Gốm Chu Đậu: Từ sản phẩm bị thất truyền thành điểm du lịch Làng nghề của tỉnh Hải Dương

(PLVN) - Gốm Chu Đậu vốn thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XII – XIII, phát triển rực rỡ vào đầu thế kỷ XIV – XV. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, từ sản phẩm từng bị thất truyền, gốm Chu Đậu dần được hồi sinh, trở thành một thương hiệu gốm cao cấp nổi tiếng và là điểm du lịch Làng nghề hấp dẫn của tỉnh Hải Dương.
Gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu

Mới đây, vào ngày 17/12, căn cứ theo quyết định số 3009/QĐ – UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu tổ chức Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch Làng nghề gốm Chu Đậu tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách.

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 3 khu du lịch và 6 điểm du lịch cấp tỉnh. Và lễ công bố điểm du lịch Làng nghề gốm Chu Đậu là sự kiện đầu tiên trong 5 điểm du lịch của huyện Nam Sách đã được được công nhận. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành du lịch Hải Dương.

Sản phẩm gốm Chu Đậu.
 Sản phẩm gốm Chu Đậu.

Để tiếp tục giữ gìn, phát huy điểm du lịch Làng nghề gốm Chu Đậu và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để từng bước hình thành các tour, tuyến, sản phẩn du lịch có chất lượng, thu hút đông đảo khách thăm quan, chiêm ngưỡng, mua bán sản phẩm.

Là huyện có điểm du lịch làng nghề, huyện Nam Sách cần tiếp tục chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khai thác, đầu tư phát triển điểm du lịch Làng nghề gốm Chu Đậu và các điểm du lịch trên địa bàn huyện; khuyến khích người dân địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động để phát triển du lịch cộng đồng; định hướng kết nối các điểm du lịch trong huyện thành khu du lịch cấp tỉnh.

Bên cạnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu đã đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng mong muốn công ty sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; tích cực quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển Làng nghề gốm Chu Đậu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Hải Dương.

Được biết, gốm Chu Đậu vốn thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam. Gốm có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XII – XII, phát triển rực rỡ vào thế XIV – XV và từng bị thất truyền vào đầu thế kỷ XVII.

Những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XX, gốm Chu Đậu được phát hiện qua những thông tin từ một chiếc bình gốm cổ của Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, ở thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù ngày nay số lượng làng nghề làm sản phẩm gốm không còn nhiều, thậm chí đã có làng phải bỏ nghề bởi không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, có một doanh nghiệp đã chấp nhận mọi khó khăn để hồi sinh một nghề gốm truyền thống đã thất truyền trên 400 năm, đó chính là Công ty cổ phần gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội  - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG.

Gốm Chu Đậu vừa được công bố là điểm du lịch Làng nghề gốm của tỉnh Hải Dương.
Gốm Chu Đậu vừa được công bố là điểm du lịch Làng nghề gốm của tỉnh Hải Dương. 

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) từng chia sẻ: Một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đơn vị là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có đồ gốm.

Năm 2001, nhận thấy vai trò quan trọng trong việc khôi phục làng nghề gốm cổ Chu Đậu đã thất truyền, nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ hoạt động xuất khẩu, Công ty đã quyết định thành lập Công ty cổ phần gốm Chu Đậu với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm khôi phục làng nghề, đến năm 2003, Công ty đi vào sản xuất và xuất khâu lô hàng đầu tiên sang Tây Ban Nha. Không những thế, nhằm quảng bá thương hiệu và giá trị văn hóa dân tộc, mở rộng cơ sở sản xuất, năm 2009, gốm Chu Đậu tiếp tục được đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng giai đoạn 2. Nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường xúc tiến thương mại nên thương hiệu của dòng sản phẩm gốm Chu Đậu trên thị trường quốc tế ngày được mở rộng.

Với bàn tay tài hoa và trí sáng tạo của mình, những nghệ nhân và người thợ làm gốm của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu đã phục dựng thành công dòng gốm cổ Chu Đậu và tạo ra hàng nghìn sản phẩm, làm sống lại và nâng tầm cao mới của gốm Chu Đậu xưa. Trở thành một thương hiệu gốm cao cấp tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời phát triển vùng quê thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách thành điểm du lịch làng nghề.

Những năm gần đây, phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các xưởng sản xuất của Công ty trở thành điểm tham quan, trải nghiệm quy trình làm gốm hấp dẫn đối với khách du lịch.

Hiện sản phẩm gốm Chu Đậu đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga. Sản phẩm ngày được tiêu thụ mạnh nên sản xuất của đơn vị tăng trưởng lên rất nhiều.

Với lợi thế làng nghề ở gần các liên kết với các doanh nghiệp du lịch, do vậy ngoài việc mở rộng sản xuất, tăng cường xuất khẩu, trong những năm gần đây, gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách quốc tế trong và ngoài nước. Trở thành địa danh trong bản đồ du lịch của tỉnh Hải Dương.

Đọc thêm