nhục quế. Người ta đem các vị đó tán nhỏ, trộn với mật ong rồi vo thành viên tròn, ngày uống 2 lần có tác dụng ôn thận, tráng dương, khai tâm, tăng trí nhớ giúp học và làm bài thi rất tốt.

Ngoài ra, các sĩ tử xưa còn ăn nhiều một món gọi là hồ đào. Đây là món ăn vị thuốc có tác dụng ích trí, cường trí giúp minh mẫn, sáng suốt, khi học và thi không thấy mệt mỏi mà tinh thần minh mẫn, tỉnh táo.

Sử ký của Việt Nam không ghi lại cụ thể, chi tiết việc các sĩ tử ăn uống như thế nào trước mỗi kỳ thi. Tuy nhiên, dưới các triều đại phong kiến mô hình học tập, thi cử của nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ phương Bắc thì việc lựa chọn các món ăn tốt cho sức khỏe giống như họ cũng không có gì lấy làm lạ. 

Bên cạnh đó, các sĩ tử khi đi thi để tạo tâm lý tự tin, an tâm, họ đều tùy điều kiện khác nhau để mang theo bên mình những vật dụng có ý nghĩa may mắn như bùa chú, bùa hộ mệnh hoặc các đồ vật, áo mũ có màu sắc hợp với bản mệnh của người đó. 

Đặc biệt, người ta mang những vật biểu tượng cho sự thông minh, học hành thi cử hanh thông như: Bút Văn Xương, thẻ khắc hình vịt bơi dưới lá sen, ngọc hình con ve sầu hoặc thêu hình ve vào áo mũ…

Đọc thêm