Đàn trâu “phong thủy” ở Sala Garden

(PLVN) - Đàn trâu 5 con như một từ bộ sừng cong vút đều tăm tắp đối xứng, bộ móng guốc không tì vết, tương đồng hình dáng, kích thước, cổ cùng có một vết trắng, có “nhiệm vụ” vô cùng quan trọng: Phong thủy.
Một góc Sala Garden.
Một góc Sala Garden.

Đàn trâu “trấn yểm” vị trí đặc biệt 

Đàn trâu đặc biệt này nhiều năm nay được chăm sóc tại nghĩa trang sinh thái Sala Garden (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Cứ vào những dịp cuối năm, khi các gia đình đi thăm viếng tảo mộ, đàn trâu lại thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người.

Đại diện Ban Quản lý nghĩa trang (BQL) cho biết, ý tưởng đàn trâu đóng vai trò “phong thủy” đã có từ trước khi hình thành Sala Garden. Con trâu gắn liền với nền văn hóa lúa nước lịch sử nhiều ngàn năm Việt Nam. Trong văn hóa phương Tây, con trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Trong văn hóa phương Đông, trâu biểu tượng cho sự thịnh vượng, bền vững. 

Dân gian còn coi trâu là con vật “phong thủy”, vì bản tính loài vật này bất kể ngày đêm, rảnh rỗi lại lách cách mài sừng nhọn hoắt cho “vũ khí” luôn trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”. Sừng trâu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là vật may. Với một số dân tộc, sừng trâu là vật không thể thiếu trong mỗi nhà, luôn được trưng bày nơi trang trọng nhất.

Chính vì thế, ngay từ khi xây Sala Garden, lúc các hạng mục còn dang dở, BQL đã dựng chuồng, chọn trâu. Ông Trần Đăng Thiện (64 tuổi, ngụ xã Tân Hiệp), người chịu trách nhiệm chăm sóc đàn trâu, kể lại: “Hồi tháng 7/2017, khi Sala Garden còn ngổn ngang, BQL đã xây chuồng trâu, cho người đi khắp nơi kỳ công chọn lựa hàng ngàn con, mới tìm ra được 5 con trâu đực ưng ý. Phải chọn đủ số 5, tượng trưng ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tương sinh tương khắc là biểu tượng thiên địa vạn vật”.  

Nhìn đàn trâu “phong thủy” ở Sala Garden, từ người nông dân cả đời gắn bó trâu bò tới các chuyên gia chăn nuôi đều cùng “phục lăn” sự kiên nhẫn tỉ mỉ kỳ công của những người lựa chọn. Năm con trâu như một, từ bộ sừng cong vút đều tăm tắp đối xứng nhọn hoắt; bộ lông đen tuyền dài mượt; bốn chân lực lưỡng; bộ móng guốc không tì vết. Đàn trâu đồng đều kích cỡ chiều cao, cổ cùng có vệt trắng vầng trăng khuyết...

Nằm một góc Sala Garden, yên bình dưới những hàng tre trúc xanh rì xạc xào cành lá, “ngôi nhà” cho 5 “ông trâu” được làm khá công phu, nền tôn cao, rộng cỡ hơn 70m2, mái lợp lá dừa nước, toát lên vẻ đặc trưng chuồng trâu làng quê Việt Nam. Khung chuồng làm bằng inox để đảm bảo độ bền, nền chuồng tráng xi măng.

Chuồng trâu nằm ở vị trí “cốt tử” của Sala Garden.
Chuồng trâu nằm ở vị trí “cốt tử” của Sala Garden.

Vị trí đặt chuồng trâu cũng là điểm “cốt tử” của Sala Garden. Nghĩa trang này rộng hơn 50ha, có địa thế “trời sinh làm nghĩa trang” khi có độ dốc hoàn toàn thoải từ độ cao 36 xuống 18m so với mực nước biển. Chuồng trâu nằm ở điểm thấp nhất nghĩa trang, nơi “tụ khí”, ngay sát hệ thống xử lý nước và khí thải từ hơn 40 ngàn ngôi mộ dẫn về. 

Bên chuồng trâu, ngày đêm róc rách tiếng nước của dòng suối được gọi là “suối tâm linh” đổ về hồ nước nuôi đủ loại cá. Đứng trên cây cầu bắc ngang hồ nước, một bên là đàn trâu “phong thủy” lim dim nhai cỏ, một bên là tượng 36 vị La Hán ung dung, phóng tầm mắt bốn hướng đều dịu dàng xanh ngắt một màu cỏ cây, tưởng như lạc về một miền quê yên bình.  

Kỳ công chăm sóc  

Ông Thiện tự nhận, có lẽ đi khắp Việt Nam, không có nơi nào như ở Sala Garden, lại có một nhân công như ông được thuê chỉ để chuyên nghề chăm trâu: “Người ta nuôi trâu vì lợi nhuận, để sinh đàn sinh đống hoặc làm công cụ lao động cày bừa kéo xe. Riêng 5 “ông trâu” này, nuôi chỉ để làm cảnh, để “lấy phong thủy”. Chăm sóc kỳ công lắm, tốn bộn tiền.  Tiền lương cho tui đã mất gần 100 triệu/năm”.  

“Năm “ông trâu” này sung sướng vô cùng, sống đúng kiểu “cơm bưng nước rót”. Tắm ngày hai lần, quét dọn chuồng sạch sẽ, ngày ngày bôi xịt thuốc tránh ruồi muỗi. Còn mỗi... đánh răng thì chưa được làm thôi”, ông Thiện nói vui.

