Đón Tết thời Covid 19 của người dân Hải Dương

(PLVN) - Tết sum vầy là điều được người Việt nhắc đến từ xa xưa, bởi quanh năm đi làm ăn xa, ai ai cũng muốn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc về thăm ông bà, cha mẹ, quê hương và cùng gia đình thưởng thức không khí Tết quê đã ăn sâu vào máu thịt. Tết Tân Sửu năm nay, dịch Covid 19 bùng phát tại Hải Dương, Quảng Ninh khiến nhiều nơi bị phong toả, hạn chế đi lại. Bao dự định về một cái Tết sum vầy của người người, nhà nhà đành phải chựng lại.
Dịch Covid 19 bùng phát, người dân Hải Dương không được đón Tết trọn vẹn vì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh
Dịch Covid 19 bùng phát, người dân Hải Dương không được đón Tết trọn vẹn vì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh

Tết ở Hải Dương năm nay dường như yên lặng khác thường, vắng những lời chúc tụng, những màn nâng ly ồn ã mừng năm mới. Nếu như vào thời khắc giao thừa đón chào năm mới ở năm trước, người dân luôn háo hức, chờ đợi trong tâm thế vui mừng, phấn khởi thì năm nay bầu không khí trầm lắng.

Vẫn là hình ảnh nhà nhà ngóng đợi nhưng không còn có nhiều hình ảnh người dân đi lấy lộc, ra chùa làm lễ hay đến nhà nhau xông đất. Năm nay từ quê đến phố, đường sá thưa vắng, nhà nào nhà ấy lặng lẽ với một mâm lễ nhỏ mang ra sân hoặc trước cửa thắp hương, ai nấy đều ý thức hạn chế ra khỏi nhà để phòng  dịch bệnh Covid 19.

Không khí trầm lắng ấy, cũng tái diễn vào ngày mùng 1 năm mới. Đường sá vắng lặng, thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng một vài người lặng lẽ ra đường với khẩu trang bịt kín, ai cũng vội vàng, khung cảnh buổi sáng mùng 1 ảm đạm, trái ngược với không khí chúc tết, xông nhà rôm rả của các năm trước.

Dịch Covid 19 bùng phát, người dân Hải Dương không được đón Tết trọn vẹn vì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
 Dịch Covid 19 bùng phát, người dân Hải Dương không được đón Tết trọn vẹn vì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Vượng, trú tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, thời điểm này hàng năm, gia đình con cái ông sẽ cùng nhau đến hai bên họ hàng nội, ngoại để chúc Tết. Hoặc lên kế hoạch, chuẩn bị hành trang cho nhưng chuyến du xuân đầu năm mới sau 3 ngày Tết.

Gần thì đi thăm quan những di tích lịch sự trong tỉnh như đền Cao, đền Côn Sơn – Kiếp Bạc (thuộc TP Chí Linh). Nhưng năm nay, mọi kế hoạch thăm hỏi, chúc tết, du xuân của chúng tôi cũng như bao gia đình khác đều bị hủy bỏ.

Không những vậy, những ngày qua, ở địa phương ông còn xuất hiện một số ca nhiễm Covid 19 đã làm cho mọi hoạt động, sinh hoạt thường ngày của người dân cũng như gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Địa phương bị phong toả, thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế để dịch không bị lây lan ra cộng đồng.

Bản thân ông Vượng còn cùng nhiều lực lượng trong xã kết hợp với công an, bộ đội, các ngành chức năng tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid 19. Với ông, đây là năm đầu tiên mà những ngày Tết không được tưng bừng, náo nhiệt và trọn vẹn. 

