“Đánh thức bảo tàng”, được không?

(PLVN) - Bảo tàng đầu tiên trên thế giới đã có mặt từ thế kỷ 17 và cho đến nay, ước tính đã có chừng 55.000 bảo tàng tại 202 nước. Du lịch bảo tàng được xem như con đường ngắn nhất trong việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. 
Áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa
Áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa

Cùng với danh lam, thắng cảnh phong phú, Việt Nam còn có rất nhiều điểm đến là bảo tàng, di tích hấp dẫn du khách. Nhưng du lịch và bảo tàng đã thực sự gắn kết?

Bảo tàng và doanh thu… khủng!

Báo cáo của IBIS World về ngành công nghiệp bảo tàng ở Mỹ cho thấy, doanh thu từ bảo tàng năm 2019 ước đạt khoảng 13 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019 là 3,4%. Số lao động làm việc trong ngành khoảng 109.000 người và có trên 10.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Khách đến tham quan bảo tàng Metropolitan tại New York, Mỹ (7,4 triệu lượt khách) hay chỉ bằng khoảng 61,2% số khách đến bảo tàng Louvre, Pháp (với 10,2 triệu lượt). Ngoài ra, bảo tàng Vương quốc Anh thu hút khoảng 5,9 triệu lượt khách, một số bảo tàng khác như Hermitage (Nga), Prado (Tây Ban Nha) có khoảng 3 triệu lượt khách.

Nhiều người cho rằng, “Chưa đến Louvre, chưa đến Paris”, cùng với tháp Eiffel, Louvre! Theo một hãng tin của Pháp, năm 2018, bảo tàng này đón 10,2 triệu lượt khách tham quan, trong đó 3/4 là khách nước ngoài.

Trong khi đó, mỗi năm bảo tàng chỉ nghỉ chưa đến 60 ngày (bảo tàng mở cửa hàng ngày, trừ thứ ba hàng tuần và các ngày 1/1, 1/5, 25/12). Như vậy, mỗi ngày bảo tàng Louvre đón tiếp khoảng 32,5 nghìn lượt khách tham quan. 

Bảo tàng Van Gogh nằm ở công viên Museumplein, số 7 phố Paulus Potterstraat, Amsterdam. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm của danh họa Vincent van Gogh và những họa sĩ đương thời. Bảo tàng bắt đầu mở cửa đón khách từ ngày 2/6/1973, trở thành bảo tàng hút khách nhất Hà Lan và đứng thứ 23 trên thế giới.

Mỗi năm, nơi đây thu hút hơn 2 triệu lượt khách tham quan. Hiện tại, bảo tàng đóng cửa vì Covid-19 và chưa công bố ngày mở cửa trở lại. Giá vé vào cửa với người lớn 19 euro. Du khách dưới 18 tuổi miễn phí vé vào cửa. Du khách tới đây có thể bỏ thêm 5 euro/người để mua tour có hướng dẫn viên nói tiếng Hà Lan, Anh, Đức, Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga…

Đó là những bảo tàng lớn, còn đó là những bảo tàng rất nhỏ nhưng cũng hút khách kỳ lạ. Ngày 7/5/2013, chính quyền thành phố Stockholm cho mở cửa bảo tàng ABBA đầu tiên trên thế giới, ABBA: The Museum. Chỉ chưa đầy bốn tháng sau ngày mở cửa, tháng 8/2014, bảo tàng ABBA hân hoan đón lượt khách thứ 17 vạn. Cần nói thêm rằng giá vé thăm bảo tàng này vào hàng đắt nhất châu Âu: 195 SEK (nếu mua qua web), tương đương 22 euro (hơn 700 ngàn đồng). Giá vé của Louvre chỉ có 12 -16 euro.

Hay một ví dụ khác, ít liên quan đến nghệ thuật hơn: bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek. Với khát khao biến bia thành một nền văn hóa, năm 1882, Carl Jacobsen, con trai của nhà sáng lập hãng bia Carlsberg, quyết định mở hẳn một nhà triển lãm Carlsberg ngay trong khuôn viên nhà máy. Nhà trưng bày chính là bộ sưu tập nghệ thuật và đồ cổ đồ sộ của ông và gia đình Jacobsen.

