Đổi mới giáo dục, đào tạo quyết định tương lai của mỗi dân tộc

(PLO) -  “Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì đổi mới giáo dục, đào tạo không chỉ quan trọng mà còn trở nên bức thiết hơn, có ý nghĩa quyết định tương lai của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia...”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị “Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Cũng tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng mong muốn Hội nghị tập trung thảo luận để đưa ra được nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục, đào tạo để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với nhóm yếu thế.

Phó Thủ tướng đánh giá trong hai thập kỷ phát triển, ASEM đã đóng vai trò quan trọng kết nối các quốc gia, các doanh nghiệp và người dân ở hai châu lục Á, Âu vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, trong đó có các hoạt động thúc đẩy giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực. Nhiều sáng kiến, dự án về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được các quốc gia thành viên khởi xướng, thúc đẩy như Trung tâm học tập suốt đời ASEM, các dự án của Quỹ Á-Âu, các sáng kiến về đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, năng lực sáng tạo và khởi nghiệp… đã đem lại động lực, sắc màu mới trong quan hệ hợp tác và trong giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thúc đẩy giáo dục, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là thanh niên để khởi nghiệp và đảm bảo việc làm ổn định. Cam kết rất chiến lược này không chỉ bảo đảm cho tương lai hợp tác ASEM ngày càng bền vững, hiệu quả; để các thành viên nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn là đóng góp của ASEM cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. “Những nỗ lực và kết quả hợp tác ấy cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, được nhân rộng hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, nhỏ hơn với nhiều thời cơ và cả những thách thức gay gắt hơn” – Phó Thủ tướng yêu cầu. 

Hội nghị “Diễn đàn Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” là Hội nghị tầm liên khu vực quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai năm 2017, nhằm triển khai sáng kiến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 và cũng là sáng kiến đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ thứ ba của ASEM, với sự đồng bảo trợ của 5 nước thành viên, gồm Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc và được Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 (Ulaanbaatar, Mông Cổ, 7/2016) thông qua. 

Hội nghị cũng chuyển đi thông điệp về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng XII, thể hiện sự tích cực góp phần vào các quan tâm chung, tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tranh thủ ủng hộ, phối hợp của các thành viên thúc đẩy quan tâm của ta về đổi mới, sáng tạo, giáo dục và phát triển nhân lực.

Đọc thêm