Mỗi ngày, từ 5h sáng, ông đã có mặt ở chuồng trâu, hốt hết những đống phân trâu thải ra từ buổi tối, cho vào bao, mang đi ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trong Sala Garden.

Rồi đến việc tắm cho trâu, quét dọn, xịt nước cho nền chuồng thật sạch, không hôi hám. Sau đó là bữa sáng, lấy từ cỏ được công nhân cắt trong khuôn viên Sala Garden. 

“Coi vậy chứ chúng kén ăn lắm. Tại cỏ ở đây khi ngắn, khi dài, có thể lẫn lộn lá cây. Để qua ngày cỏ dễ khô, mà để trong bao nếu gặp ẩm thì cỏ hôi, trâu sẽ không ăn. Vì thế, trước khi cho cỏ đầy các hộc, mình phải ngửi trước, kiểm tra độ tươi, độ sạch”.  

“Ăn xong, chúng lại nằm ngủ, rồi lại tiếp tục ăn. Tôi ở đây chủ yếu canh xem thức ăn, nước uống có hợp khẩu vị trâu không? Canh chúng thải phân ra là dọn ngay. Đến chiều lại tắm cho chúng lần nữa, kỳ cọ thật sạch từ sừng, đầu, đuôi đến tận móng chân; có vảy trên lưng hoặc con gì đốt thì bôi thuốc, cạo đi cho da luôn đen bóng; chải lông cho thẳng mượt”.

Đàn trâu đặc biệt tại nghĩa trang sinh thái Sala Garden (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Đàn trâu đặc biệt tại nghĩa trang sinh thái Sala Garden (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Còn một việc quan trọng khác, đó là canh cho đàn trâu không đánh lộn. “Có một “ông trâu” khá lì, chuyên tranh ăn của con khác. Hễ mình bỏ cỏ vào máng nào là “ông trâu” này đều nhào tới, phải tranh được đôi miếng mới quay lại máng mình.

“Ông trâu” này lì tới mức có lần bị buộc dây thừng, cứ quyết cạ vào thanh sắt, kẹt cứng rồi dứt luôn đứt mũi, giờ nhìn như có hai cái miệng. Lâu lâu chúng cũng cự nhau, đọ sừng côm cốp, nhưng lấy roi giơ lên dọa là “buông” nhau ngay. Do nuôi nhốt, lại sung sướng nên cơ bản chúng hiền lành, chỉ ăn và ngủ”, ông Thiện thuộc tập tính từng con trâu.

Canh “giấc ngủ” cho “người âm”

Nói tới đây, nếu không nhắc lại, có thể sẽ có bạn đọc nhầm tưởng rằng đàn trâu “phong thủy” trên đang được chăm sóc ở dinh thự hay vườn nhà một “đại gia” nào đó. Nhưng thực tế đàn trâu lại đang được chăm sóc ở một nghĩa trang.

Đại diện Ban Quản lý Sala Garden cho biết, với mong muốn nghĩa trang này sẽ là hình mẫu cho hệ thống những nghĩa trang sinh thái kiêm công viên văn hóa, nên ngay từ những tiểu tiết nhỏ nhất cũng được các chuyên gia xây dựng – văn hóa tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng. 

Đàn trâu “phong thủy” là một đặc điểm dung hòa giữa truyền thống và hiện đại ở Sala Garden. Dung hòa truyền thống ở chỗ bên cạnh những điểm nhấn khác như hàng ngàn cây Sala phủ bóng khắp nghĩa trang, ngôi chùa thờ những tượng Phật được kỳ công thỉnh về từ đất Phật Nepal, nhà tang lễ quy mô thiết kế độc đáo đáp ứng tiêu chí nhiều tôn giáo... thì đàn trâu “trấn yểm” là nét chấm phá rất hài hòa, phù hợp. 

Chăm sóc mộ phần tại Sala Garden.
 Chăm sóc mộ phần tại Sala Garden.  

Dung hòa hiện đại ở chỗ bên cạnh những đặc điểm của một nghĩa trang hiện đại xanh sạch đẹp như có hệ thống thu gom xử lý triệt để khí thải đến toàn bộ hơn 40 ngàn ngôi mộ, hệ thống lò hỏa táng hiện đại, Ban Quản lý Sala Garden còn quan tâm những tình tiết như khi người thăm viếng mộ ra về, sẽ đi qua buồng tia cực tím khử những “sóng tiêu cực”, nói theo cách dân gian thì tương tự một dạng “đốt vía”, “đốt phong long”. 

“Kỳ công chăm sóc đàn trâu “phong thủy” cho mọi người ngắm khi đến, hay “đốt phong long” theo cách hiện đại cho mọi người khi đi về, tất cả đều nhằm mục đích để mọi người không xem Sala Garden đơn thuần là một nghĩa trang, là nơi dành cho “người âm”; mà còn là một công viên, địa điểm văn hóa, không phải lo ngại bị vấn vương u ám đáng sợ. Chúng tôi cũng kỳ vọng hình mẫu nghĩa trang kiểu mới sẽ dần giúp một số người thay đổi quan niệm, rằng đến nghĩa trang viếng thăm người thân không chỉ là gượng ép thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ”.   

Trở lại với ông Thiện, người chăm sóc đàn trâu “phong thủy” ở Sala Garden, ông cười khi được hỏi: “Các “ông trâu” này có tác dụng “phong thủy” hay không thì tôi không biết, nhưng rõ ràng ai đến cũng cảm thấy yên bình hơn khi biết có đàn trâu ngày đêm nhẩn nha nhai cỏ khua sừng ở một góc nghĩa trang, canh “giấc ngủ” của những “người âm”.

Đọc thêm