Công nghệ mới giúp nhiệt điện “thân thiện” với môi trường

(PLO) - Ngành điện phải tăng trưởng trên 7%/năm mới đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi thủy điện đã khai thác gần như tối đa, nhiệt điện khí chi phí đắt đỏ, thì nhiệt điện than, với chi phí giá rẻ được chú trọng phát triển hơn cả. Thế nhưng, đi đôi với phát triển nhiệt điện than là “bài toán” về bảo vệ môi trường.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh)
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh)

Điện than là lựa chọn tối ưu

Mới đây tại tại Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” được tổ chức tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng cho biết, những năm qua ngành Điện đang có bước phát triển ấn tượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng cao từ 10-13%. 

Hiện nay, quy mô ngành Điện Việt Nam khá lớn, đứng thứ 31 thế giới và thứ 2 khu vực ASEAN; công suất hệ thống đạt 40.000MW, sản lượng điện sản xuất năm 2015 đạt 162 tỷ kWh.

Theo tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng điện cho giai  đoạn 2016 - 2020; 2021 - 2025; 2025 - 2030 tương ứng là 10,6; 8,5; 7,5%. Công suất cực đại của hệ thống cho các năm 2020, 2025 và 2030 tương ứng là 4.200MW; 63.500MW; 90.500MW. Để đảm bảo nhu cầu tăng trưởng trên, quy hoạch điện VII đặt mục  tiêu đến năm 2020 đạt trên 63.000MW; 2025 đạt trên 87.000MW; 2030 đạt 120.000MW. Cũng theo quy hoạch này, năm 2020 nhiệt điện than đạt 26.000MW; năm 2025 là 47.600MW; năm 2030 là 55.300MW.

Hiện nay, trong số gần 40.000 MW tổng công suất nguồn thì nhiệt điện  than chiếm gần 33%, nhiệt điện khí chiếm khoảng 19%, thủy điện chiếm trên 40%, còn lại là các dạng năng lượng khác. Trong đó, điện sản xuất và cung cấp cho nền kinh tế, nhiệt điện than chiếm khoảng 30%, nhiệt điện khí là 29%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong vòng 4 năm tới, Việt Nam cần phải có thêm trên 23.000 MW nguồn điện. Đây là nhiệm vụ khó khăn và thách thức trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, các nguồn điện khác chưa có điều kiện phát triển. Từ thực tế này, phát triển nhiệt điện than là lựa chọn tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo Thứ trưởng, phát triển nhiệt điện than cũng là xu thế chung của nhiều quốc gia trong khu vực và ở những nước đang phát triển trong 10-15 năm tới. 

Tại sao nhiệt điện than có thể gây ô nhiễm môi trường mà vẫn được ưu tiên phát triển? TS.Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, nhiệt điện than đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia,cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý; vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống. Đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. 

Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo chỉ có thể được coi là nguồn bổ  trợ mà không thể thay thế nguồn nhiệt điện than được bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20 - 30%); chi phí đầu tư lớn hơn. Phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời điểm nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu. Khó khăn phức tạp trong việc đấu nối vào lưới điện, sử dụng quỹ đất rất lớn.

Công nghệ tiên tiến là “chìa khóa vàng”

Điện than đang được ưu tiên phát triển, thế nhưng thời gian qua, dư  luận cũng như trên diễn đàn Quốc hội nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện than. Thực tế, tại một số địa phương, có một số nhà máy từng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh và môi trường sinh thái. Theo nhiều nhà khoa học, “chìa khóa vàng” để giải quyết bài toán phát triển nhiệt điện than nhưng vẫn đảm bảo môi trường là phải sử dụng công nghệ tiên tiến.

PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, nhiệt điện than phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém; chiếm nhiều diện tích xây dựng bãi chứa tro xỉ. Nhu cầu nước làm mát rất lớn, khoảng 80m3/sec cho 1 nhà máy điện có công suất 1.200MW.

Về giải pháp xử lý tro xỉ cho các nhà máy điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đỗ Mộng Hùng, Trưởng ban An toàn EVN chia sẻ, phương pháp thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt và là một giải pháp thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới hiện nay, bởi nó tiết kiệm nước ngọt cho quá trình vận hành hệ thống thải, lưu giữ tại bãi xỉ. 

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, hiện nay chỉ còn 3 nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ là nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình và Phả Lại. Tuy nhiên, các nhà máy này đều đã lắp đặt hệ thống khử bụi tĩnh điện, đang có kế hoạch đầu tư khử lưu huỳnh. Các nhà máy nhiệt điện lớn được đầu tư sau này như Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2... đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới nên không tác động nhiều đến môi trường, có thể yên tâm được.

Cũng theo vị này, nên sử dụng công nghệ SC, USC (thông số hơi trên và  trên siêu tới hạn) cho các dự án mới; cải tiến, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường ESP, FGD. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành… để khai tốt các giá trị kinh tế của loại hình phát điện này.

Điện than - xu thế chung của nhiều nước trong 1 thập kỷ tới

“Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng, trong vòng 4 năm tới, Việt Nam cần phải có thêm trên 23.000 MW nguồn điện. Đây là nhiệm vụ khó khăn và thách thức trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, các nguồn điện khác chưa có điều kiện phát triển. Từ thực tế này, phát triển nhiệt điện than là lựa chọn tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo vị thứ trưởng, phát triển nhiệt điện than cũng là xu thế chung của nhiều quốc gia trong khu vực và ở những nước đang phát triển trong 10-15 năm tới.”

Đọc thêm