Dấu ấn tín dụng chính sách trên vùng đất Cố đô

(PLVN) - Trong những năm gần đây, diện mạo kinh tế - xã hội của Thừa Thiên – Huế đang từng ngày đổi mới bởi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, trong đó có sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách. 
Mô hình nuôi dê của ông Nguyễn Hạnh.
Mô hình nuôi dê của ông Nguyễn Hạnh.

Hơn 95 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Thừa Thiên - Huế đã phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trên địa bàn triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Nhiều năm trước, gia đình ông Nguyễn Hạnh (tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) là một trong những hộ nghèo trong xã. Sau đó, gia đình ông được vay vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo với số vốn 40 triệu để chăn nuôi. Từ vốn vay đó, ông đã đầu tư chăn nuôi dê, gà, vịt. Đến nay, mô hình chăn nuôi của ông đã có hơn 500 con gà, hơn 100 con vịt và 45 con dê. Ngoài ra, ông còn trồng thêm rau sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, trả được nợ ngân hàng. Đầu năm 2020, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo của xã. Tới đây, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi để phát triển kinh tế”, ông Hạnh chia sẻ thêm.

Đến thăm mô hình trồng cam của gia đình ông Trương Phước (xã Hương Xuân, huyện Nam Đông), được cho biết, năm 2016, gia đình ông được Phòng giao dịch NHCSXH huyện giải quyết cho vay 50 triệu đồng từ chương trình vay giải quyết việc làm. Với số tiền trên, ông đã đầu tư trồng cam trên diện tích gần 2ha. Qua 3 năm trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cam phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Hiện mỗi năm lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng/ha cam.

Theo ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện đơn vị đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ với tổng dư nợ 2.969 tỷ đồng với hơn 90 ngàn khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay trong giai đoạn 2016 - 2020 là 5.644 tỷ đồng, với hơn 181 ngàn lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ là 4.538 tỷ đồng.  

Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh; trong giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo điều kiện cho gần 95 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn; với gần 9 ngàn lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; kịp thời giải quyết cho 2.185 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng nhà ở cải thiện đời sống sinh hoạt, cải tạo trên 88 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn…

Tiếp tục nỗ lực  

Tại Thừa Thiên – Huế, tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số nhiều nơi còn lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, đội ngũ cán bộ tín dụng của NHCSXH ở cơ sở phải thường xuyên bám làng, bám bản để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Những dấu chân không mỏi mệt của cán bộ NHCSXH ở Thừa Thiên - Huế đã giúp cho chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao; đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,08%.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025, thời gian tới, NHCSXH Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy hiệu quả, ý nghĩa nguồn vốn tín dụng chính sách; đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nâng mức cho vay tối đa chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ mà không phải thế chấp, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp chu kỳ sản xuất kinh doanh của cây trồng, vật nuôi…

Theo đánh giá, những năm qua, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ trao “cần câu” giúp đồng bào thoát nghèo mà thông qua việc tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và Vay vốn, giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển địa phương; đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn… 

Đọc thêm