Đôi điều cảm nhận từ những tác phẩm nhiếp ảnh và báo chí của Nguyễn Ngọc Phan

(PLVN) - Đã mấy lần, ông khuyên tôi: “Anh không nên làm việc nhiều quá. Hãy giữ sức khỏe !” Tôi cảm ơn ông về lời khuyên của một người bạn lớn tuổi, nhưng trong thâm tâm, tôi cứ nghĩ: thật ra, ông cao tuổi hơn tôi và có lẽ làm nhiều còn hơn tôi. Không chỉ là người viết, ông còn là một tay máy xông xáo, tuổi ngót 80 mà có mặt thường xuyên trên mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vừa thấy ảnh ông chụp ở Điện Biên, ở Sapa, đã lại nghe nói ông đang rong ruổi ở Đồng Tháp Mười, ở tít mũi Cà Mau. Mà đâu chỉ ngày thường, ông rong ruổi vào cả những ngày tết Nguyên đán cổ truyền. Thế mới thấy rằng, ông già này, với dáng vẻ cao gầy, khắc khổ, mang trong mình cả một niềm say mê lớn đối với nghệ thuật và báo chí.

Viết và chụp ảnh, hai việc ấy song song tiến hành và không ngừng đem lại cho ông những tác phẩm, những niềm vui. Và thú thật, tôi không giấu nổi sự cảm phục đối với ông khi nhận từ tay ông hai tác phẩm dày dặn: Những số phận, những cuộc đời và  Đi cùng thời đại, đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Quen biết và tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Phan đã mấy chục năm, từng xem ảnh của ông chụp, bài của ông viết, nhưng tôi không ngờ chỉ trong mấy năm hữu trí mà ông đã có thể cống hiến cho đời những sản phẩm văn hóa quí giá như vậy.

Sự nỗ lực của ông đã được vinh danh bằng nhiều giải thưởng, về nhiếp ảnh cũng như báo chí. Xen giữa những sản phẩm ấy là các tấm ảnh ông chụp với đồng bào các dân tộc vùng cao, như Tày, Hà Nhì, H’Mông, Dao Đỏ, Mường…

Ở đâu cũng thấy Nguyễn Ngọc Phan với nụ cười hiền, với một dáng vẻ của con người yêu đời, yêu công việc, yêu đồng loại. Hãy ngắm kỹ những nụ cười đáng yêu mà ông ghi lại và giới thiệu cùng chúng ta: e lệ hay hồn nhiên, chất phác hay tự tin, tự hào, hãnh diện hay thích thú… Nhìn ảnh, có thể hiểu rõ hơn tấm lòng của người nghệ sĩ già về tuổi tác, nhưng rất trẻ về tâm hồn.

Có khá nhiều nhân vật được đề cập trong hai cuốn sách này. Họ thuộc các ngành nghề, lứa tuổi, môi trường khác nhau. Nhưng, ở họ, hầu hết chung đúc và tỏa sáng những đức tính quí giá, đó là nghị lực phấn đấu phi thường và sự sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao cả, là tấm lòng nhân ái, hết sức yêu thương con người.

Có những con người và sự việc ta từng biết đến, nghe đến, nhưng qua những trang viết của Nguyễn Ngọc Phan, ta được cảm nhận đầy đủ hơn, cụ thể hơn, do những tư liệu trung thực mà tác giả nắm bắt được, ghi chép được - phần lớn là qua lời kể trực tiếp của các nhân vật, hơn nữa, qua tấm lòng trân trọng, quí mến của tác giả đối với họ.

Nhờ thế mà nhìn chung các câu chuyện kể ra đều ngắn gọn, súc tích, có chỗ dí dỏm, cuốn hút và đúng như nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị nhận xét là “cách viết của anh rất trẻ”.

Giờ đây, tôi đã có thể hiểu biết đầy đủ hơn về quá trình lao động rất đáng khâm phục của nhà sử học Chương Thâu, của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, hoặc nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ ông, nghệ sĩ phiếm thị Văn Vượng, nhà biên đạo múa Thái Ly, nhà văn dịch giả Phạm Mạnh Hùng…

Từ bài viết của Nguyễn Ngọc Phan, tôi cảm nhận với tất cả niềm xúc động dạt dào trước giai điệu tràn trề hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký, trước câu nói đầy sức mạnh của họa sĩ Tô Ngọc Thành: “Nếu chết tôi sẽ chết bên giá vẽ !”.

Câu nói của Tô Ngọc Thành hàm chứa một ý chí, một nghị lực mà cha của anh - danh họa Tô Ngọc Vân  từng căn dặn anh: “Người nghệ sĩ có cứng thì mới đứng và phải đứng đầu gió thì mới là người nghệ sĩ !”. Chỉ một câu ngắn gọn ấy thôi, có thể phân tích thành cả bài học quí cho những ai muốn trở thành một nghệ sĩ chân chính - một nghệ sĩ - chiến sĩ.