Bộ sưu tập ấy phát triển nhanh đến nỗi Carl đã phải xây dựng mở rộng liên tiếp khu trưng bày. Đến năm 1893, khu triển lãm có 14 phòng, mà chỉ hai năm sau, nó đã có tới 19 phòng. Năm 1897, bộ sưu tập cá nhân này được chuyển tới địa chỉ mới và mở cửa cho công chúng.

Năm 1902, Carl phải thành lập một quỹ mang tên New Carlsberg Foundation nhằm huy động vốn cơ bản để duy trì một bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của mình và tham vọng biến nó thành mô hình Louvre của Bắc Âu. Về sau, bảo tàng này được trao cho thành phố và trở thành bảo tàng thuộc sở hữu của nhà nước Đan Mạch. Ny Carlsberg Glyptotek, từ ngày mở cửa đã trưng bày 10.000 tác phẩm nghệ thuật và trở thành bộ sưu tập nghệ thuật cổ đại lớn nhất Bắc Âu.

Đó còn là bảo tàng Kawaguchiko Muse tại Yamanashi, Nhật, trưng bày búp bê. Tampere, thành phố hạng trung của Phần Lan cũng tặng cho khách du lịch một viện bảo tàng giày dù không phải Milan, Paris, mà bởi trước kia thành phố này làm giàu bằng ngành công nghiệp sản xuất giày dép.

Prague có bảo tàng Franz Kafka cho những người yêu văn chương; Gothenburg có bảo tàng Volvo; Keswick, thành phố không mấy tên tuổi ở Anh nhưng được biết đến với xưởng sản xuất bút chì đầu tiên trên thế giới mở bảo tàng bút chì. “Ăn theo” hơn cả là Hamburg khi mở bảo tàng The Beatles vì ban nhạc Anh đã có khoảng thời gian khởi nghiệp ở thành phố này...

Và như thế, nếu một quốc gia giỏi và nổi tiếng về điều gì đó, họ nhất quyết phải có viện bảo tàng.

Và câu chuyện dài…

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta thường dùng cụm từ “bị cho vào viện bảo tàng” để ám chỉ những gì đã cũ kỹ, lỗi thời. Việt Nam không phải là một nước ít bảo tàng nhưng đến bảo tàng chưa phải là thói quen của người Việt.

Bảo tàng của Việt Nam rất ít tính giải trí và niềm vui, điều tạo nên động lực để mọi người sẵn sàng dành thời gian cho chúng. Phần lớn các bảo tàng cũng không có không gian nghỉ ngơi, khu bán đồ lưu niệm hay giải trí, lại càng thiếu vắng các hoạt động vui chơi, tương tác dành cho trẻ em.

Các bảo tàng tại Việt Nam không chỉ ít tương tác với người xem, mà còn rất ít tương tác với nhau. Trong khi việc luân chuyển những triển lãm lớn giữa các bảo tàng trong một quốc gia, thậm chí xuyên quốc gia, xuyên châu lục đã trở thành thói quen, thì người Việt Nam vẫn chỉ có thể xem các hiện vật tại đúng ngôi nhà của chúng.

Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có hệ thống bảo tàng phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đa số các bảo tàng nước ta hiện nay mới chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thực sự trở thành nơi học tập, hoặc là những điểm đến hấp dẫn du khách. 

Bảo tàng Hồ Chí Minh có số lượng khách tham quan đông nhất với lượng khách trung bình đạt khoảng 1,5 triệu khách mỗi năm. Bảo tàng Dân tộc học có doanh thu lớn nhất (khoảng 12 tỷ đồng mỗi năm), được bình chọn trong danh sách 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á cùng với Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh.

Số còn lại mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, thậm chí có bảo tàng cấp tỉnh vài tháng không có khách đến tham quan. Không những thế, hầu hết các bảo tàng chưa gắn kết với các chương trình du lịch và chưa thu được kinh phí từ hoạt động tham quan của du khách. 