"Mọi năm mấy ngày Tết làng rộn ràng lắm, các gia đình, dòng họ họp bàn tổ chức liên hoan, gặp mặt ăn mừng, chúc tụng nhau, có gà ăn gà, có lợn mổ lợn. Năm nay thì khác, gia đình tôi và mọi người trong xã chỉ làm con gà với mâm cơm thường để cúng Tổ tiên chứ không đến gặp gỡ, hàn huyên, chúc tụng, nâng ly chúc Tết nhau. Mặc dù năm nay phải đón Tết trong bầu không khí ảm đạm không trọn vẹn nhưng chúng tôi vẫn tự động viên nhau phải cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Tất cả vì công cuộc phòng chống dịch Covid 19 thật hiệu quả, để dịch Covid 19 sớm được kiểm soát, bà con có thể đón những cái Tết thật vui vẻ vào những năm sau cũng được”, ông Vượng tâm sự.

Theo ghi nhận, ở tại các địa phương khác như TP Chí Linh, Thanh Hà, thị xã Kinh Môn không khí vui xuân, đón Tết cũng diễn ra trong trầm lặng. Các hoạt động đón Tết của bà con diễn ra mang tính chất cá nhân hoặc quy mô gia đình. Tất cả mọi người đều hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người, luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn để phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Ở vùng dịch Cẩm Giàng, từ sáng sớm mùng 1 Tết, loa truyền thanh đã phát đi các thông báo phòng ngừa bệnh dịch, khuyến cáo hạn chế người dân ra ngoài. Ở xã Ngọc Liên - nơi giáp với thị trấn Cẩm Giang vốn đang có mấy ca bệnh nhưng đường sá không một bóng người. Ngôi chùa làng Mỹ Hảo bình thường vốn rất đông đúc nhưng cũng không mở cửa từ chiều 30 Tết.

Các đường vào đã bị rào lại chỉ chừa cổng làng. Ai qua lại cũng buộc phải đo thân nhiệt. Cùng với thông tin bệnh dịch liên tiếp mấy ngày qua và việc đi lại khó khăn nên ai cũng chọn cách ở nhà. "Tết thì năm nào cũng có, năm nay dịch bệnh đúng vào dịp Tết nên đành chịu. Hy vọng dịch qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường", một người dân chia sẻ.

Các gia đình đều hạn chế ra khỏi nhà, không đến nhà chúc tết nhau để phòng chống dịch bệnh.
 Các gia đình đều hạn chế ra khỏi nhà, không đến nhà chúc tết nhau để phòng chống dịch bệnh.

TP Hải Dương những Tết trước tấp nập người đi lại thì gần trưa mùng 1 Tết năm nay vẫn vắng vẻ hơn cả ngày thường. Không có cảnh người người chen chân đến vãn cảnh chùa đầu năm mới, thiếu đi váy áo xúng xính và những lời chúc tụng. 

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường hiện tại, Tết sum vầy - kỳ vọng lớn lao của bao người cũng đành phải nhường chỗ cho sự bình an của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Theo tục lệ truyền thống, Tết là phải đi thăm hỏi, chúc nhau không chỉ đối với anh em ruột thịt mà còn cả với bà con hàng xóm, bạn bè. Đó là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt, có từ xa xưa. Thế nhưng, trong thời dịch Covid như này, chuyện thăm hỏi, chúc Tết của người dân Hải Dương cũng đã phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Thay vì đến nhà nhau xông đất, chúc Tết, ăn uống, tụ tập, nâng ly với nhau, mọi người đã thông qua mạng xã hội để gửi những lời chúc may mắn, hân hoan đến gia đình, người thân, bạn bè. Những cuộc gọi điện chúc Tết hàn huyên, thăm hỏi cũng được mọi người thực hiện ngay sau khoảnh khắc giao thừa sang năm mới.

Tết Tân Sửu có lẽ sẽ không đông vui, rộn rã như mọi năm nhưng chắc chắn là một năm mới đáng nhớ bởi diễn ra trong tình hình đặc biệt và bởi sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Tất cả vì sức khỏe cá nhân, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Mỗi chúng ta và tất cả chúng ta hãy cùng nhau thực hiện phương châm chống dịch mà Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra, thì dù được đón Tết bên gia đình hay trong nỗi nhớ mong đoàn tụ với người thân, vẫn sẽ là Tết an lành cho tất cả mọi người.

Đọc thêm