Chuyện ít biết về Đền An Sinh thờ các vị Hoàng đế nhà Trần

(PLO) - Nằm trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều có một ngôi đền được coi là một trong số những công trình tín ngưỡng linh thiêng ở Quảng Ninh - đó là đền An Sinh, nơi thờ các vị hoàng đế nhà Trần...  Đền An Sinh là Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Lễ hội đền An Sinh
Lễ hội đền An Sinh

Độc đáo ngôi đền hơn 600 tuổi

Đền An Sinh (xưa kia còn gọi là điện An Sinh) toạ lạc trên một đồi đất thoai thoải giữa vùng địa linh ở thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Đền được xây dựng vào thời Trần năm 1381, ban đầu là nơi thờ ngũ vị Hoàng đế nhà Trần: Anh Tông hoàng đế, Minh Tông Hoàng đế, Dụ Tông Hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế và Khâm Minh Thánh Vũ Hiển Đạo An Sinh Hoàng đế. 

Đến thời Lê, Nguyễn, đền An Sinh thờ An Sinh vương Trần Liễu và 8 vị tiên đế triều Trần. Dân xã An Sinh được coi là “dân hộ nhi” được triều đình miễn trừ mọi khoản thuế, phu dịch để phụng sự các: chùa, lăng tẩm, điện, đền, miếu nhà Trần tại Đông Triều.

Cùng với việc thờ ngũ vị hoàng đế thì tại đền An Sinh còn có miếu thờ Công chúa Linh Xuân của nước Ai Lao. Công chúa là người tài đức vẹn toàn nên đã được triều đình nhà Trần và nhân dân lập miếu thờ. Bia Thừa lập hậu thần bi ký dựng năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767 có ghi nội dung trùng tu đền An Sinh và miếu Công chúa Ai Lao - Linh Xuân. Hệ thống văn bia này hiện vẫn còn được lưu giữ tại đền An Sinh.

Các bia mộ cổ tại đền An Sinh
Các bia mộ cổ tại đền An Sinh

Theo Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ, năm Bảo Đại thứ 17 (1944) thì quy chế đền An Sinh được chia làm “ba toà với ba cấp nền khác nhau. Vào thời Nguyễn, đền được xây dựng lại với kiến trúc gồm ba toà nhà rộng 5 gian theo kiểu chữ “Tam”.

Phía trong toà chính đền, hậu cung là nơi đặt tượng thờ tám vị vua Trần, toà trung cung đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo; tiền đường đặt bát hương công đồng và một số đồ tế khí...

Hai bên có các dãy nhà khách và dãy nhà cho người coi đền ở. Ngoài ra, bên cạnh đền có hai miếu nhỏ, một thờ Bà Hoàng và một thờ Đức Thánh Khổng Tử. Chung quanh có thành bao bọc rộng. Phía trước cửa có bia nhỏ đề “Hạ mã” và “Tiêu diệc”.

Trải qua thời gian, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Giai đoạn năm 1997-2000, đền được khởi công xây dựng lại trên mặt bằng của nền cũ. Đền mới có kiến trúc hình chữ “công”, ngoài ra còn có các công trình: Cổng chính điện, tả - hữu vu, nhà bia công đức, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác.

Những năm trước, đền An Sinh đã tiến hành khai quật khảo cổ và đã phát hiện hàng loạt dấu vết thời kiến trúc thời Trần cùng vật liệu kiến trúc và đồ ngự dụng đương thời đã cho thấy phần nào quy mô, cấu trúc, đặc trưng của các công trình kiến trúc bằng gỗ phân bố trong phạm vi có diện tích gần 13 nghìn m2.

Cuộc khai quật trên quy mô lớn đã thu được số lượng lớn mảnh gạch ngói và gốm sứ gia dụng thời Trần, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đặc biệt, đã khai quật một số di vật như gạch chữ nhật, gạch vuông lát nền, ngói mũi hài. Đặc biệt là tượng phượng bằng đồng. Đây là di vật tượng phượng bằng kim loại lần đầu tiên được phát hiện.

Thời Lý- Trần, hình tượng chim phượng và đầu chim phượng là một trong những trang trí đất nung, đá, gỗ… tương đối phổ biến. Trong các di tích thời Lý- Trần đều phát hiện ít nhiều dấu tích các đầu phượng lớn bằng đất nung hoặc hình tượng lá đề đều có hình chim phượng nhưng phát hiện toàn bộ hình chim phượng bằng đồng thì đây là lần đầu tiên.

