Còn nhiều khoảng trống trong chính sách pháp luật về phụ nữ

(PLO) - Còn nhiều khoảng trống trong chính sách pháp luật về phụ nữ đó là vấn đề được Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp chỉ ra trong hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với công tác phụ nữ trong giai đoạn hiện nay và giải pháp” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức mới đây…
Cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

“Dài cổ” chờ giảm thuế

Theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật một số chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã được ban hành những trên thực tế không phát huy hiệu quả. Đơn cử như việc pháp luật có quy định “các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật” (điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Bình đẳng giới) là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế nhưng trong thực tiễn, hầu hết các DN sử dụng nhiều lao động nữ không được hưởng lợi.

Nguyên nhân là do các quy trình, thủ tục để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ. Vì vậy, DN thường không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này. Trong khi, chính sách hỗ trợ và bảo vệ người sử dụng lao động nữ còn thiếu và chưa cụ thể thì các chính sách hiện hành bảo về lao động nữ lại tương đối đầy đủ, do đó chưa khuyến khích được DN sử dụng lao động nữ.

Thực tế đã chứng minh nhận định của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp là hoàn toàn chính xác. Cụ thể, theo bà Nguyễn Thu Hà - Hội Nữ doanh nhân Hà Nội, hiện nay nhiều DN phản ánh chưa được hỗ trợ vì chưa có hướng dẫn, thủ tục phức tạp, phải đi xin mất rất nhiều thời gian, công sức. “Pháp luật có nhiều chính sách ưu đãi dành cho DN có nhiều lao động nữ như giảm thuế thu nhập DN, không tính thuế khi chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ…

Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi này, DN phải làm rất nhiều giấy tờ xác nhận và thời gian thực hiện rất lâu, trong khi đó, số tiền được giảm thuế không bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ”, bà Hà trả lời báo chí. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia tư vấn về giới và tiêu chuẩn lao động cũng nhận định: “Các quy trình thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với DN khá phức tạp. Vì vậy, các DN thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với các chính sách ưu đãi này”.

Nhiều chiều các phương án chính sách

Trong khi chính sách hỗ trợ và bảo vệ người sử dụng lao động nữ còn bất cập thì các chính sách hiện hành bảo vệ lao động nữ lại khá nhiều. Điều này đang tạo ra gánh nặng không hề nhỏ cho các DN có nhiều lao động nữ và không hề khuyến khích được DN sử dụng lao động nữ. 

Đơn cử, theo Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ thì người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ có con nhỏ để họ vừa có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản trở lại nơi làm việc phù hợp với khả năng của người sử dụng lao động và nhu cầu của lao động nữ...

Ý kiến về những quy định trong Nghị định này, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Văn phòng Giới sử dụng Lao động - VCCI cho biết, việc bắt buộc xây dựng nhà tắm tại tất cả các DN là chưa thật phù hợp, cần phải làm rõ việc xây dựng nhà tắm thực sự cần thiết cho một số nhóm DN trong lĩnh vực cụ thể nào. Rất nhiều DN sản xuất công nghiệp nhẹ có xây dựng nhà tắm với trang thiết bị hiện đại nhưng “bỏ hoang” vì công nhân không có nhu cầu dùng tới. Việc xây dựng nhà tắm ở tất cả các DN có thể sẽ gây lãng phí cho DN.

Về quy định về thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng trở lên vắt, lưu trữ sữa mẹ tại nơi làm việc… , đại diện của VCCI cho rằng điều này khó thực hiện và sắp xếp công việc cho các DN sử dụng đa phần lao động là nữ. 

Thống kê mới nhất của Ban nữ công – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tại các DN số lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi dưỡng sức rất ít và không chỉ ít thực hiện quy định này mà đây còn là lý do khiến DN thêm e ngại với lao động nữ.

Chính vì thế, theo đề xuất của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp,  bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần phân tích kỹ nhiều chiều các phương án chính sách để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới.

Đọc thêm