Cũng như vậy, chúng ta nhớ lời chỉ giáo của Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu: “Chăm sóc sức khỏe cho mọi người là nghề cao quí”, hay lời khuyên của thầy Văn Vượng dành cho cô học sinh Hồng Vân trước giờ biểu diễn với cây đàn ghi-ta: “Em cứ bình tĩnh, hãy nhìn ra phía khán giả xa xa, coi như đó là những người thân thuộc mình vẫn gặp hàng ngày…”.

Hay bài học về mối quan hệ giữa sự nghiệp và tình yêu, hạnh phúc gia đình qua lời khẳng định của bà Ánh Tuyết - vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Chúng tôi là điểm tựa của nhau !”. Cũng như vậy, Nguyễn Ngọc Phan đã chép lại một câu danh ngôn mà người nhạc sĩ già Văn Ký vô cùng tâm đắc: “Chỉ có hạnh phúc trong hy vọng mới là hạnh phúc thuần túy nhất, thấu triệt nhất, hoàn toàn nhất”…

Trích dẫn những câu trên đây, tôi muốn nói rằng, sức nặng của câu chuyện về mỗi cuộc đời, mỗi số phận chính là ở những bài học ấy. Từ các chân dung mà nhà báo đề cập, theo tôi, không chỉ là ở chỗ họ làm được những gì mà cái chính là bài học họ để lại cho người đọc.

Nguyễn Ngọc Phan, trong nhiều bài viết, đã làm được điều đó. Và bởi vậy, quyển sách của ông có sức nặng, khác hẳn những bài báo chỉ dừng lại ở sự phản ánh thông thường về một con người hay một sự việc nào đó.

Ở hai tập sách của Nguyễn Ngọc Phan, ngoài hàng chục chân dung các nhân vật - phần lớn là các nhà nhiếp ảnh mà ông quen biết, kết bạn và tác nghiệp suốt từ Nam chí Bắc, tôi đặc biệt ấn tượng về một số bút ký, phóng sự, hồi ức và ghi chép.

Chẳng hạn, nhờ có bài “Từ Việt Bắc đến chóp mũi Cà Mau”, lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện về cuộc đời sáng tác của nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Thuở thiếu thời, tôi đã được đọc tiểu thuyết “Con trâu” rồi “Bếp đỏ lửa”, “Cắm thẻ đồng câu”… nhưng chưa bao giờ được biết về hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm ấy.

Thật cảm động và cũng thật khâm phục ông khi biết ông viết “Con trâu” ngay trên vùng giặc chiếm, trong những ngày đi chiến dịch với bộ đội - viết mà không có bàn ghế, phải để giấy trên mặt chõng mà viết, có lúc dầm chân trong nước suối, kê giấy trên đá mà viết. Đó là một tư liệu văn học rất quí giá mà nếu người đọc được biết thì sẽ càng yêu quí nhà văn hơn.

Hồi ức của Nguyễn Ngọc Phan về người em trai của ông cùng những bức thư mà Nguyễn Ngọc Kha gửi cho người thân lại có giá trị về phương diện khác: Ở đó hiển hiện gương mặt, tâm hồn, ý chí, số phận của một chàng trai thời chiến rất đáng yêu. Đọc các bức thư của anh, tôi lại bồi hồi nhớ đến thư và nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và của vô số những người con ưu tú khác của nhân dân ta.

Phóng sự “Có một Trung tâm tư vấn tình yêu như thế” và bút ký “Con đường và những người sắp đến” là hai trong số những bài viết khá công phu của Nguyễn Ngọc Phan. Câu chuyện về “Cô Năm bốc cốt” trong “Một mình đi tìm đồng đội” không dài lắm, nhưng thấm đẫm chất nhân văn - một người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai, nét mặt hơi khắc khổ được bà con vùng Tân Biên, Tây Ninh kể đến như một huyền thoại. Đó là chị Kim Hồng đã sẵn sàng từ bỏ thành phố, mái ấm gia đình, về vùng sâu xa xôi vắng vẻ để “đi tìm đồng đội”…

Không chỉ phát hiện và biểu dương những người tốt việc tốt, Nguyễn Ngọc Phan không ngần ngại phê phán các biểu hiện tiêu cực, chưa đẹp mà ông bắt gặp trên khắp các nẻo đường. Sự phê phán ấy cũng là mặt khác của tinh thần xây dựng, của khát vọng được ngợi ca một xã hội lành mạnh, văn minh. “Đừng để mất vẻ đẹp của cát Mũi Né!”, “Sa pa, những điều trông thấy”… là tiếng nói của tinh thần ấy, của khát vọng ấy./.

Đọc thêm