Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Không thể “gặp gì đào tạo nấy”

(PLO) - Những vấn đề thực tiễn được nêu tại Hội nghị toàn quốc công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng qua (23/3) tại Hà Nội cho thấy đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải sát với thực tiễn, gắn với các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với việc làm phù hợp điều kiện địa phương.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với việc làm phù hợp điều kiện địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, sau 6 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn

Nhiều phản ánh cho thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn theo dạng “gặp gì đào tạo nấy” mà không đánh giá được sự phù hợp với tình hình địa phương, khả năng tìm được việc làm phù hợp với nghề của người lao động. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH dẫn vấn đề: “Có đồng chí nói là có những xã đào tạo tập trung khoảng 600 người chuyên nghề hoạn lợn. Tôi bảo là nếu là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật thì còn được, nhưng nếu chỉ là “đánh trống ghi tên”, một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn thì sao? Mục tiêu ghi vậy là để chi tiền. Có hay không chuyện đó? Là cá biệt hay phổ biến?”. 

Trong khi đó, khó khăn chính của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là “phải gắn với việc làm” nhưng ở các tỉnh phía Bắc không có nhiều khu công nghiệp nên lao động sau đào tạo vẫn không có việc làm khiến cơ chế giải quyết việc làm sau đào tạo càng khó khăn. Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, với đặc thù là tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhận thức và điều kiện phát triển sản xuất của người dân còn hạn chế nên việc đào tạo nghề cho người nông dân nhằm nâng cao thu nhập là việc rất khó khăn.  

Hơn nữa, địa phương nào cũng muốn chỉ đào tạo khi có dự báo nhu cầu việc làm và dự báo thu nhập nhưng “thực tế trình độ lao động nông nghiệp, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được. Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của người dân, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp sạch” - ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu ý kiến.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Vẫn còn nhiều cán bộ 2 Sở LĐTB&XH và NN&PTNT còn lúng túng về “phân vai” trong dạy nghề cho lao động nông thôn. Bây giờ tôi nói rõ là việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phân công trách nhiệm cho Bộ NNN&PTNT, còn khu vực phi chính thức thì trách nhiệm chính là của Bộ LĐTB&XH và tổng hợp chung là của Bộ LĐTB&XH”.

Ít nhất 80% số người học có việc làm mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (trong đó 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. 

Nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ lớn, đòi hỏi trách nhiệm cao, xác định đến năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65 – 70%, trong đó có chứng chỉ đạt 25%; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn khoảng 40%; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 5% năm. Đây là những chỉ tiêu rất lớn.

Mục tiêu này đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhất là phải có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động gắn với sự phát triển của các ngành nghề theo điều kiện cũng như quy hoạch phát triển của địa phương, thực sự góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, tránh lãng phí nguồn lao động. 

Như  gợi ý của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để đào tạo nghề thực sự góp phần “đổi đời” cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống khu vực nông thôn thì cần “tập trung phân tích rõ vấn đề lựa chọn ngành đào tạo, chuyển dịch nghề, sinh kế như thế nào để phù hợp với tình hình sản xuất của địa phương”.

Căn cứ tình hình thực tiễn, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch lựa chọn 27 ngành nghề phù hợp với địa bàn, tập trung vào phát triển cây trồng vật nuôi có thế mạnh của địa phương gắn với công tác chế biến để gắn đào tạo nghề với việc làm. Đây là một kinh nghiệm cần được các địa phương học hỏi để “đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở phát triển sản xuất của doanh nghiệp”, phát huy thế mạnh tại địa bàn.

Sau 6 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo, hỗ trợ theo chính sách của Quyết định 1956 với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp.

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 53% năm 2016; nâng năng suất lao động xã hội từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên 84,5 triệu đồng năm 2016 và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 44% năm 2015, giảm 7,5%.

Đọc thêm