Đang xem xét sửa đổi biểu giá bán lẻ điện

(PLVN) - Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi biểu giá bán lẻ điện ở thời điểm phù hợp vào năm 2021.
Ảnh minh họa: evar.vn
Ảnh minh họa: evar.vn

Với câu hỏi liên quan đến việc chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện gây bức xúc cho người dân vào những mùa nắng nóng, tiền điện tăng cao bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và khách hàng sử dụng điện.

"Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021, nên hiện nay Bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Với câu hỏi giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 7% thì Bộ Công Thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Nguyễn Anh Tuấn  khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24 cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Nói về vấn đề vốn cho Quy hoạch điện VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW - gấp đôi so với hiện nay,  ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá, nhu cầu vốn đầu tư cho điện rất lớn, mỗi năm cần đến 12-13 tỷ USD là một thách thức. 

“Vấn đề về vốn rất phức tạp nên với từng dự án, chủ đầu tư phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể. Còn trong Quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn cần huy động và giải pháp chính là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn.

Với nguồn vốn hằng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải… để huy động nguồn lực. Khi có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên sẽ có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ. Đơn cử như các dự án nguồn năng lượng tái tạo vừa qua, tư nhân đầu tư lên đến 16.000 MW, tương đương 10 tỷ USD, mà chỉ huy động trong hơn 2 năm”, ông Hoàng Tiến Dũng nói.

Kiểm tra 10 địa phương về phát triển điện mặt trời

Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, việc quá tải lưới điện diễn ra vào năm 2019 và đầu 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận do những địa phương này có tốc độ phát triển dự án rất nhanh.

Trong khi các dự án điện mặt trời có tốc độ xây dựng chỉ 4-6 tháng nhưng đường dây truyền tải xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng. Tuy nhiên, vừa qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân… nên cơ bản đến nay tình trạng quá tải do năng lượng tái tạo đã không còn.

Do đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra 10 địa phương, thời gian thực hiện 40 ngày và khi có kết quả sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.

Đọc thêm