Dành nguồn lực cho tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững

(PLO) - “Câu người ta thường nói mà chúng ta phải quán triệt “Cho cần câu chứ không phải cho con cá” để người nghèo tự vươn lên. Nhất là giáo dục, nâng cao dân trí để người nghèo thoát nghèo bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Dành nguồn lực cho tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững

“Cần rút từ bài học kinh nghiệm việc huy động ngân sách đưa qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay giảm tỷ lệ cho không. Đó là việc hỗ trợ cho vay gắn với các khế ước để người nghèo có trách nhiệm. Thời gian qua đã có 188 nghìn tỷ đồng do NHCSXH, NHNN&PTNT trực tiếp cho người nghèo vay. Đây là những biện pháp hiệu quả để giảm nghèo chứ không phải chỉ là huy động xã hội cho không” – Thủ tướng Chính phủ nhận định.

Đóng vai trò là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, 14 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, NHCSXH đã đồng hành cùng người nghèo, truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vùng nông thôn và đồng hành gắn kết với 4 tổ chức chính trị -  xã hội triển khai tín dụng chính sách, đã được các cơ quan nhà nước đánh giá cao về việc góp phần vào mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội.

Hiện tại, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 153.306 tỷ đồng với trên 6.792 nghìn hộ đang được vay vốn. Trong đó có 1,7 triệu hộ nghèo đang vay vốn tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 38 nghìn tỷ đồng; 1,2 triệu hộ cận nghèo đang vay vốn với dư nợ trên 29 nghìn tỷ đồng; gần 1 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với dư nợ trên 19 nghìn tỷ  đồng; trên 2,4 triệu hộ vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ trên 23 nghìn tỷ đồng...

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, tín dụng chính sách thực hiện theo chủ trương là tiếp tục cắt giảm đầu tư, chỉ cấp cho những đối tượng bảo trợ xã hội, những người có công, thế còn các đối tượng người nghèo khác thì được hỗ trợ thông qua việc tín dụng chính sách cho vay và có thu hồi.

Vì thế, hoạt động tín dụng chính sách có thể tiếp tục thành công tốt hơn nữa, NHCSXH mong muốn rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ cho người dân và người nghèo; phải tiếp tục đầu tư để tăng trưởng bình quân hàng năm 10% theo như chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thứ hai, các địa phương cùng Trung ương cũng dành nguồn lực tốt hơn nữa để hỗ trợ ủy thác sang theo các đối tượng được chỉ định để NHCSXH sử dụng nguồn tiền đó cho vay đúng theo các đối tượng chỉ định. Nhiều địa phương lượng chuyển vốn ủy thác trong thời gian vừa rồi chuyển sang còn khiêm tốn như Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum thì tiếp tục quan tâm hỗ trợ tốt hơn.

Thứ ba, NHCSXH tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Trong những năm vừa rồi, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, chất lượng tín dụng được cải thiện rõ rệt. Nợ quá hạn, nợ khoanh hàng năm của tín dụng chính sách dưới 1%, đến thời điểm hiện nay là 0,81%.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tốt nhưng chưa được đồng đều, đặc biệt các tỉnh vùng Tây Nam bộ chất lượng tín dụng chưa cao, tỷ lệ nợ quá hạn còn lớn, nợ khoanh còn nhiều, ví dụ như An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đây là những tỉnh cần phải tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ bà con làm ăn có hiệu quả để trả được nợ ngân hàng và nâng cao chất lượng tín dụng. 

Thứ tư, NHCSXH đề nghị chính quyền địa phương theo phương hướng mục tiêu nông thôn mới và giảm nghèo đa chiều phải làm sao hỗ trợ cho bà con sử dụng đồng vốn có hiệu quả, định hướng cho bà con mô hình sản xuất kinh doanh, chuỗi liên kết, giá trị và bao tiêu sản phẩm để bà con có thu nhập và trả được nợ của ngân hàng, tiếp tục tạo vốn quay vòng giúp đỡ bà con để giảm nghèo trong chương trình đa chiều tới được tốt hơn.

“NHCSXH mong muốn Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục bổ sung nguồn lực hiện còn thiếu của NHCSXH, vốn điều lệ là 3.094 tỷ đồng và vốn hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở giai đoạn II, cần dành nguồn lực hỗ trợ ngay vì người nghèo cũng đang rất ngóng đợi về chương trình làm nhà ở giai đoạn II còn chưa có tiền là 389 tỷ đồng” – ông Dương Quyết Thắng nói. 

Đọc thêm