Hiện nay, cả nước có trên 160 bảo tàng với 3 triệu tài liệu, hiện vật và hơn 120 báu vật quốc gia phản ánh về lịch sử - văn hóa đất nước con người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bảo tàng lại trong cảnh đìu hiu khi không thể phát huy giá trị đặc trưng riêng của mình để thu hút du khách và công chúng.

Ngay như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dù ở vị trí rất đẹp của thủ đô, ngay gần Văn Miếu nhưng cũng vắng khách, đặc biệt du khách nước ngoài. Theo con số thống kê của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong năm 2018, đón được 58.990 lượt khách trong đó 80% là khách quốc tế, hơn 10.000 khách là học sinh, sinh viên. 

Và trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, liệu bảo tàng có thể thu hút được công chúng và du khách, tăng được 10% năm theo như đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tàng gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2019 -2021 được hay không?

Theo Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đổi mới công tác trưng bày là vấn đề sống còn để khẳng định vị trí, tầm quan trọng của bảo tàng trong đời sống xã hội, đánh thức tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng đang lưu giữ, cũng là khơi thêm sức sống mới cho các bảo tàng.

Hai từ “bảo tàng” cần được hiểu theo nhiều nghĩa mới, không chỉ là nơi lưu giữ những gì đã qua, mà còn là nơi cho công chúng tìm đến trải nghiệm, học hỏi những kiến thức mới và có những phút giây thoải mái. Trong đó, thị hiếu của công chúng chính là thước đo sức hấp dẫn của bảo tàng”, ông Võ Quang Trọng nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản cho rằng, ngoài việc đầu tư chất xám và cơ sở vật chất để đưa ra những nội dung trưng bày đạt chất lượng, gợi cảm xúc, kích thích sự tò mò, tìm hiểu ở người xem, các bảo tàng cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, chủ động kết nối với các công ty lữ hành du lịch, giúp đưa du khách tới bảo tàng. Ngoài ra, công tác đào tạo cũng cần được thực hiện thường xuyên để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử ngày càng đa dạng của du khách.

Thực tế, ngay những người trong cuộc cũng khá thấu hiểu câu chuyện “Vỏ hoành tráng, ruột câu dầm” cùng thái độ “mậu dịch”, chưa kể cách trưng bày khuôn mẫu lười liếng và  kém hấp dẫn khiến phần lớn bảo tàng bao năm qua hiu hắt.

Rất nhiều bảo tàng gần như chỉ dừng lại ở việc trưng bày một số hiện vật với chú thích đơn giản mà không có các hoạt động khác để thu hút khách tham quan. Vào trang bình luận của bảo tàng ế ẩm, khách nước ngoài để lại ý kiến khá trùng nhau “Cảm thấy mất thời gian”, “Hiện vật nghèo, chả có gì để xem”, “Quá lãng phí cho một không gian đẹp”… 

Có thể phần lớn chúng ta sẽ quên đi cảm hứng từ những di sản trong bộn bề cuộc sống thường ngày, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, xúc cảm đó sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một quốc gia có nhiều bảo tàng cho thấy được truyền thống lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ… của mình sẽ được các du khách nước ngoài trân trọng hơn. Nhật Bản, Ý, Đức, Pháp hay Anh… đã tạo ra được ấn tượng về một nền văn hóa vĩ đại chính nhờ các bảo tàng.

Và đó cũng chính là lý do Bảo tàng Dân tộc học trở thành địa điểm thu hút khách du lịch mạnh mẽ nhất, chứ không phải hồ Hoàn Kiếm hay các trung tâm mua sắm tại Hà Nội. Giá trị của một dân tộc không chỉ bởi những gì chúng ta tuyên bố về mình, mà qua các di sản được bảo quản, giữ gìn và giới thiệu, dù ở quy mô nào… 

Dẫu mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng đến bao giờ chúng ta mới có cảm giác choáng ngợp, đi mãi không hết những vẻ đẹp và chiều sâu tới tận cùng của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử khi đến bảo tàng, trong khi chúng ta có văn hóa hàng nghìn năm?...

Đọc thêm