Sự linh thiêng và lễ hội đặc sắc

Ông Nguyễn Văn Lợi - thủ từ đền An Sinh kể về những chuyện linh thiêng và những biến cố của một số gia đình khi dám mạo phạm tới đền thiêng. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, trong giai đoạn 1958-1975, khu vực đền An Sinh trở thành Trường học của học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập và sau này Trường Sư phạm Quảng Ninh tiếp quản. Hồi xưa, trước cổng đền là gò cao với  những bia đá cổ thờ các vị hiền nhân và dãy cây cổ thụ rêu phong. 

Ông Nguyễn Văn Lợi- thủ từ đền An Sinh
Ông Nguyễn Văn Lợi- thủ từ đền An Sinh

Những năm 80 thập kỷ trước, một ông hiệu trưởng của học sinh miền Nam đã hô hào các học sinh cầm cuốc xẻng san phẳng gò cao ấy để nhà trường làm vườn trồng cây cảnh. Ông hiệu trưởng đó đã phá đập hết những bia đá xanh cổ và chặt cây cổ thụ đi. Những mảnh đá xanh ở những tấm bia cổ bị vứt vương vãi khắp nơi.

Anh T. - người làng đã lấy những mảnh đá đó để nung làm vôi. Làm được thời gian ngắn thì hai vợ chồng xảy ra lục đục dẫn tới ly hôn. Anh T. bỗng bị tai biến làm liệt giường. Có một số người dân đã lấy bia đá bị phá sứt mẻ tận dụng về làm bậc thềm cầu ra ao. Những gia đình đó cũng bị tai ương. Sau đó, họ phải rước những tấm bia đá cổ trả lại đền và cúi xin tạ lỗi.

Còn một người đàn ông trong làng (họ hàng với ông Lợi) đã lấy rễ cây xà cừ ở đền An Sinh về làm vật kéo trâu đi cày. Không hiểu sao, sau đó, đôi chân của người đàn ông đó bị sưng to khó đi lại được, phải lê lết, chịu đau đớn suốt 9 tháng trời.

Nằm ngẫm nghĩ, người đàn ông đó chợt nhớ tới việc mình đã mạo phạm đền An Sinh. Anh bảo vợ lẳng lặng sắm ít lễ lên đền An Sinh cúi đầu tạ lỗi. Vừa thuốc thang vừa tâm linh, người chồng sau đó đã khỏi bệnh.

Theo ông thủ từ đền An Sinh, có thể những biến cố các gia đình ấy là do sự trùng hợp ngẫu nhiên có thể do trót mạo phạm đền thiêng. Nhưng qua những biến cố đó, người dân trong làng và các vùng lân cận từ đó không ai dám mạo phạm tới đền An Sinh linh thiêng nữa. Họ cùng nhau gìn giữ, tu bổ đền ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Ngoài ra, để góp phần quảng bá các giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của quần thể các di tích lăng tẩm, đền miếu, chùa tháp của nhà Trần ở Đông Triều, được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, UBND thị xã Đông Triều đã xây dựng phòng trưng bày “Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều” tại di tích đền An Sinh. Tại đây giới thiệu: Di sản kiến trúc thời Trần và đời sống văn hóa thời Trần.

Cứ mỗi dịp Lễ hội đền An Sinh tổ chức, hàng vạn khách thập phương lại nô nức trẩy hội. Lễ hội được lấy ngày khánh thành đền, ngày 20/8 âm lịch, cũng là ngày giỗ của Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Du khách về thăm đền An Sinh
Du khách về thăm đền An Sinh

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, trong lễ hội có phần lễ, gồm tế lễ, dâng hương tưởng niệm các vị vua Trần tại đền và các lăng của vua Trần; phần hội gồm các mục diễn xướng văn hoá, văn nghệ kèm theo đó là các trò chơi dân gian v.v...

Lễ hội đền An Sinh là sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hoá vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức và trở thành nơi mọi người cùng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc; tưởng nhớ công ơn các vị hoàng đế và các vị hiền tài thời Trần; cầu mong những điều tốt lành, góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo, tâm nguyện của đồng bào từ mọi miền đất nước.

Du khách về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng bồi đắp tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của cha ông trao truyền lại và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.

Lễ hội truyền thống đền An Sinh đã làm giàu thêm truyền thống văn hóa của nước Việt ta tự ngàn xưa đến nay và sẽ được lưu truyền đến đời sau. 

Đọc thêm