Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có diễn biến đáng lo ngại

(PLVN) - Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có diễn biến đáng lo ngại khi 8/8 huyện, thành phố đã tái phát dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.
Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang có diễn biến đáng lo ngại

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu tái phát từ ngày 17/8 với ổ dịnh đầu tiên tại thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô và tính đến ngày 21/10, đã có hơn 1.800 hộ chăn nuôi thuộc 341 thôn, xóm của 71 xã, phường, thị trấn tại 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh tái phát dịch TLCP. Gần 7.200 con lợn đã phải tiêu hủy. Đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có dấu hiệu chững lại mà vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng, đặc biệt ở 3 huyện Nho Quan, Yên Mô và Gia Viễn.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, nguyên nhân tái phát dịch là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự ý tái đàn khi chưa đảm bảo điều kiện phòng bệnh, không áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Một số hộ tái đàn bằng những con giống mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc. 

Đồng thời, vẫn còn tình trạng sử dụng thức ăn thừa lấy từ các nhà hàng, bếp ăn về cho lợn ăn. Công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh tại một số xã chưa kịp thời, khi lợn ốm chết người dân không báo cho chính quyền địa phương biết, tự chôn lấp nhưng không tiến hành rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng nên khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Nghiêm trọng hơn, do giá thịt lợn có dấu hiệu hơi tăng cao, một bộ phận người dân giấu dịch, khi lợn có biểu hiện mắc, nghi mắc bệnh, người dân đã bán chạy hoặc giết mổ để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, hoặc xả thải ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Việc tái phát dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến nông dân mới "gượng dậy" tái đàn và ngăn chặn nỗ lực phục hồi chăn nuôi lợn. 

Ông Hoàng Hùng Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong khi chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, sau thời gian dịch bệnh ổn định, một số người chăn nuôi đã có biểu hiện chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, chưa tích cực áp dụng các biện pháp bao vây, khống chế dịch bệnh và báo cáo dịch theo quy định. 

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; hỗ trợ các địa phương tái phát dịch thực hiện việc tiêu hủy đối với lợn mắc bệnh và áp dụng nghiêm các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; tăng cường lực lượng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn…

Đọc thêm