Chuyến du hành về làng quê Việt trên trang sách

(PLVN) - Cuốn sách  “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” đã được hai tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski giới thiệu đến độc giả trong buổi tọa đàm tại Trung tâm văn hoá Pháp. Không chỉ nói về sách, tại tọa đàm, những vấn đề xoay quanh khái niệm làng xã Việt Nam được nhiều người quan tâm cũng được đưa ra bàn luận.
Chuyến du hành về làng quê Việt trên trang sách
Các diễn giả đã có những chia sẻ thú vị tại buổi toạ đàm
Các diễn giả đã có những chia sẻ thú vị tại buổi toạ đàm 

Nguyễn Tùng và và Nelly Krowolski từng làm việc lâu năm trong ngành nhân học ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Cuốn sách “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” là kết quả mà hai tác giả đạt được thông qua 2 chương trình hợp tác nghiên cứu Pháp – Việt vào những năm 1990. Trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Tùng đã sửa chữa, bổ sung, tập hợp các bài viết hữu ích cho độc giả quan tâm đến làng xã người Việt để độc giả có thể nghiên cứu kỹ hơn về lĩnh vực này.

Tại buổi toạ đàm, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã giới thiệu về nội dung các phần của cuốn sách: phần thứ nhất là Làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Hà Nội); phần thứ hai là Ba làng Tả Thanh Oai, Mộ Trạch và Đông Ngọc; phần thứ ba là về Chợ làng ở châu thổ sông Hồng.

“Nguyễn Tùng và và Nelly Krowolski đã biết vận dụng những lý thuyết hiện đại vào nghiên cứu làng xã Việt Nam. Khác với nhiều tác phẩm mà tôi đã từng đọc, cuốn sách này rất nhẹ nhàng, cấu trúc đơn giản như một chuyến thăm quan vào từng ngõ làng, từ không gian làng mở rộng ra xóm ngõ, tổ chức xã hội, hoạt động kinh tế như thế nào… Đây là một cuốn sách nên đọc để hiểu về làng xã nông thôn Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Văn Khánh nhận xét.

Buổi toạ đàm thu hút nhiều chuyên gia nghiên cứu và cả các bạn trẻ yêu thích văn hoá làng xã

Buổi toạ đàm thu hút nhiều chuyên gia nghiên cứu và cả các bạn trẻ yêu thích văn hoá làng xã

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thì nghiên cứu về làng xã đã có một quá trình lịch sử lâu dài, luôn dành được sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Ông cho rằng: “Trong quá trình nghiên cứu làng xã Việt Nam, cuốn sách “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” có thể coi là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu quá trình nghiên cứu từ xưa đến nay. Nó một phần có sự tiếp nối, nâng cao cuốn sách “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” của GS Trần Từ”.

Tại tọa đàm, từ nội dung cuốn sách “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng”, các diễn giả đã mở rộng ra vấn đề về làng xã Việt Nam. Một số định nghĩa trong sách về làng, xã, thôn; vấn đề tự trị làng mạc; không gian hôn nhân; nội hôn ở cấp độ làng… đã được bàn luận sôi nổi.

Độc giả tham gia toạ đàm thảo luận sôi nổi về các vấn đề làng xã
Độc giả tham gia toạ đàm thảo luận sôi nổi về các vấn đề làng xã 

Trước cuốn sách “làng mạc ở châu thổ sông Hồng”, Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski đã có nhiều bài nghiên cứu được đăng ở một số tạp chí khoa học của Pháp cũng như Việt Nam như “Xung quanh cơm, bữa ăn nơi vài cộng đồng ở Đông Nam Á” (Nelly Krowolski chủ biên), “Mông Phụ, một làng ở châu thổ sông Hồng” (Nguyễn Tùng chủ biên), “Từ Đông sang Tây”(Nguyễn Tùng đồng chủ biên). Sau khi về hưu, Nguyễn Tùng đã dịch một số cuốn sách do NXB Tri Thức xuất bản như “Luận về biếu tặng” của Marcel Mauss, “Xã hội diễn cảnh” của Guy Debord…

Đọc thêm