Gần lắm Đất Mũi

(PLVN) - “Bây giờ Đất Mũi là nổi nhất của huyện Ngọc Hiển. Nơi đây được tỉnh Cà Mau ưu tiên phát triển. Chúng tôi cũng đã hoàn hành quy hoạch đô thị loại V cho xã Đất Mũi”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Ngô Minh Toại chia sẻ.  

“Anh đến quê em đất biển Cà Mau, cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng chảy đưa người về thăm quê em Đất Mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng tứ bề…”. Nếu trước đây đường về Đất Mũi xa xôi cách trở thì thời gian gần đây nơi cuối cùng của cực Nam Tổ quốc này đã trở nên gần gũi với người dân khắp nơi hơn bao giờ hết. Mảnh đất cuối trời Nam hiện là thị trấn phồn vinh, điểm đến của tỉnh Cà Mau.

Chủ khu du lịch sinh thái gia đình Hoàng Hôn (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) Lâm Hoàng Hôn, nhớ lại: "Tôi sống ở đây 30 năm rồi. Chưa bao giờ dám tưởng tượng Đất Mũi có hình hài như hôm nay. Dù chỉ cách đây hơn 10 năm thôi, khi muốn đến Đất Mũi phải đi bằng đường thủy". 

Đất Mũi tuy xa mà gần

Một trong những điểm đến du khách không thể bỏ qua khi du lịch tại Đất Mũi là Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, tọa lạc trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 5.2009.

Nơi đây được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia tại GPS0001 (cây số 0) là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền.

Cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 (Đất Mũi, Cà Mau).

Biểu tượng con thuyền quen thuộc với du khách khi đến Mũi Cà Mau.
 Biểu tượng con thuyền quen thuộc với du khách khi đến Mũi Cà Mau.
Cột mốc đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau.
 Cột mốc đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau.

Hình tượng con tàu tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau cũng là một trong những điểm nhấn thú vị với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi. Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8°37'30' 'Vĩ độ bắc, 104°43' Kinh độ đông. Đây là địa điểm quen thuộc mà mỗi du khách đến với Đất Mũi đều không thể bỏ qua để chụp ảnh lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc đánh dấu chuyến hành trình đến với vùng cực Nam của Tổ quốc.

Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi.
 Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Đất Mũi.
Cột cờ Hà Nôi tại Đất Mũi.
 Cột cờ Hà Nôi tại Đất Mũi.

Cột mốc Đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau Km 2436 là điểm đến du lịch đánh dấu “điểm cuối cùng” trên chuyến hành trình trải dài từ Pác Bó - Cao Bằng (điểm đầu) đến Đất Mũi - Cà Mau (điểm cuối), đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183 km. Với quy mô thích hợp và hình thức giản dị, du khách có thể ghé thăm cột mốc đường Hồ Chí Minh để ghi lại dấu ấn trên chuyến hành trình về thăm Đất Mũi.

Đất Mũi, nơi du khách trải nghiệm

Về thăm Đất Mũi Cà Mau, nơi được ví là “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” với dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền, du khách có thể đắm chìm trong không gian trong xanh của những cánh rừng đước bạt ngàn. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.

Những điểm du lịch cộng đồng gắn với nhiều món ăn địa phương, đặc biệt là món cá kỳ dị nhất hành tinh, cá biết leo cây mà người dân bản địa gọi là cá thòi lòi; bắt ba khía, câu cua, câu cá…; khám phá bài bồi ven biển, rừng ngập mặn…Đất Mũi đang dần trở thành điểm đến thú vị trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Khu du lịch Khai Long.
 Khu du lịch Khai Long.
Đất Mũi ngày càng thu hút nhiều khách du lịch.
Đất Mũi ngày càng thu hút nhiều khách du lịch. 

Ông Ngô Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, thời gian tới, huyện ưu tiên phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại cho xã Đất Mũi. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…, giúp du khách đến Đất Mũi có chỗ để đi, để chơi, để khám phá và có cái để lưu luyến trở lại mảnh đất này.

Đọc thêm